Cặp tai nghe không dây này có gì đặc biệt mà đắt gấp đôi AirPods Max?
Khi hãng loa ‘tiền tỷ’ sản xuất tai nghe không dây thì sẽ như thế này đây!
Thị trường tai nghe không dây luôn là sự đánh đổi! Ít có tai nghe nào có thể cân bằng được tất cả các yếu tố: Thiết kế đẹp, đeo thoải mái, khả năng chặn tiếng ồn bên ngoài và chất lượng âm thanh. Nhưng hôm nay, ta có một ứng cử viên nặng ký để thực hiện ‘nhiệm vụ bất khả thi’ này: Cặp tai nghe cao cấp Focal Bathys .
Focal có thể là một cái tên còn xa lạ với nhiều người, nhưng đã là một ‘tay chơi’ trong thị trường âm thanh cao cấp. Đây là một thương hiệu từ Pháp đã có mặt trên thị trường từ 1979, thường tập trung vào phân khúc cao cấp. Trong đó các sản phẩm cao cấp nhất của hãng đều có tên là Utopia, với tai nghe lên tới hơn 100 triệu và cặp loa có mức giá ‘rửa mắt’: hơn 6 tỷ Đồng!
Cũng vì vậy mà từ khi ra mắt, cặp tai nghe không dây đầu tay của thương hiệu này là Focal Bathys đã được nhiều người yêu âm thanh săn đón, trong đó có tôi. Nhưng sau nhiều lần ‘săn sale’ không thành công, tôi đành phải mượn một người bạn để trải nghiệm!
Là một lựa chọn tai nghe cao cấp nhưng bộ phụ kiện của Bathys cũng vẫn tiêu chuẩn cho tai nghe không dây: một sợi 3.5mm để nghe nhạc có dây và dây sạc USB-C.
Tai nghe có thể gập phẳng phần đeo tai (Cups) lại, và để vào hộp khóa kéo - cơ chế khá giống với dòng Sony WH-1000X.
Điều đầu tiên mà ta nhận thấy ở cặp tai nghe này đó là nó có một thiết kế khá ‘dị’! Kiểu dáng tai nghe hình Oval vẫn là tiêu chuẩn, nhưng mặt ngoài thì có hàng loạt những yếu tố trang trí khiến nó khác biệt hoàn toàn với những cặp tai nghe khác.
Mặt ngoài có những chiếc lỗ nhỏ, đặt thành hàng để hướng tới 1 hình tròn làm bằng kim loại ở giữa. Nằm ở chính giữa là logo của Focal, có tích hợp đèn để báo hiệu tình trạng kết nối, tình trạng pin khi sử dụng.
Đây chính là kiểu thiết kế đặc trưng của Focal, đã được áp dụng từ các sản phẩm tầm thấp cho tới cao cấp nhất từ Utopia. Tùy vào mắt nhìn của mỗi người mà đây là thiết kế đẹp hoặc không, nhưng một điều chắc chắn đó là nó không dành cho những người sợ lỗ (Trypophobia)!
Hệ thống nút bấm của tai nghe bao gồm: 3 nút bấm chỉnh bài nhạc, chỉnh âm lượng, cần gạt để chuyển chế độ (bật tai nghe lên, chế độ có dây và không dây), nút bấm điều chỉnh cường độ chống ồn, 1 nút gọi trợ lý ảo (Google Assistant hoặc Alexa) và 2 cổng cắm là USB-C và 3.5mm.
Trở lại với thiết kế của tai nghe, Focal Bathys được hoàn thiện kết hợp giữa kim loại và nhựa để giảm trọng lượng. Cầm trên tay, cặp tai nghe này có cân nặng gần hơn với những mẫu như Bose QuietComfort, Sony WH-1000X hơn là AirPods Max với hàm lượng kim loại cao hơn. Tuy vậy, chất lượng hoàn thiện vẫn được đảm bảo: Các khớp nối chắc chắn, phần đeo tai khi xoay cho cảm giác chắc chắn và cũng không tạo tiếng ‘ọp ẹp’.
Phần đệm đầu được làm bằng da lộn, cho độ thoải mái ở mức trung bình mà thôi vì bên trong không có nhiều đệm mút.
Riêng phần đệm tai thì lại là câu chuyện khác, được làm bằng da mềm và có đệm rất dày nên cho cảm giác nâng đỡ rất tốt. Nhược điểm của việc làm đệm da dày như thế này đó là sử dụng trong mùa hè sẽ khá nóng, phải bỏ ra để ‘thoát hơi’ sau khoảng 20 - 30 phút sử dụng.
Tai nghe cũng có phần mềm điều khiển trên smartphone tên là Focal & Naim, với các chức năng bao gồm: Theo dõi thời gian pin, chỉnh cường độ chống ồn chủ động, bật tắt đèn LED ở mặt ngoài, cá nhân hóa âm thanh bằng EQ hoặc bài thử thính lực. Một tính năng đang khá ‘trend’ trong thời gian gần đây là âm thanh vòm (Dolby Atmos, Spatial Audio) không thấy có ở Bathys.
Nói về khả năng chống ồn chủ động, Focal Bathys chia ra 2 cường độ là nhẹ (Soft) và mạnh (Silent). Tôi thường dùng mức nhẹ ở những nơi yên tĩnh như văn phòng, cà phê và Silent khi ngồi ở những nơi đông đúc, ồn ào như công viên và trên máy bay. Cường độ chống ồn của Bathys nằm ở mức tốt, chỉ thấp hơn những lựa chọn tốt nhất như Sony WH-1000X hay AirPods Max.
Cá nhân tôi cũng không thực sự cần tính năng ANC phải ‘chặn sạch mọi âm thanh’, chỉ cần cắt đi những tiếng động gây xao nhãng trong lúc sử dụng thôi nên cường độ chống ồn của Bathys vẫn là quá đủ rồi.
Có giá bán cao gấp đôi AirPods Max thì liệu cặp tai nghe có nghe hay hơn “gấp đôi” AirPods Max chứ nhỉ? Trên thực tế thì không có khái niệm “nghe hay hơn gấp đôi”, và Focal Bathys cũng hướng tới đối tượng nghe nhạc rất khác so với những cặp tai nghe của Sony và Apple.
Sony WH-1000X và AirPods Max đều hướng tới việc nghe nhạc Pop, Dance, Hip Hop - đều là những thể loại nhạc sôi động và dễ tiếp cận với số đông. Vì vậy mà chất âm của những cặp tai nghe này đều hướng tới thiên trầm hoặc V-shape (đẩy mạnh cả dải trầm và cao) tạo nên sự mạnh mẽ, khỏe khoắn và sẵn sàng đánh đổi độ rộng của âm thanh (âm trường) và những chi tiết nhỏ trong bài nhạc.
Focal Bathys đi theo hướng ngược lại, cố gắng tạo ra một chất âm cân bằng và giữ lại được chi tiết nhỏ trong bài hát, một kiểu âm mà mọi người vẫn gọi vui là “âm thanh Audiophile”. Chính vì vậy mà trong những lần đầu nghe, cặp tai nghe này khá là “nhạt”! Mọi dải âm được đặt ngang hàng nhau, không có dải nào thực sự đặc biệt, nổi bật lên - hay nói một cách khác là thiếu điểm nhấn để tạo nên cá tính.
Ngược lại, ưu điểm của kiểu âm này đó là đem lại sự tự nhiên cho bài nhạc. Từ tiếng trống ở dải thấp, cho tới giọng ca sĩ và dải cao đều có âm sắc giống như được chơi ngoài đời, có không gian đủ rộng để thể hiện để không bị chen lấn vào nhau. Dù là tai nghe dạng đóng, Focal Bathys vẫn có âm trường khá thoải mái, tránh hiện tượng ‘dồn ép’ tất cả vào khu vực giữa đầu người nghe.
Trong dải âm của Bathys, nếu nghe thật kỹ thì sẽ có 1 phần nhỉnh lên là đoạn trung cao (high-mid) giúp những giọng ca sĩ nữ như Sabrina Carpenter, Norah Jones sáng hơn trung bình 1 chút, nhưng chưa tới mức chói sáng gây khó chịu mà chỉ để giọng ca sĩ ‘cắt’ qua được tiếng trống trong những bài có nhiều âm trầm.
Điểm ‘ăn tiền’ nhất ở Focal Bathys đối với tôi là vấn đề ‘âm hình’, cách mà tai nghe tạo hình cho nhạc cụ và giọng hát trong không gian âm thanh. Không có lượng âm trầm dày dặn, nhưng mỗi phát trống được Bathys ‘đẩy’ tới tai người nghe một cách uy lực, đòi hỏi sự chú ý của người nghe. Cả dải trung và cao cũng là điều tương tự, tất cả mọi thứ đều rõ ràng, dễ nghe mặc dù không cần phải quá nổi bật và ‘dí’ gần sát vào tai người dùng.
Tai nghe chống ồn duy nhất cho Audiophile?
Với mức giá lên tới gần 20 triệu Đồng, đây là một trong những cặp tai nghe không dây chống ồn đắt đỏ nhất hiện nay. Mức giá này có ‘đáng’ hay không tùy thuộc vào việc bạn đang kiếm tìm điều gì ở một cặp tai nghe, nếu như gu nhạc của bạn gồm nhiều nhạc Jazz, Classical, những bài nhạc có lời nhưng nhẹ nhàng, và bạn thích một chất âm thoải mái mà vẫn có sự chi tiết ao thì sẽ không có tai nghe không dây nào khác trên thị trường có thể vượt mặt được Focal Bathys.
Ngược lại, đây không phải là tai nghe có thể thể hiện được trọn vẹn các bài nhạc ‘thị trường’, với mục đích này thì AirPods Max ở mức giá chỉ 1 nửa vẫn có thể ‘trên cơ’ được Bathys. Đây vẫn sẽ tiếp tục là một cặp tai nghe ‘niche’ hướng tới những người yêu thích kiểu âm thanh đơn giản, truyền thống, và là một sản phẩm làm rất tốt điều đó!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời