Có một cuộc chiến thầm lặng đã diễn ra trên thế giới trong nhiều năm qua. Cuộc chiến này không có chiến tuyến, không có quy tắc giao tranh và không biết bao giờ mới kết thúc.
Cuộc chiến đó không có bom rơi đạn lạc, cũng chẳng có người chết hay bị thương, ít nhất là cho đến thời điểm này. Thế nhưng, Mỹ và các nước khác vẫn coi đây là một chiến trường thực thụ, nơi họ tranh giành vị thế thống trị trong không gian mạng. Chẳng ngạc nhiên khi các hacker chuyên nghiệp đang được săn đón gắt gao để tham gia cuộc chiến không tiếng súng này.
“Không gian mạng cũng là một quân chủng, giống như các quân chủng khác: lục quân, hải quân, không quân”, Charlie Stadtlander, phát ngôn viên của Bộ tư lệnh không gian mạng quân đội Mỹ cho biết. “Không gian mạng là một nơi có sự tồn tại của chúng ta. Đây là một phần bình thường của các chiến dịch quân sự”.
Trước mối đe dọa ngày càng gia lớn từ các quốc gia khác trong không gian mạng, quân đội Mỹ đã tăng cường phát triển đội quân chiến binh mạng của mình.
Xây dựng đội quân số
Trong chiến lược mạng của mình, quân đội Mỹ đã đề xuất thành lập 133 đơn vị thực thi các “sứ mệnh không gian mạng” trước năm 2018. 27 đơn vị trong số này được giao nhiệm vụ hỗ trợ các chiến dịch ngoài thực địa bằng các cuộc tấn công mạng.
Lực lượng không gian mạng sẽ gồm khoảng 4.300 thành viên. Nhưng chỉ 1.600 trong số này thuộc “nhóm chiến đấu”, đảm nhận vai trò tấn công mạng. Đối thủ của họ là “lực lượng chiến tranh đặc biệt” của Trung Quốc, đơn vị hacker bí mật - Cục 121 của Triều Triên, các nhóm hacker như Anonymous và các tập đoàn tội phạm. Họ còn được giao nhiệm vụ xâm nhập mạng lưới của các tổ chức khủng bố như IS, phá vỡ kênh liên lạc và chặn các thiết bị phát nổ được kích hoạt qua điện thoại di động của chúng.
Các chiến dịch tấn công mạng có thể đem đến những kết quả ngoài thực địa, và quân đội Mỹ đang tích cực tận dụng sức mạnh này. Vào năm 2009, Mỹ và Israel đã bí mật chèn mã độc Stuxnet vào các máy tính của Iran và phá hủy gần 1/5 máy ly tâm hạt nhân của nước này. Gần đây hơn, vào tháng 2 năm nay, các hacker Mỹ đã lần đầu tiên được sử dụng để chống lại IS với vai trò quan trọng không kém so với lính chiến trường.
“Chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng trên các vùng chiến sự. Giống như ném bom trên thực địa, chúng tôi đang ném những quả bom số”, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter nói.
Như một sĩ quan quân đội Mỹ đã nói trong cuộc tập trận năm 2015, cuộc chiến không gian mạng dường như mới chỉ bắt đầu. “Chiến tranh tương lai sẽ không còn là súng và đạn. Chiến tranh sẽ là 1 và 0”.
Việc Lầu năm góc chiêu mộ các chuyên gia phòng thủ không gian mạng không phải là điều bất ngờ. Chính phủ và quân đội Mỹ thường xuyên bị tấn công bởi các quốc gia muốn xâm nhập vào hệ thống an ninh của họ.
Nhưng Mỹ không chỉ muốn bảo vệ không gian mạng của mình, họ còn muốn phát triển các chiến lược tấn công mạng. Các chiến binh mạng sẽ xâm nhập hệ thống máy tính nước ngoài để thu thập thông tin tình báo hoặc cản trở kẻ địch trên chiến trường. “Tại sao anh phải đợi kẻ địch đến đánh nhà mình trong khi có thể ra tay trước?” Stadtlander nói.
Tuy nhiên, Stadtlander không tiết lộ về các chiến dịch mà Bộ tư lệnh không gian mạng đang tiến hành, do bản chất đặc thù của chiến tranh mạng. Nếu đối thủ biết Mỹ đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới, họ sẽ phải xây dựng hệ thống phòng thủ để đáp trả. Và điều này sẽ mất nhiều năm. Nhưng trong chiến tranh mạng, một giải pháp phòng thủ có thể được phát triển chỉ trong vài ngày. Vì thế, bảo mật thông tin là điều tối quan trọng trong chiến tranh mạng.
Binh pháp số
Một trong những tài liệu quan trọng nhất về chiến tranh mạng của quân đội Mỹ là FM 3-38. Đây được xem là “binh pháp” đầu tiên về chiến tranh mạng, tổng hợp các nội dung về điều khiển mạng, chiến tranh điện tử và tình báo trong một tài liệu dày 96 trang. Tài liệu này được công bố vào tháng 2/2014.
Vậy thì một chiến binh mạng có thể làm gì để tác động đến chiến trường trên thực địa? Câu trả lời là khá nhiều, theo như tài liệu trên. “Một cuộc tấn công mạng có thể được triển khai song hành cùng các phương pháp tấn công khác để đánh lừa, làm suy yếu, gián đoạn, và phá hủy một hệ thống phòng không hoặc nơi trú ẩn của kẻ địch”, tài liệu viết.
Một ví dụ tài liệu đưa ra là radar cảnh báo sớm. Nếu chiến binh mạng có thể xâm nhập vào mạng lưới radar của đối thủ, họ có thể phá hủy hoặc làm suy yếu công năng của chúng.
Đó là những gì các chiến binh mạng được huấn luyện trong một cuộc tập trận hồi tháng 3 vừa qua của quân đội Mỹ. Các chiến binh mạng được giao nhiệm vụ thăm dò mục tiêu – một hệ thống phòng không mô phỏng. Sau đó, họ phải tìm kiếm mạng không dây của mục tiêu để xâm nhập hoặc vô hiệu hóa nó.
Nếu vô hiệu hóa được radar của đối thủ, quân đội sẽ không cần phải huy động máy bay chiến đấu tàng hình nữa. Tài liệu cũng chỉ ra các hệ thống khác mà hacker quân đội có thể xâm nhập, chẳng hạn như như mạng điện thoại, máy chủ, và smartphone của kẻ địch.
Đại học hacker
Tọa lạc ở phía tây nam của thành phố Augusta, bang Georgia là Fort Gordon, nơi các chiến binh mạng của quân đội Mỹ tề tựu dưới một mái nhà. Vào năm 2013, quân đội Mỹ đã chọn nơi đây làm đại bản doanh của Bộ tư lệnh không gian mạng sau khi đơn vị này được thành lập vào năm 2010.
Fort Gordon cũng là trụ sở của trung tâm chỉ huy chiến dịch rộng 56.113 m2 của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA). Tại đây, các chiến binh mạng sẽ được đào tạo tại Trung tâm an ninh mạng ưu tú (CCE). Để được nhận vào “đại học hacker” này, những người lính phải đạt được điểm cao trong các môn kỹ thuật của kỳ thi đầu vào quân đội, và sẽ phục vụ trong 5 năm thay vì 4 năm như ở các quân chủng khác.
Do tính chất bảo mật của công việc, quá trình đào tạo chiến binh mạng thường được tiến hành tại các cơ sở biệt lập. Tại đây, học viên không được phép mang điện thoại di động và các thiết bị ghi âm. Tất cả học viên sẽ được thẩm tra lý lịch và tư cách kỹ càng trước khi nhập học.
Sau thời gian đào tạo cơ bản, học viên sẽ phải trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu kéo dài, gồm sáu tháng ở Trung tâm chỉ huy thông tin của Hải quân Mỹ tại Pensacola, Florida và sáu tháng ở Fort Gordon.
Do học viên có nền tảng kiến thức và kỹ năng khác nhau, 2/3 thời gian đầu của khóa học được dành cho lập trình cơ bản, toán học và hệ thống mạng. Sau đó, học viên được dạy về cách nghiên cứu và xâm nhập mục tiêu, bảo vệ mạng và thậm chí hack các mạng mô phỏng bẳng Metasploit, một công cụ phổ biến của hacker, ra đời năm 2004.
Các sĩ quan mạng cũng được đào tạo tại Fort Gordon, theo Khóa học lãnh đạo cơ bản dành cho sĩ quan mạng. Khóa học này cần 9 tháng để hoàn thành và là chương trình đào tạo sĩ quan dài nhất trong quân đội Mỹ.
Các sĩ quan mạng sẽ trải qua quá trình đào tạo tương tự như các chiến binh bạng, mặc dù họ được huấn luyện chuyên sâu hơn về chi huy chiến dịch. “Họ là những tài sản quý của quân đội”, Stadtlander nói.
Điều thú vị là quân đội Mỹ đang phải chật vật để giữ chân các tài năng của mình trước sự chèo kéo của các ông lớn công nghệ ở Thung lũng Silicon.
Tấn công mạng có được xem là “hành vi chiến tranh”?
“Chưa có khuôn khổ quốc tế nào ràng buộc các quốc gia về hoạt động tấn công mạng. Các quốc gia tự đặt ra luật lệ cho mình”, Bradley P. Moss, luật sư chuyên về an ninh quốc gia cho biết. “Về cơ bản, Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác đang hoạt động trong “vùng xám” của không gian mạng, nơi không có luật lệ ràng buộc giữa các nước”, ông nói.
Chiến tranh mạng đang tiếp tục leo thang vì không có tổ chức quốc tế nào, chẳng hạn như Liên hiệp quốc, yêu cầu các quốc gia dừng tấn công lẫn nhau. Moss cho biết các quốc gia chẳng quan tâm đến tính pháp lý của hoạt động tấn công mạng. Thay vào đó, họ lo ngại hơn về các hệ lụy ngoại giao và chính trị khi chẳng may bị phát hiện. “Ít hay nhiều, hiện nay các nước đều tham gia vào chiến tranh mạng, chỉ là họ không thừa nhận mà thôi”, Moss nói.
Tham khảo: BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín