Và người đã đánh bại câu đố này để giành lấy 1 Bitcoin, tương đương hơn 250 triệu VNĐ là một chàng sinh viên 26 tuổi, hiện đang học tại Đại học Antwerp, Bỉ.
Một câu đố ba năm tuổi với phần thưởng là Bitcoin đã chính thức được giải vào cuối tuần trước, sau khi chàng sinh viên 26 tuổi Sander Wuyts tại trường đại học Antwerp giải thành công đoạn mã ẩn trong một sợi ADN tổng hợp để lấy được 1 Bitcoin.
Câu đố này bắt đầu từ đầu năm 2015, sau khi nhà nghiên cứu Nick Goldman đến từ Viện Tin-Sinh học Châu Âu thực hiện một bài thuyết trình về cách dùng ADN để lưu trữ dữ liệu tại Davos, Thụy Sỹ. Trong buổi thuyết trình này, ông Nick Goldman đã phát các ống nghiệm chứa sợi ADN lưu trữ địa chỉ và mật khẩu của một ví điện tử có chứa trong đó 1 Bitcoin.
Người đầu tiên có thể giải được trình tự của ADN này và giải mã dữ liệu lưu trữ trong đó sẽ có thể lấy được 1 Bitcoin - ở thởi điểm đó có giá khoảng 200 USD. Còn ở thời điểm hiện tại, giá trị của giải thưởng này đã tăng lên gấp hơn 50 lần.
Câu đố của Nick Goldman có thời hạn trong ba năm, tức đến thời điểm ngày 22/01/2018 vừa qua, nếu không có ai giải được câu đố này thì cuộc chơi sẽ kết thúc. Tháng 12 vừa rồi, câu đố này vẫn nằm trong tình trạng không ai giải được - vậy nên ông Goldman đã đăng tải một dòng tweet rằng cuộc thi giành lấy 1 bitcoin sắp sửa kết thúc. Dòng tweet này thu hút sự chú ý của Sander Wuyts, khiến cậu sinh viên này yêu cầu Goldman gửi cho mình một mẫu ADN, rồi hợp tác cùng các bạn học trong trường để giải câu đố "khó nhằn" này.
"Khi đọc dòng Tweet kia, đương nhiên tôi cảm thấy rất thích thú. Tôi vẫn còn nhớ sau đó tôi đã rủ rê hội bạn học của mình bỏ hết tất cả những gì đang làm để có thể toàn tâm toàn ý giải quyết câu đố này." - Wuyts chia sẻ trên blog cá nhân.
Mô tả cách thức mã hóa dữ liệu trong ADN của Goldman
So với các "thí sinh" khác tham gia vào câu đố này, Wuyts có nhiều lợi thế vượt trội hơn hẳn: Cậu đang học ngành toán tin - vi sinh tại trường Đại học Antwerp, đồng thời cậu còn có quyền sử dụng các công cụ chuyên dụng để giải trình tự ADN. Sau khi giải trình tự ADN mà Goldman gửi đến, việc tiếp theo mà Wuyts cần làm là giải mật mã ẩn sau đó.
Trong sợi ADN được gửi đến, có tổng cộng 9 file dữ liệu trong các mảnh ADN. Các file này đều được mã hóa bằng keystream, là một chuỗi các ký tự ngẫu nhiên được sử dụng để giải mã. Mã keystream cần thiết đã được Goldman cung cấp từ đầu, trong một văn bản giải thích về câu đố này.
Sau khi giải mã, Wuyts tiến hành ghép các mảnh ADN lại để tạo thành một chuỗi ADN lớn, sau đó tìm cách chuyển chuỗi ADN này thành dạng văn bản - trong đó có chứa địa chỉ của ví điện tử chứa 1 bitcoin cũng như mật khẩu của ví điện tử đó. Và thế là Wuyts đã hoàn thành câu đố vào ngày 17/01 vừa qua, 5 ngày trước khi câu đố hết hạn.
Câu đố này được Goldman đưa ra nhằm tạo sự chú ý về tiềm năng lưu trữ dữ liệu của ADN. Trên thực tế, Microsoft cũng đã bắt đầu nghiên cứu về khả năng này, như một phương án để lưu trữ kho tàng dữ liệu khổng lồ của nhân loại. Và ứng dụng hiện tại của nó, như Nick Goldman đã ví dụ, là để bảo vệ các thông tin liên quan đến ví tiền mã hóa một cách an toàn, khỏi tầm ngắm của các hacker.
"Bạn phải biết rằng, quá trình đọc dữ liệu từ ADN như thế này mất tới vài ngày - thay vì chỉ vài mili giây như các dữ liệu trong ổ cứng. Vậy nên, đây là một trong những phương án an toàn nhất bảo vệ ví tiền mã hóa của mình ở thời điểm hiện tại, khi mà không phải ai cũng có sẵn công cụ giải trình tự ADN" - Wuyts chia sẻ.
Về việc sẽ làm gì với 1 bitcoin phần thưởng này, chàng sinh viên 26 tuổi cho biết, cậu sẽ bán nó đi vào thời điểm thích hợp, và dùng số tiền này để hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, cậu cũng sẽ dùng số tiền này để tổ chức một bữa tiệc nhận bằng tiến sĩ tưng bừng, cũng như để cảm ơn những người bạn học đã hỗ trợ cậu chinh phục câu đố này.
Tham khảo Motherboard
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"