Cáp quang biển xuyên Thái Bình Dương với tốc độ 60 Tb/s của Google chính thức hoạt động

    TVD,  

    Đây là tuyến cáp quang biển dài tới 9.000 km, nối liền Mỹ và Nhật Bản xuyên qua Thái Bình Dương, với tốc độ đường truyền lên đến 60 Tb/s.

    Tuyến cáp quang biển mới nối liền Nhật Bản và Mỹ xuyên qua Thái Bình Dương là một trong những dự án lớn được tài trợ bởi Google. Ngày hôm nay 30 tháng 6, nhà thầu NEC Corporation cho biết đã hoàn thành và sẵn sàn đưa tuyến cáp quang này vào sử dụng.

    Toàn bộ tuyến cáp quang biển này kéo dài tới 9.000 km, từ Oregon tới Chiba và quận Mei của Nhật Bản. Ngoài kết nối giữa Mỹ và Nhật Bản, tuyến cáp quang này cũng sẽ có khả năng phục vụ một số thành phố lớn khác tại Châu Á.

    Dự án đặc biệt này cũng được đặt một cái tên đặc biệt không kém, đó chính là “Faster”. Lần đầu tiên được công bố vào tháng 8 năm 2014, bởi các nhà đầu tư chính là Google, Global Transit, China Telecom Global, Singtel, China Mobile International và KDDI.

    Nhà thầu chịu trách nhiệm xây dựng tuyến cáp quang này là NEC, tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu có trụ sở chính tại Nhật Bản. NEC cũng sẽ chịu trách nhiệm vận hành tuyến cáp quang biển này, cùng với việc sửa chữa và bảo trì.

    Faster là tuyến cáp quang biển duy nhất cho đến nay có thể cung cấp tốc độ đường truyền lên đến 60 terabit mỗi giây, nhờ sử dụng loại cáp có tới 6 lõi. Do đó, tuyến cáp này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với các công ty internet toàn cầu như Google.

    Đặc biệt là khi Google cũng đang cạnh tranh trong cuộc đua điện toán đám mây, lượng dữ liệu được lưu trữ và truyền tải trong tương lai sẽ là những con số khổng lồ. Chính vì vậy mà việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường truyền internet băng thông rộng, tốc độ cao là rất cần thiết.

    Đây cũng không phải là dự án cáp quang biển đầu tiên được Google đầu tư. Gã khổng lồ tìm kiếm đã từng đầu tư vào 2 dự án cáp quang biển khác xuyên đại dương.

    Cung cấp đường truyền internet tốc độ cao cũng sẽ là một mảng kinh doanh mới của Google. Công ty con Google Fiber đang muốn cạnh tranh với các nhà cung cấp mạng internet tốc độ cao khác tại Mỹ. Đây chính là tiền đề để Google có thể trở thành nhà mạng toàn cầu.

    Tham khảo: The verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày