Cấu trúc công ty khiến dù Facebook có 'nát' đến mức nào đi chăng nữa, Mark Zuckerberg vẫn giữ vững được ghế chủ tịch
Hội đồng quản trị Facebook chẳng thể làm được gì để đẩy Mark Zuckerberg ra khỏi vị trí Chủ tịch công ty cả! Có 3 lý do cho việc này.
Mặc dù cổ phiếu sụt giảm còn công ty thì vướng vào hàng loạt bê bối nhưng nhiều chuyên gia phân tích nhận định không có cách nào có thể khiến CEO Mark Zuckerberg mất đi chiếc ghế Chủ tịch công ty, ít nhất là trong tương lai gần.
Những lời kêu gọi Zuckerberg từ bỏ việc kiêm nhiệm cả chức danh CEO và Chủ tịch tại Facebook để thay thế bởi một nhân vật độc lập xuất hiện thời gian gần đây sau những lùm xùm không đáng có của công ty. Trong năm 2018, Facebook đã liên tiếp vướng vào những bê bối gồm việc rò rỉ dữ liệu của 30 triệu người dùng, tốc độ tăng trưởng giảm ở những thị trường trọng yếu và cổ phiếu thì lao dốc.
"Hội đồng quản trị đã chán ngấy với một CEO có thể sa thải họ nhưng họ chẳng thể làm được gì cả", theo Lawrence Cunningham – Giáo sư tại Đại học Washington. "Dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, Mark Zuckerberg vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng".
Loại bỏ Zuckerberg và bổ nhiệm một Chủ tịch độc lập sẽ giúp hội đồng quản trị độc lập hơn, công ty cũng nhận được sự giám sát và trách nhiệm lớn hơn. Dù Zuckerberg vẫn có nhiều quyền lực vì là cổ đông lớn của công ty nhưng việc chia tách các vai trò có thể là bước đầu tiên để giúp tái xây dựng niềm tin với công chúng và tạo đà tăng cho cổ phiếu của công ty.
"Đây có thể là sự tích cực to lớn cho mối quan hệ bên ngoài đối với những tiếng nói quyền lực khác trong hội đồng quản trị", Cunningham nói.
Dẫu vậy, vấn đề là hội đồng quản trị Facebook chẳng thể làm được gì để đẩy Zuckerberg ra khỏi vị trí Chủ tịch công ty cả! Có lý do cho việc này:
1. Zuckerberg có quyền sa thải bất kỳ thành viên hội đồng quản trị nào muốn "nổi loạn".
Vấn đề chính ở đây là: Hội đồng quản trị Facebook là thực thể duy nhất có quyền lực quyết định xem ai là người nắm giữ vị trí Chủ tịch Facebook. Nhưng, Zuckerberg vẫn nắm trong tay 51% quyền biểu quyết trong cơ chế cổ phiếu đa quyền của Facebook. Là người nắm trong tay quyền biểu quyết đa số của Facebook, Zuckerberg có khả năng loại bỏ bất kỳ giám đốc nào "dù là có lý do hay không".
Điều đó có nghĩa là Zuckerberg có thể sa thải bất kỳ giám đốc nào nếu anh ấy có cảm giác rằng bất kỳ ai trong số họ đang muốn có một vị chủ tịch mới.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra nếu giám đốc Facebook nào đó chỉ trích công khai Zuckerberg hoặc lên tiếng ủng hộ những đề nghị bất lợi cho anh ấy từ phía các cổ đông như việc Trillium Asset Management yêu cầu một Chủ tịch hội đồng quản trị độc lập cho Facebook – bước tiến có thể giảm quyền kiểm soát của nhà sáng lập trẻ tuổi này.
Zuckerberg "có quyền loại bỏ họ ngay ngày mai", John Coffee đến từ Trường luật Columbia nói. "Họ chẳng thể làm gì được cả. Vai trò của họ chỉ như bù nhìn thôi", Charles Elson đến từ Trường Đại học Delaware chia sẻ thêm.
2. Những vị này có thể nghỉ việc đột ngột, tạo drama nhưng các nhà đầu tư có lẽ cũng chẳng bận tâm.
Hội đồng quản trị có thể tiến hành những bước đi mang tính tượng trưng như nghỉ việc hàng loạt chẳng hạn. Một vụ việc như vậy có thể tạo sự chú ý của báo giới vào công ty và gây áp lực lên Zuckerberg. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định các giám đốc đủ tôn trọng các nhà đầu tư vào công ty họ để không gây ra những vụ việc phiền phức như vậy.
"Không ai tập trung vào hội đồng quản trị đó cả. Họ tập trung vào Mark Zuckerberg bởi họ biết anh ấy mới là người kiểm soát công ty".
3. Một vụ kiện tụng nhằm loại bỏ Mark Zuckerberg khó có thể chiến thắng.
Về mặt lý thuyết, các giám đốc có thể chọn để theo đuổi một vụ kiện công ty hay Zuckerberg nhưng trường hợp đó rất hiếm và sẽ gây ra những rắc rối to lớn.
Năm ngoái, Facebook đã lên kế hoạch thay đổi cấu trúc cổ phiếu của họ sau khi Stuart Grant kiện công ty.
Tuy nhiên Grant nghĩ một vụ kiện để loại Zuckerberg ra khỏi hội đồng quản trị là không hề có khả năng xảy ra. "Bạn có thể chỉ trích anh ấy nếu muốn nhưng kiện tụng không phải là một ý kiến hay ho".
Việc duy nhất các giám đốc Facebook có thể làm là dùng lý lẽ để thuyết phục Zuckerberg tự làm việc này, ngoài ra chẳng có bất kỳ lựa chọn nào khác cả.
"Nếu Zuckerberg vẫn muốn ngồi ở vị trí Chủ tịch thì chẳng có cách nào cả".
Mà bản thân Zuckerberg đến thời điểm này cũng chưa đưa ra bất kỳ ý định nào cho thấy sẽ từ bỏ chiếc ghế của mình. Tháng trước, khi được hỏi liệu có từ chức khỏi vị trí Chủ tịch không, Zuckerberg thẳng thắn thừa nhận với CNN rằng: "Hiện tại tôi không nghĩ tới điều đó".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4