VOV.VN - Đó là nhận định của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
- Bị VTV "bêu tên" vì nội dung rác, TikToker vẫn ngang nhiên lên tiếp những clip hướng nghiệp độc hại: Có coi thường pháp luật?
- TikToker chê các ngành học 'vô dụng': Hành vi trái đạo đức, cần xử phạt nặng
- Bi kịch của 1 tiktoker: Sở hữu hơn 100.000 người theo dõi, làm việc quần quật 365 ngày nhưng không kiếm được một đồng nào
Trong cuộc trao đổi với PV VTC News về sự kiện đám đông Tiktoker, Youtuber gây náo loạn ở đám tang nghệ sỹ vừa qua, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định, những người livestream hình ảnh trong những sự kiện nhạy cảm, riêng tư như thế đã thực sự vi phạm nguyên tắc đạo đức, tạo nên những hình ảnh xấu xí, để lại môi trường độc hại cho mạng xã hội.
PV: Những ngày qua, sự việc các Tiktoker, Youtuber chen lấn, xô đẩy livestream câu view bất chấp tại đám tang nghệ sĩ vô cùng phản cảm, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Ý kiến của ông về sự việc này như thế nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đây là những hành động hết sức phản cảm. Những người livestream hình ảnh trong những sự kiện nhạy cảm, riêng tư như thế này đã thực sự vi phạm nguyên tắc đạo đức, tạo nên những hình ảnh xấu xí, để lại môi trường độc hại cho mạng xã hội. Đây là những điều đáng tiếc khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội để định hướng hoàn thiện nhân cách cho từng cá nhân.
Những hành động, hoặc mang tính bộc phát, hoặc chủ ý để thu hút sự hiếu kỳ, tò mò của một bộ phận công chúng mạng nhằm quảng bá bản thân, kiếm tiền bất chấp những nguyên tắc đạo đức cộng đồng từ những lượt like, share, follow, dù có thể mang tính cá nhân, nhỏ lẻ, nhưng sẽ trở thành những mầm mống xói mòn đạo đức chung của xã hội, dẫn lối cho những điều xấu khác len lỏi vào trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta cần chung tay lên án những hành vi lệch chuẩn này để trả lại những điều tốt đẹp cho xã hội.
PV: Theo ông, hành động của các Tiktoker, Youtuber xuất phát từ động cơ gì? Vì sao họ lại bất chấp để có được những đoạn clip câu view?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Bây giờ chúng ta đang chứng kiến một thứ văn hóa có thể gọi là văn hóa Tik Tok. Ở đó, dưới tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường, đặc điểm riêng của công nghệ Tik Tok khiến nhiều người trở nên đam mê với việc đưa những thông tin hời hợt, gây sốc, tạo hiếu kỳ để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận công chúng, đặc biệt là những người trẻ.
Khi công nghệ này lại giúp họ kiếm được lợi ích từ những lượt like, share, follow, cộng với việc cạnh tranh của các Tiktoker với nhau, và việc dễ dãi trong thị hiếu của công chúng, buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, chưa chú ý đầy đủ ở cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội, khiến hiện tượng sai lệch, phản cảm trên Tik Tok càng trở nên nguy hiểm.
Đó là lý do tại sao chúng ta thấy các Tiktoker tìm mọi cách thức, lợi dụng mọi sự kiện để thu hút sự quan tâm của công chúng trên mạng. Sự kiện ở đám tang nghệ sỹ vừa qua là một ví dụ như thế. Phân tích như vậy để chúng ta hiểu sâu, rõ hơn về hiện tượng này. Tránh sa vào sự việc mà không thấy được gốc rễ của vấn đề.
PV: Họ có nhận thức được hành động của mình ảnh hưởng đến gia đình nghệ sĩ, người đi viếng không?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ phương án có nhiều hơn phương án không! Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có nhiều thông tin về những hành động không phù hợp của các Tiktoker. Thậm chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành cả bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng để cố gắng điều tiết các hành vi này.
Tuy nhiên, vì những lý do như tôi vừa nói, nhiều người vẫn cố tình livestream để trục lợi. Đó cũng là điều mà chúng ta lo lắng khi vì lợi ích của một cá nhân cụ thể, người ta đã bất chấp đạo lý, nguyên tắc, chuẩn mực xã hội, tiếp tục làm những điều mà chúng ta đã có nhiều giải pháp, hành động, nỗ lực để phòng chống, ngăn ngừa.
PV: Câu chuyện này không mới nhưng tại sao nhiều năm qua vẫn tồn tại, thậm chí còn xuất hiện dày đặc, ngày càng gây bức xúc? Chúng ta có cách nào để ngăn chặn những sự việc này không?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Hiện giờ, chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề mới mà chúng ta có rất ít, thậm chí là chưa từng có kinh nghiệm. Đó là những gì đến từ không gian mạng. Vì thế, những lúng túng trong giai đoạn này là có thể hiểu được. Điều này đúng với cả thế giới, chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tất nhiên, ở Việt Nam, nhiều vấn đề cũng khác do xuất phát từ văn hóa của nước mình.
Thị trường giải trí nói chung hay việc sáng tạo nội dung trên các trang mạng xã hội nói riêng như Tik Tok mang tính cạnh tranh rất cao. Để thu hút lượng người xem, nhiều người sáng tạo nội dung cho Tik Tok, YouTube, Facebook,... tìm nhiều cách để tạo nội dung hấp dẫn.
Vì thế, chúng ta thấy nội dung trên các mạng xã hội giờ đây đa dạng và phong phú hơn rất nhiều, trong đó có cả những thông tin tích cực và tiêu cực, tốt và xấu đối với sự phát triển nhân cách con người và với toàn xã hội. Công chúng mạng xã hội đa phần lại là giới trẻ. Họ thích những gì mới lạ, hấp dẫn và ít có khả năng đề kháng với những thông tin xấu, tiêu cực.
Chính vì lý do đó, khi các thông tin tiêu cực, gây tò mò được đưa lên mạng xã hội, vẫn có một lượng công chúng nhất định quan tâm, like, share, follow khiến cho những thông tin trên vẫn còn có đất để kiếm tiền...
Hơn thế, dư luận xã hội cũng chưa thực sự đủ mạnh để những lên án, tẩy chay trở thành sức nặng nhất định, các quy định luật pháp và sự thực thi chưa đủ bao quát được những đa dạng, phức tạp của hành vi trên mạng xã hội cũng như chưa đủ nghiêm minh để trở thành bài học làm gương... Tất cả khiến cho chúng ta chưa xử lý triệt để được vấn đề này.
PV: Mặc dù đã có bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhưng vì sao vẫn chưa kiểm soát được hết những nội dung xấu, độc, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng hay tiêu chuẩn cộng đồng của các mạng xã hội rất cần thiết để chúng ta định hướng hành vi sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, để hành vi này phù hợp, lành mạnh, an toàn, chúng ta cần có nhiều lớp bảo vệ hơn nữa.
Bộ quy tắc ứng xử rất có ích trong việc hình thành nên nhận thức về những gì nên làm, không nên làm trên mạng xã hội. Pháp luật là đạo đức tối thiểu, trong khi đó, đạo đức là luật pháp tối đa, vì vậy, quy tắc ứng xử sẽ bao quát cả những vấn đề thuộc về luật pháp và rộng lớn hơn luật pháp. Vì thế, bộ quy tắc ứng xử vẫn là một công cụ quan trọng.
Để bộ quy tắc ấy có tác dụng, việc tuyên truyền, phổ biến phải được thực hiện tốt, đến những đối tượng phù hợp. Không chỉ có vậy, luật pháp vẫn phải được xem là công cụ quan trọng trong công tác quản lý. Chúng ta có Luật An ninh mạng cũng như nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác để chế tài các hành vi vi phạm.
Vấn đề ở đây là những văn bản này luôn phải được cập nhật, bổ sung để bao quát hơn những vấn đề của cuộc sống. Nếu luật pháp không bao quát được những hành vi vi phạm, chế tài quá nhẹ thì sẽ dẫn đến luật bị vô hiệu hóa hoặc nhờn luật. Điều này vô cùng tai hại khi cái xấu được phép tồn tại và tạo môi trường để làm cho nhiều cái xấu khác nảy sinh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những công cụ khác như kỹ thuật, con người,... để tạo ra một môi trường mạng lành mạnh, có sức đề kháng và điều tiết các hành vi trên mạng xã hội./.
Chỉ có view, không có tiêu chuẩn cho chất lượng view
Hành động bất chấp đạo đức của các Tiktoker, Youtuber bắt đầu từ cách tạo dựng sự ảnh hưởng và kiếm tiền trên mạng xã hội video nhờ vào lượng view. Chỉ có view chứ không có tiêu chuẩn cho chất lượng view. Thế nên cứ nhiều là đồng nghĩa với có tiền, có sự quan tâm, có sự nổi tiếng. Vì thế một số người tìm cách có view bằng mọi cách.
Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng chỉ mang tính khuyến cáo, không mang tính pháp lý để có thể xử phạt. Để giải quyết tận gốc rễ vấn đề này thì cần sự phối hợp giữa người xem, nhà quản lý, nhà cung cấp dịch vụ internet và chủ sở hữu các nền tảng mạng xã hội. (Nguyễn Đình Thành, chuyên gia truyền thông văn hóa)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming