Lần đầu tiên trong lịch sử, Facebook sa thải bớt nhân viên.
Mỗi ngày, Mark Zuckerberg lại thức dậy trong tâm thế sẵn sàng đối mặt với loạt tin tức độc hại nhất. Luôn có những câu hỏi được đặt ra về tương lai của Meta, sau thời gian dài tập đoàn này chìm trong khủng hoảng.
Bê bối về quyền riêng tư, bất đồng nội bộ hay sự ra đi của cánh tay phải đắc lực Sheryl Sandberg chỉ là một trong vô số những vấn đề đang đè nặng lên người được mệnh danh là “hoàng tử Thung lũng Silicon”, theo Telegraph.
“Mỗi ngày bạn thức dậy và cảm giác như mình bị đấm vào bụng vậy”, Zuckerberg phàn nàn trên một podcast vào tháng trước.
MẠO HIỂM
CEO Meta nằm trong số ít những người thực sự quan tâm đến metaverse. Anh kỳ vọng đây có thể trở thành một thế giới mới thứ hai, nơi con người có thể gặp gỡ bạn bè, mua sắm và tận hưởng cảnh sắc trên những con đường dài bất tận chỉ với một chiếc kính thực tế ảo. Việc tập trung phát triển metaverse được coi là tham vọng và sự thay đổi lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử Facebook - thứ 18 năm về trước được “thai nghén” từ khu ký túc xá đại học Harvard của Zuckerberg.
Trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh với hơn 3,5 tỷ người dùng, tập đoàn trị giá hơn 380 tỷ USD ngày nay đang kiểm soát một đế chế rộng lớn, bao gồm nền tảng chia sẻ hình ảnh Instagram và dịch vụ tin nhắn Whatsapp. Tất cả đều có khả năng tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận mỗi năm, song không làm thỏa mãn giấc mơ của vị CEO quyền lực.
Đầu tư hàng chục tỷ USD vào metaverse, Zuckerberg bị nhận xét là quá mạo hiểm khi đặt cược vào một tương lai nơi mọi người muốn dành thời gian đắm mình vào thế giới ảo. Nỗ lực này được đặt ra trong bối cảnh sự bận tâm của những người dùng trẻ đối với Facebook dần mờ nhạt, sau khi ứng dụng video ngắn TikTok nổi lên như một hiện tượng. Mùa hè này, Meta ghi nhận doanh thu sụt giảm lần đầu tiên sau hơn 15 năm tăng trưởng liên tục.
“Đây có thể là chuỗi những ngày đen tối nhất của Facebook”, Dan Ives, chuyên gia phân tích công nghệ kỳ cựu của Phố Wall nhận định. “Với metaverse, có quá nhiều sự hoài nghi. Zuckerberg và đội ngũ phát triển, với tư cách là một tập đoàn, đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ”.
Cuối năm 2021, Meta ra mắt nền tảng thực tế ảo Horizon Worlds. Đây là bước đầu trong công cuộc xây dựng tầm nhìn tổng thể cho tương lai không gian thực tế ảo (VR) - nơi người dùng có thể tương tác với nhau trong một môi trường do máy tính giả lập.
Horizon Worlds, dù chưa thể tạo được một không gian thực tế ảo đầy đủ, song thông qua tai nghe VR, người dùng có thể tập hợp bạn bè và xây dựng thế giới ảo diệu kỳ cho riêng mình trên nền tảng này, với điều kiện đủ 18 tuổi và có các thiết bị hỗ trợ phù hợp.
Mark Zuckerberg kỳ vọng một ngày nào đó, thế giới ảo sẽ trở thành thứ không thể thiếu, song song với mạng xã hội Facebook và cuộc sống hàng ngày. Mọi người có thể tổ chức các cuộc họp, tham dự hòa nhạc ảo và thậm chí, mua sắm trực tuyến bằng cách sử dụng các loại tiền tệ dành riêng cho metaverse. Meta theo đó sẽ trở thành một tập đoàn vũ trụ ảo hàng đầu, như đúng những gì Zuckerberg mong muốn khi đổi tên Facebook.
“Mọi người sẽ có cảm giác như đang nói chuyện trực diện với nhau, dù thực tế không phải vậy. Con cái có thể gửi video cho cha mẹ, để cha mẹ cảm thấy gần gũi và chân thật. Đó là mong muốn của chúng tôi khi nói về một mạng internet mới. Thay vì nhìn vào màn hình, bạn sẽ có những trải nghiệm mới mẻ”, Zuckerberg nói.
Những nỗ lực của Zuckerberg nhằm hiện thực hóa giấc mơ vũ trụ ảo được so sánh với bộ phim Ready Player One năm 2018 - câu chuyện khoa học viễn tưởng về một cậu bé thoát khỏi thế giới thực để trở thành anh hùng trong đô thị ảo “Oasis”. Nếu thành công, công nghệ mới này có thể đóng góp 3 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030, sau khi tiếp cận một tỷ người dùng.
MƠ HỒ
Tuy nhiên, cho đến nay, Meta vẫn chưa làm được. Nó xuất hiện chớp nhoáng, thua xa sự kỳ vọng của giới chuyên gia và còn khá thô sơ so với giao diện nhiều trò chơi điện tử sẵn có.
Mới đây, Mark Zuckerberg đã đăng một bức ảnh tự sướng từ bên trong Horizon Worlds. Trong bức ảnh, tháp Eiffel chính là điểm nhấn với ý nghĩa thông báo metaverse đang mở rộng phạm vi ra nhiều quốc gia hơn. Tuy nhiên, người dùng lại khá thất vọng vì hình nhân vật Mark Zuckerberg quá xấu xí, với đồ họa không khác gì những trò chơi cũ kĩ cách đây 15 năm.
Đáp lại, Mark Zuckerberg cho biết đồ họa trong Horizon Worlds sẽ sớm được nâng cấp, đồng thời giải thích bức ảnh đăng lên trước đó khá cơ bản và chỉ nhằm mục đích đánh dấu một cột mốc mới. Tính đến tháng 1, Horizon Worlds mới chỉ có 300.000 người dùng.
Theo các chuyên gia, metaverse sẽ phụ thuộc rất nhiều vào VR. Các công ty như Atari, Sega và Nintendo trước đây đã thử nghiệm tai nghe thực tế ảo từ những năm 1980 và 1990 song không thành. Đồ họa chất lượng thấp khiến họ có những trải nghiệm không mấy vui vẻ.
Màn hình độ phân giải cao cùng bộ vi xử lý mạnh mẽ đang khắc phục đáng kể tình trạng này. Năm 2014, Facebook mua lại Oculus, một công ty VR, với giá 2 tỷ USD. Meta kể từ đó cố gắng cải thiện các thiết bị tai nghe và khiến chúng rẻ hơn.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, không phải ai cũng có nhu cầu sử dụng tai nghe VR. Chỉ có khoảng 600.000 hộ gia đình ở Anh sở hữu sản phẩm công nghệ này, trong đó phần lớn là nam giới, theo Digital Catapult.
Tháng 7, Meta tuyên bố tăng giá tai nghe VR Quest 2 của mình thêm 100 USD, với lý do chi phí sản xuất và vận chuyển tăng. Vị thế dẫn đầu trên thị trường tai nghe VR không giúp ích được nhiều cho Meta do mảng kinh doanh này vẫn còn khá nhỏ so với quảng cáo trên thiết bị di động. “Chúng vẫn ở trong giai đoạn sơ khai thôi”, Paolo Pescatore, chuyên gia phân tích công nghệ tiêu dùng tại PP Foresight cho biết.
Một vấn đề nữa là khái niệm metaverse còn khá mơ hồ, trong khi thực tế ảo VR chưa được chấp nhận rộng rãi. Các dự án tham vọng của Mark Zuckerberg cũng sẽ phải mất rất nhiều năm cho đến khi được hiện thực hoá hoàn toàn.
"Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải, chẳng hạn như mô hình kiếm tiền của metaverse hay khả năng thu hồi vốn sau khi Meta chi hàng chục tỷ USD. Một số người cho rằng việc Facebook đổi tên chỉ nhằm thay đổi hình ảnh nhận diện thay vì đặt cược vào một công nghệ mới", nhà phân tích Dan Ives của Wedbush nhận định.
Qúy II/2022, Meta bốc hơi thêm 2,2 tỷ USD. Việc giá trị thị trường tập đoàn giảm hơn một nửa chỉ sau 1 năm khiến các cổ đông ngày càng hoài nghi hơn. Meta cho biết khoản lỗ một phần đến từ các khoản đầu tư dài hạn.
Màn đặt cược đã khiến Zuckerberg phải trả giá. Vị CEO này đã mất 70 tỷ USD tài sản ròng trong năm nay, trong bối cảnh giá cổ phiếu Meta giảm mạnh.
“Facebook đã chi hàng chục tỷ USD để tạo ra một bản demo vừa dị vừa tệ một cách nực cười”, Roger McNamee, một nhà đầu tư từng là bạn thân của Zuckerberg nói.
Rõ ràng, Meta không phải là người duy nhất cố gắng xây dựng metaverse. Tham vọng của Mark Zuckerberg sẽ bị đe dọa bởi hàng loạt tên tuổi lớn từ Roblox cho đến Microsoft, Apple. Khi đó, điều duy nhất Meta có thể làm là tiến lên.
Năm ngoái, tỷ phú Mark Zuckerberg đã đăng tải đoạn video quay lại cảnh tự mình trải nghiệm mẫu găng tay xúc giác, vốn được cho là có khả năng cho phép người dùng "cảm nhận" như thật các vật thể ảo.
"Nhóm Reality Labs của Meta đang phát triển găng tay xúc giác với mục tiêu giúp người dùng có cảm giác chạm, nắm chân thật nhất có thể khi tương tác trong metaverse. Một ngày nào đó, bạn sẽ có thể cảm nhận được kết cấu và áp lực khi chạm vào các vật thể ảo", CEO Meta giới thiệu. Ngoài ra, Meta cũng đang làm việc trên một dự án có tên “Project Cambria”, tai nghe VR cao cấp có thể bắt chước nét mặt của một người.
Tuy nhiên, những công nghệ này không đủ để cứu Meta khỏi một “cơn bão ngầm”. Theo Business Insider, các nhà quảng cáo đang tìm cách rút chân khỏi Facebook, trong bối cảnh mô hình kinh doanh và danh tiếng mạng xã hội lớn nhất hành tinh này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vấn đề được cho là vô cùng tồi tệ, thậm chí là khó có thể cải thiện, sau khi Meta vướng vào một loạt các vụ kiện tụng liên quan đến quyền riêng tư người dùng.
Bản thân Mark Zuckerberg cũng coi đây là "một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất mà Meta từng chứng kiến", theo Reuters. Nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ giai đoạn nửa cuối năm, trong đó, những thâm hụt mà Meta ghi nhận trong thị phần chi tiêu khách hàng được cho là nghiêm trọng hơn cả.
Được biết, các nhà quảng cáo lớn đã cắt giảm triển vọng chi tiêu trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Meta, từng được coi là đối tác chọn mặt gửi vàng, nay lại đứng đầu danh sách những hợp đồng quảng cáo cần phải cắt giảm.
Tuy nhiên, đối với phần lớn đối tác, Meta vẫn là doanh nghiệp quảng cáo lớn thứ hai chỉ sau Google. Các công ty quy mô vừa và nhỏ vẫn chọn đây làm nơi quảng bá - ngay cả khi hiệu suất quảng cáo không còn được như trước. Việc chuyển đổi sang metaverse cũng được đánh giá là một cách PR khôn ngoan và hoàn hảo cho tập đoàn này.
“Meta đã tạo nên một khởi đầu mới cho tập đoàn. Có lẽ Mark đã mất kiên nhẫn với sự thỏa hiệp khi điều hành nền tảng truyền thông xã hội khổng lồ. Đây là chút thoát ly để anh ấy làm một cái gì đó sáng tạo”, một ý kiến nhận định.
Và nếu sự sáng tạo này có kết quả, nó có thể đảo ngược tình thế khó khăn hiện tại của Facebook và Instagram sau khi những nền tảng này liên tục mất người dùng. Zuckerberg, người thường xuyên bị chế giễu vì trông giống "người máy", sẽ lại một lần nữa chiến thắng và thay đổi cách con người kết nối với nhau.
Tuy nhiên, giấc mơ này được cho là vô cùng khó, nhất là khi Zuckerberg đang dần bị cô lập. Vị CEO này thường xuyên làm việc online trong biệt thự 100 triệu USD của mình ở Hawaii, sau khi các “cánh tay phải” đắc lực lần lượt dứt áo ra đi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming