Câu chuyện bi thảm về hai bà mẹ - một người, một voi - trên hành trình sinh tồn đầy gian truân
Một bà mẹ, dù là người hay voi, sẽ không bao giờ bỏ con mình lại dù nó còn sống hay đã chết.
Vào tuần đầu tiên của tháng 11 năm 2022, vào khoảng 5h30 sáng, các tin tức bắt đầu lan truyền rằng một con voi con có thể đã chết trên cánh đồng lúa của một ngôi làng ở quận Udalguri ở bang Assam, Ấn Độ. Con voi mẹ đang cố kéo cái xác con non theo.
Quận Udalguri là một trong những khu vực thường xảy ra xung đột giữa người và voi ở Assam. Các hồ sơ cho thấy hơn 100 con voi và 200 người đã thiệt mạng trong 12 năm qua trong cuộc xung đột này.
Đến khoảng 6 giờ sáng, mọi người trong làng đã tập trung lại để xem con voi cái đơn độc đang cố kéo một con voi con đã chết bằng hai chân sau. Những người đứng xem nói rằng một đàn voi lớn gồm 80 tới 100 con đã đột kích vào cánh đồng vào đêm hôm trước và con voi này cùng con voi con là một phần trong số đó. Tuy nhiên, cả đàn đã quay trở lại rừng vào khoảng 4 giờ sáng để lại hai mẹ con.
“Một bà mẹ, dù là người hay voi, sẽ không bao giờ bỏ con mình lại dù nó còn sống hay đã chết”, một người nông dân sống gần đó cho biết. “Các bà mẹ có thể chấp nhận rủi ro lớn để bảo vệ con mình. Bạn có thể thấy con voi cái này dù đang ở giữa đám đông con người vào ban ngày, vẫn cố gắng đánh thức con của nó dậy.”
Hơn 200 người đã tập trung lúc 7 giờ sáng nhưng tất cả đều giữ im lặng và giữ khoảng cách đáng kể với con voi mẹ.
Con voi cái không khỏi lo lắng trước sự hiện diện của người dân và quyết tâm kéo con voi con đã chết đến nơi an toàn. Nó dùng hai chân sau để lăn cơ thể con non đi. Con voi con dường như chỉ khoảng 3-4 tuổi và không đủ nhỏ để kéo đi bằng vòi. Khi cái lạnh buổi sáng sớm nhường chỗ cho nhiệt độ cao hơn, con voi mẹ làm mát mình bằng cách phun đất và nước lên người. Việc kéo lê tiếp tục trong 8 giờ tiếp theo và nó đã lăn cái xác di chuyển 400 mét từ điểm đầu tiên, băng qua hàng cây trồng, một kênh tưới tiêu nông nghiệp và vùng cây bụi. Đến khoảng 3 giờ chiều, sự kiên nhẫn của nó cạn kiệt và có lẽ con voi mẹ đã chấp nhận sự thật rằng việc đánh thức con mình từ cõi chết là vô ích. Nó từ từ rời đi, di chuyển dọc theo con sông để vào rừng. Nó và đàn voi lớn đã không quay trở lại khu vực này trong một tuần hoặc lâu hơn.
Voi là loài động vật xã hội, đa cảm xúc, có tri giác và được biết đến là có khả năng thương tiếc đồng loại đã chết. Mối quan hệ giữa mẹ và con đặc biệt bền chặt vì con non gắn bó mật thiết với mẹ trong 8 tới 10 năm.
Câu chuyện về bà mẹ con người
Gần 20 con voi đã bị giết ở bang Assam vào tháng 10 năm 2022 và nhiều con trong số đó chết là do bị điện giật ở các khu vực nông trang. Bộ lâm nghiệp Ấn Độ rất muốn tìm hiểu xem liệu điện giật có phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết của con voi con trong trường hợp kể trên hay không.
Vì xác của con voi chết không có sẵn để phân tích pháp y vào thời điểm đó nên các nhà điều tra phải dựa vào những bằng chứng khác. Gần nơi con voi chết, có một khoảnh đất nhỏ để trồng trọt với một hàng rào dây thép được dựng lên làm ranh giới. Việc dựng một hàng rào như vậy là điều phổ biến ở đây, vì người ta phát hiện ra rằng những hàng rào dây điện trần, dù không nối điện vẫn có thể ngăn cản đàn voi về mặt tâm lý. Họ cũng phát hiện không có dây điện kết nối với hàng rào này.
Chủ của ruộng lúa này là một phụ nữ có con gái sáu tuổi, sống ở gần đó. Thôn của họ nằm trong khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự xâm lấn của đàn voi. Hầu hết những người sống ở đây từng là công nhân của một điền trang trồng chè.
Người phụ nữ cho biết nhà của mình đã bị voi phá 3 lần và bà không có đất ở. Cô cũng từng làm việc tại điền trang chè, nhưng sau một căn bệnh kéo dài và bị chồng bỏ rơi, giờ đây cô không thể làm việc gì quá lâu. Đó là lý do cô quyết định lấy hai bigha (khoảng 2.500 mét vuông đất) ruộng để làm chung với một người đàn ông khác làng. Khi hỏi liệu cô có mắc điện vào hàng rào hay không, người phụ nữ này nói không.
Tuy nhiên, sau khi điều tra kỹ hơn, người ta đã tìm thấy các phần da và thịt voi dính vào hàng rào dây thép của cánh đồng lúa này. Một sợi dây điện kết nối cũng được tìm thấy gần đó, được giấu bên trong một bụi cây. Đoạn dây nối điện trước đó đã được đặt chìm dưới lòng đất.
Người phụ nữ sở hữu cánh đồng đã bị thẩm vấn một lần nữa và cuối cùng cô thừa nhận rằng hai người thực sự đã “điện khí hóa” hàng rào. Cô nói điều này được thực hiện trong tuyệt vọng, bởi cô không còn cách nào khác là phải bảo vệ mảnh đất cuối cùng của mình.
Tình hình trở nên khó phân xử. Về luật, người phụ nữ này phải bị bắt theo Đạo luật Bảo vệ Động vật hoang dã. Tuy nhiên, vì cô có con nhỏ nên các quan chức lâm nghiệp quyết định không thực hiện hành động đó ngay lập tức. Sau đó, cả người mẹ này và người đàn ông là đối tác của cô đều bị bắt và đưa đến đồn cảnh sát. Người phụ nữ cuối cùng đã được thả vì lòng trắc ẩn. Còn người đàn ông bị buộc tội cố ý giết con voi.
Vài ngày sau, người ta phát hiện ra con voi mẹ kia khi cả đàn voi di chuyển sang một điền trang chè khác. Nó được nhìn thấy đang gần gũi với một con voi con mới sinh trong đàn.
Khi những cuộc sống giao nhau
Cuộc sống của hai bà mẹ, voi và người, giao nhau đã dẫn đến một kết cục bi thảm cho cả hai trong khu vực xung đột giữa người và voi này. Đây không phải là một sự kiện ngẫu nhiên, nhưng, phương thức gặp gỡ đã được tạo ra thông qua các tình huống trong cả lịch sử và hiện tại.
Những con voi đã mất phần lớn quê hương của chúng do nạn phá rừng trên diện rộng ở bang Assam, đặc biệt là trong ba thập kỷ qua. Điều đó khiến chúng ngày càng phụ thuộc vào các loại thực phẩm bổ dưỡng được trồng ở các khu vực do con người thống trị.
Mặt khác, những người lao động trồng chè ở Assam - được gọi là Aadivasi - đã sống trong cảnh nghèo đói mà không có nhiều sự hỗ trợ về mặt xã hội trong hơn 150 năm qua. Nhiều người trong số họ hiện sống trong các xóm nhỏ sau khi mua vài mảnh đất lớn ở ngoại vi làng.
Cả người và voi hiện sống cuộc sống gian khó, cùng phụ thuộc vào đồn điền và các ruộng lúa. Các đồn điền chè đang duy trì sự tồn tại của cả hai, vì người Aadivasi tìm được công việc lương thấp nhưng ổn định quanh năm ở đó còn những con voi tìm được nơi trú ẩn quan trọng tại những khu đất nằm bên ngoài khu rừng này. Những cánh đồng lúa thì trở thành tài nguyên sinh tồn vì chúng cung cấp sinh kế cho cả những người nông dân nghèo cũng như voi. Cả hai đều trở nên tuyệt vọng trong việc cố gắng chiếm lấy các tài nguyên này, dẫn đến thiệt hại cho cả hai bên.
Vào một số ngày, người Aadivasi giành chiến thắng. Nhưng vào những ngày khác, đàn voi lại thắng họ. Không có giải pháp rõ ràng cho vấn đề này và thiệt hại được cho là sẽ tăng lên trong tương lai.
Trong trường hợp không có những thay đổi lớn để nâng cao cuộc sống của cả hai, sự tách biệt về không gian giữa người và voi không phải là một mục tiêu mang tính thực tế.
Ở các cuộc thảo luận lớn về bảo tồn voi ở Ấn Độ, “cùng tồn tại” đã trở thành một từ thông dụng để mô tả các phương thức gặp gỡ mong muốn giữa người và voi. Con người, những người thường xuyên gánh chịu những thiệt hại liên quan đến voi, thường nói về việc cùng tồn tại với những con voi chủ yếu là do sự khoan dung về mặt văn hóa. Tuy nhiên, điều này không thể che giấu một thực tế khó chịu rằng chính sách và các hoạt động thực hành bảo tồn đang khiến cả người và voi gánh chịu những thất bại nặng nề.
Dựng lên các hàng rào và tổ chức các buổi nâng cao nhận thức có thể chỉ là biện pháp 'hỗ trợ tạm thời” để làm dịu đi những thiệt hại. Nhưng sẽ cần tới các giải pháp chính trị mạnh mẽ để mang lại công bằng cho các bà mẹ, cả người lẫn voi.
Tham khảo Qz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời