CEO Amazon Jeff Bezos gần đây đã "đổi giọng" tử tế hơn với tân tổng thống mới đắc cử Donald Trump, sau khi từng công khai chỉ trích ứng viên tổng thống trước thềm cuộc bầu cử.
Tại sao Bezos lại đột ngột thay đổi thái độ như vậy?
Lý do có thể vì CEO Amazon đã chấp nhận thực tế về vị tổng thống mới, bất chấp những khác biệt giữa ông và Trump.
Nhưng một lý do thuyết phục hơn sẽ là việc Bezos cần giữ thái độ chan hòa với vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ: Amazon hiện vẫn đang tăng trưởng mạnh, và công ty cần chính quyền Washington đứng về phe mình để có thể giữ được đà tăng trưởng đó.
Amazon từ lâu đã không còn chỉ là một trang thương mại điện tử. Trong suốt 20 năm qua, Amazon đã biến mình từ một nhà cung cấp sách thành tập đoàn có giá trị cao thứ 5 tại Mỹ. Công ty khổng lồ này hiện nay đã bán đủ thứ từ thuốc tẩy, quần áo cho đến điện toán đám mây, trợ lý ảo giọng nói hay máy bay mini giao hàng.
Với những mảng kinh doanh khủng khiếp đó, quyền lợi của Amazon gắn chặt với các chính sách thuế, an ninh mạng, vận tải, bản quyền sáng chế,... của chính phủ.
Lee Drutman, chuyên gia phân tích tại New America Foundation kiêm tác giả cuốn The Business of America is Lobbying nhận xét: "Nếu công ty bạn lớn đến cỡ như Amazon thì sẽ thật ngu xuẩn nếu coi chính quyền là kẻ thù".
Vận động hành lang mạnh hơn
Những năm gần đây, Amazon đã đầu tư mạnh để củng cố quan hệ với giới chức Washington.
Dấu hiệu rõ ràng nhất có thể thấy ở chi phí dành cho các hoạt động vận động hành lang và vận động chính sách. Năm 2015, Amazon bất ngờ nâng kinh phí vận động lên đến 9,07 triệu USD, tăng 91% so với năm trước đó. Tất nhiên 9 triệu USD với một công ty có doanh thu cả trăm tỷ USD mỗi năm là chẳng nhằm nhò gì, nhưng con số này vẫn đưa Amazon lên top 5 các công ty công nghệ chi đậm nhất cho hoạt động này, thậm chí còn cao hơn cả Apple lẫn Microsoft.
Năm 2016, Amazon thậm chí còn chi mạnh tay hơn. Chỉ tính riêng 3 quý đầu năm, ông lớn này đã dành tới 8,3 triệu USD để vận động, gần bằng chi phí công ty bỏ ra suốt cả năm ngoái. Theo thống kê từ tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận OpenSecrets, Amazon hiện chỉ đứng sau các đại gia công nghệ như AT&T, Alphabet và Comcast trong việc vận động hành lang.
Ngoài ra, Jeff Bezos còn thâu tóm luôn tờ Washington Post danh tiếng, mời cựu thư ký báo chí của Nhà Trắng Jay Carney về làm việc và chuyển trụ sở Amazon tại thủ đô Washington DC đến một văn phòng mới hoành tráng hơn.
Tim LaPira, phó giáo sư khoa học chính trị của ĐH James Madison cho biết "Các nhà vận động chính sách thuê về có thể làm tai mắt cho bạn tại Washington." Ông cũng nói thêm: "Nếu CEO một công ty đại chúng lớn mà không có quan hệ tốt với tổng thống thì những ý kiến và quan ngại của công ty đó sẽ khó mà được chính quyền lắng nghe."
Trump sẽ làm gì?
Hầu hết những lời lẽ cay độc của Trump đối với Bezos đều bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến thuế và chống độc quyền, thế nhưng hiện tại ông vẫn chưa tỏ rõ lập trường của mình.
Chuyên gia phân tích Drutman cho rằng rất có thể Trump sẽ sử dụng quyền hành của mình tác động lên Bộ Tư pháp và sở thuế IRS để thúc đẩy điều tra chống độc quyền và tăng cường kiểm toán thuế đối với Amazon. Bên cạnh đó, với việc Trump không ủng hộ các hiệp định thương mại quốc tế và muốn thay đổi hiện trạng nhập cư tại Mỹ, Amazon có thể sẽ phải lãnh chịu tổn thất lớn.
Giáo sư LaPira cho biết mặc dù tổng thống không có quyền thay đổi hay gây áp lực tới một công ty cụ thể nào đó nhưng Trump hoàn toàn có thể sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để tác động đến những quyết định thi hành của chính phủ. Lý do là bởi tổng thống là người lên kế hoạch cho các chính sách của chính phủ và cũng có sức ảnh hưởng lớn đến quy trình quyết định chính phủ sẽ làm những gì.
Các hồ sơ cho thấy Amazon từng vận động hành lang về đủ mọi vấn đề, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, net neutrality (tính bình đẳng của Internet - xem thêm tại đây), an toàn vận tải, luật bản quyền, bảo vệ dữ liệu cũng như thanh toán qua mobile.
Trong một bản báo cáo gần đây, Amazon cảnh báo rằng các thay đổi trong chính sách của chính quyền có thể gây tổn hại đến các mảng kinh doanh của công ty.
Có lẽ còn quá sớm để nhận định về những gì chính quyền Trump có thể làm ảnh hưởng đến Amazon, nhưng các nhà đầu tư có vẻ như vẫn chưa mấy yên tâm. Giá cổ phiếu Amazon hiện nay cũng đã giảm 6% kể từ khi kết quả bầu cử được tung ra.
Tham khảo BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"