Câu chuyện về người bị từ chối tuyển dụng vì 'quá thông minh để làm cảnh sát'

    Bảo Nam,  

    Năm 1997, một người đàn ông 46 tuổi đã kiện sở cảnh sát địa phương sau khi bị từ chối làm việc vì đạt điểm quá cao trong một bài kiểm tra trí tuệ. Kỳ lạ hơn, tòa án đã đứng về phía cơ quan thực thi pháp luật.

    Vào năm 1997, Robert Jordan đã tham gia kỳ kiểm tra tuyển dụng cảnh sát tuần tra của sở cảnh sát thành phố New London, bang Connecticut, Mỹ. Ông đã thực hiện một bài kiểm tra trí thông minh được gọi là "Kỳ thi kiểm tra nhân sự kỳ diệu" và "Bài kiểm tra trình độ học vấn" do một công ty có tên là Hội đồng thực thi pháp luật của Đông Nam Connecticut thực hiện. Jordan đã đạt 33 điểm, so với mức trung bình 21 điểm của các thí sinh khác trong bài thi này.

    Tuy nhiên, dù ghi được số điểm cao như vậy nhưng sở cảnh sát thành phố khi đó đã "quên" thuê ứng viên có tên Jordan này. Jordan nói rằng ông đã nghĩ cơ hội tuyển dụng khép lại vì khi đó ông đã 46 tuổi. Đây là độ tuổi có thể được xem là khá cao cho công việc này, đặc biệt khi so với các ứng viên trẻ khác. Tuy nhiên, Jordan vẫn không hài lòng và ông đã nộp đơn kiện lên Ủy ban Cơ hội Nhân quyền Connecticut. Nhưng đó cũng là lúc ông biết rằng vấn đề thực sự lại chính là kết quả của bài kiểm tra về trí thông minh.

    Trợ lý Giám đốc Thành phố lúc đó là Keith Harrigan, người giám sát việc tuyển dụng, đã nói với Jordan rằng: "Chúng tôi không thích thuê những người có chỉ số IQ quá cao để làm cảnh sát ở thành phố này.”

    Câu chuyện về người bị từ chối tuyển dụng vì 'quá thông minh để làm cảnh sát' - Ảnh 1.

    Robert Jordan.

    Phản ứng của Jordan lúc đó chỉ đơn giản là vô cùng ngạc nhiên: "Về mặt triết học, tôi thấy nó xúc phạm đến toàn bộ nghề thực thi pháp luật”.

    Nhưng logic mà sở cảnh sát sử dụng cho quá trình tuyển dụng của họ rất rõ ràng: Bất kỳ ứng viên nào đạt điểm quá cao trong bài kiểm tra trí thông minh sẽ trở nên sớm chán nản với công việc trong lực lượng cảnh sát và không sớm thì muộn sẽ rời đi. Thậm chí, thành phố New London ước tính rằng họ đã chi 25.000 USD để đào tạo cho mỗi tân binh cảnh sát, vì vậy họ không thể để mất tiền đào tạo những ứng viên sẽ bỏ công việc cảnh sát ngay sau khi vừa bắt đầu vào làm.

    “Tôi chỉ không thể chấp nhận nó. Và tôi phát hiện ra là hoàn toàn không có bằng chứng. Không có mối liên hệ nào giữa trí thông minh cơ bản của bạn và sự hài lòng trong công việc hoặc thời gian làm việc lâu dài”, Jordan nói."Loại thông điệp đó sẽ khiến những đứa trẻ nghĩ gì? Hãy học chăm chỉ, nhưng đừng quá giỏi?".

    Và vì vậy, ông đã ra tòa và cáo buộc chính quyền thành phố cùng sở cảnh sát New London đã vi phạm quyền được bảo vệ bình đẳng của mình theo Tu chính án thứ mười bốn. Nhưng, tòa án quận đã giữ nguyên phản biện từ phía cảnh sát: "Có lý do chính đáng để sở cảnh sát yêu cầu một cảnh sát không quá thông minh".

    Jordan đã kháng cáo phán quyết trên, nhưng vào năm 2000, tòa phúc thẩm liên bang thứ hai ở New York đã tiếp tục giữ nguyên phán quyết của tòa án quận Connecticut, và Jordan lại bị đánh bại. Tòa phúc thẩm phán quyết rằng "các tiêu chí giống nhau được áp dụng cho tất cả những người làm bài kiểm tra, vì vậy quyền được bảo vệ theo Tu chính án thứ mười bốn của ông Jordan không bị vi phạm."

    Câu chuyện về người bị từ chối tuyển dụng vì 'quá thông minh để làm cảnh sát' - Ảnh 2.

    Phần thất vọng nhất đối với Jordan là tòa án đã xác định đúng sai dựa trên tài liệu của đơn vị cung cấp bài thi. Và điều này đã được giải thích trong quyết định của tòa án chống lại đơn kháng cáo của ông: “Chúng tôi kết luận rằng ngay cả khi không có mối tương quan thống kê đã được chứng minh chặt chẽ giữa điểm cao trong bài kiểm tra và sự thiếu hài lòng trong công việc, thì cũng đủ để thành phố tin tưởng - trên cơ sở tài liệu do đơn vị cung cấp bài thi thực hiện - rằng có một mối liên hệ như vậy. Nguyên đơn đã đưa ra một số bằng chứng cho thấy những người đạt điểm cao không thực sự cảm thấy không hài lòng hơn trong công việc, nhưng bằng chứng đó không tạo ra vấn đề thực tế".

    Nói cách khác, tất cả những gì quan trọng là chính quyền thành phố “tin rằng” cuộc thi đầu vào đã diễn ra đúng như kế hoạch. Miễn là niềm tin đó được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả các thí sinh, thì không có quyền hiến định nào bị xâm phạm.

    Trước thất bại, Jordan đành chấp nhận số phận của mình. Nhưng khi nói chuyện với báo chí, ông tự cho mình là gương mặt mới của sự phân biệt đối xử vào những năm 1990 của nước Mỹ. Ông nói: “Tôi khẳng định rằng bạn không thể kiểm soát được trí thông minh cơ bản của mình, cũng như màu mắt, giới tính của bạn hay bất cứ thứ gì khác”.

    Nhưng có một điều may mắn cho Jordan. Sau khi gặp thất bại trong việc ứng tuyển vào sở cảnh sát, ông vẫn có thể tìm được một công việc mới tại Cục cải huấn. Điều này chứng tỏ rằng ít nhất ông ấy đã không quá thông minh để trở thành một cai ngục.

    Tham khảo Gigazine

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ