CEO Nam Phương: Chú trọng thiết kế những nơi không nhìn thấy trong ngôi nhà, đề cao tính bền vững nhưng không thiếu yếu tố nghệ thuật
Đối với KTS Nam Phương, điều may mắn của phụ nữ khi làm nhà là có thể mang tính chất nữ vào trong công việc thiết kế và thi công: Sự tỉ mỉ, chi tiết, cầu toàn.
“Tôi là kiến trúc sư (KTS) Nam Phương - bà mẹ 2 con, tuổi cọp” - là cách mà nữ kiến trúc sư giới thiệu về bản thân mình. Ngắn gọn, súc tích nhưng lại bao hàm đủ mọi tính cách, cảm xúc của một người phụ nữ - làm công việc mà mọi người vẫn cứ hay “đóng đinh” cho phái mạnh.
Không chỉ được biết đến với công việc KTS, Nam Phương còn là CEO - người sáng lập, điều hành Vanana Group - công ty thiết kế và thi công tại Đà Lạt. Do vậy ai đã từng gặp gỡ KTS Nam Phương đều bị ấn tượng, thu hút bởi sự cá tính, khí chất được toát ra qua từng cử chỉ, thần thái.
Tuy nhiên trong phong cách thiết kế, KTS Nam Phương lại là một người bay bổng, mơ mộng. Cô thả vào đó những đường nét nữ tính duyên dáng, luôn đi tìm sự độc đáo về giới tính trong kiến trúc để hoàn thiện những dự án độc đáo, mang màu sắc riêng. Thậm chí, mỗi chi tiết nhỏ trong công trình đều được KTS Nam Phương chăm chút thiết kế cẩn thận như một người mẹ tận tâm chăm sóc đứa con của mình.
KTS NAM PHƯƠNG
Sinh năm: 1986
Quê quán: Đà Lạt
Tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP.HCM
Người sáng lập thương hiệu Kiến trúc Vạn An - Vanana Group
Một số dự án nổi bật: An Mộc Gia Trang, Khách sạn Hồng Môn, Homestay Lego House, Nhà hàng Món Huế, Cửa hàng The CHOCO,...
Và để hiểu hơn về quan điểm kiến trúc của KTS Nam Phương - cuộc trò chuyện dưới đây sẽ mở ra nhiều góc nhìn mới mẻ, sâu sắc về tính nữ trong thiết kế cũng như cách để nữ kiến trúc sư “có chỗ đứng” trong nghề.
Phụ nữ có thể vừa xây nhà, vừa xây tổ ấm
Chào chị Nam Phương,
- Được biết, chị sinh ra trong gia đình có ba và chú đều là KTS, phải chăng đây cũng được gọi là nghề “cha truyền con nối”?
Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, có ba và chú đều là KTS nên từ nhỏ đã được tiếp xúc với giấy, mực, bút vẽ. Theo lời ba kể lại, những nét vẽ đầu đời của tôi cũng là những thứ mang tính thiết kế như chuồng gà cho bà nội, dây phơi cho bà ngoại,... và cũng luôn cuộn những ống giấy decal nhỏ để chơi giống hệt như cách các KTS làm việc.
Tôi được xem ba, xem chú làm nghề và dần dần hình thành ý thích theo một cách tự nhiên nhất. Nên có thể nói, “cha truyền con nối” ở đây không hẳn là do ba cố ý truyền lại mà gọi đúng hơn là kế thừa “gen kiến trúc”, di truyền gu thẩm mỹ, niềm đam mê từ ba sang mình. Chính xác hơn ba là người truyền cảm hứng để mình noi theo từ thiết kế đến cả những triết lý trong cuộc sống.
- Từ nữ sinh viên trường Kiến Trúc đến một KTS có tiếng tăm và giờ là CEO. Nếu mô tả hành trình này bằng 3 tính từ/ từ, đó sẽ là gì?
Đam mê, kiên trì và tâm huyết.
Tôi chọn 3 từ này vì chúng cũng gắn với 3 giai đoạn trên.
Vì đam mê nên mới trở thành sinh viên trường Kiến trúc. Không phải đến khi chọn trường để thi Đại học tôi mới biết bản thân muốn theo đuổi cái gì. Mà đam mê xuất phát từ nhỏ khi được tiếp xúc với gạch đá, xi măng, tiếp xúc với những bản vẽ của ba, của chú nên hình thành định hướng ngay từ lúc đó.
Sau đó khi tốt nghiệp Đại học, tôi mô tả hành trình này bằng từ kiên trì. Lúc đó mới ra trường còn nhỏ bé lắm, chưa có gì trong tay, buộc phải kiên trì để không thất bại. Chưa kể, kiên trì để thuyết phục khách hàng, tạo cho họ niềm tin và công nhận mình là KTS để có thể được thực hiện những tác phẩm. Quá trình này, sự kiên trì giúp tôi đi qua những lần chán nản, những giai đoạn khó khăn khi làm nghề. Bởi nữ KTS sẽ có phần vất vả hơn khi về nhà phải kiêm thêm nhiệm vụ chăm lo gia đình, con cái.
Còn ở hiện tại, khi đã đạt được một số thành tựu nhất định thì tôi tâm huyết với nghề. Đó cũng là lý do tôi quyết định mở công ty riêng - nơi chứa đựng cả con người mình, những tâm huyết, sự yêu nghề để mang lại giá trị an toàn bền vững cho cộng đồng.
- Chị có nhắc đến việc nữ KTS sẽ có phần vất vả hơn, vậy rào cản và may mắn khi chị chọn sống với nghề là gì?
Rào cản và cả may mắn chính là vì tôi là một người phụ nữ nhưng làm KTS.
Về rào cản có lẽ ai cũng thấy, phụ nữ có nhiều cái lo lắng, bộn bề hằng ngày, đặc biệt là những ai đã có tổ ấm riêng. Ngoài ra, sức lực của chị em phụ nữ cũng không thể so sánh với nam giới.
Tuy nhiên đó cũng lại là một điều may mắn khi tôi có thể mang tính chất nữ vào trong công việc thiết kế và thi công. Đó là sự tỉ mỉ, chi tiết, cầu toàn hay đôi khi trao đổi cùng với khách hàng, anh em cộng sự thì việc cân bằng giữa nam nữ, âm dương cũng giúp tôi dễ dàng làm việc hơn.
Nhưng đã chọn sống với nghề, tôi sẽ phải đánh đổi, chấp nhận việc không có giờ giấc ổn định. Định nghĩa dành cho sản phẩm của KTS cũng sẽ hoàn toàn khác so với các ngành nghề thông thường nên việc là nữ kiến trúc sư với sự tỉ mỉ, kiên nhẫn có thể thuyết phục được khách hàng thành công.
- Tuy nhiên khi có nhiều KTS là nam, và việc xây nhà vốn đóng đinh cho đàn ông - có khách hàng nào đắn đo khi họ lựa chọn đồng hành với 1 nữ KTS?
Xã hội hiện này đã bắt đầu công bằng cho cả nam và nữ tuy nhiên ngành xây dựng thì vẫn đặc thù dành cho các anh con trai nhiều hơn. Điều này cũng thường tình thôi vì ngày xưa phụ nữ chưa có điều kiện học hành, hay trau dồi bản thân, dám dấn thân như hiện nay. Bên cạnh đó thì giờ có nhiều công nghệ hỗ trợ nữ giới nhiều hơn để có thể làm nghề này với các anh đàn ông.
Thực sự tôi cũng không muốn quá rạch ròi hay so sánh đàn ông - phụ nữ. Nhưng khách hàng vẫn đắn đo vì nữ KTS liệu có đi ra công trường hay leo lên giám sát thi công như 1 người đàn ông hay không. Hay có đủ sự bươn chải để đương đầu với khó khăn, thách thức mà vốn dĩ nó rất áp lực hay không.
Tuy nhiên khi khách hàng quyết định đồng hành, họ nhận ra chị em phụ nữ cũng giống như các anh, cũng có trách nhiệm tới cùng với công trình. Cái sự đắn đo này vẫn luôn tồn tại nhưng khi làm việc, không chỉ có 1 mình KTS mà còn có cả những người cộng sự, đội ngũ cùng thực hiện. Ngoài ra tôi nghĩ, giờ không chỉ “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” mà phụ nữ cũng có thể vừa xây nhà, vừa xây tổ ấm.
- Ngược lại, chị có từng từ chối khách hàng?
Cũng có đôi khi tôi từ chối vì lượng công việc đã đủ cho mọi người làm nên sẽ không nhận thêm khách, để đảm bảo hoàn thiện đúng yêu cầu. Đây là lý do tôi hay phải từ chối nhất chứ hiếm khi nào không nhận khách vì yêu cầu của họ khó quá.
Khi làm nhà, trái tim của một ngôi nhà là căn bếp
- Trong rất nhiều năm làm nghề, những dự án, công trình nào của mình mà chị cảm thấy tâm đắc nhất? Vì sao?
Tôi tâm đắc với các dự án liên quan đến xã hội. Hiện tại, các dự án chủ yếu của công ty đều dành cho nhà ở, cafe, nhà hàng hay homestay - loại hình phổ biến ở Đà Lạt. Trong tương lai, dự định của tôi là triển khai các dự án cho cộng đồng như nhà văn hóa,...
Công trình An Mộc Gia Trang là một trong những dự án tôi tâm đắc nhất. Chất liệu sử dụng trong công trình thân thiện với môi trường, đi ngược lại những suy nghĩ bình thường của mọi người về 1 khu nghỉ dưỡng. Mặc dù vấp nhiều ý kiến từ gia chủ đến khách quan bên ngoài, nhưng khi dự án hình thành đã đem lại sự yêu mến tích cực từ mọi người. Hiện giờ tôi vẫn đang đi theo hướng chọn vật liệu thân thiện với môi trường để sau khi công trình không sử dụng nữa thì sản phẩm đó có thể tái chế hoặc không phá hoại môi trường.
- Định nghĩa của chị về một thiết kế tốt là như thế nào? Gần gũi, dễ hiểu hay phải hoành tráng, nhiều lớp lang tầng nghĩa,...?
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau tùy vào quan điểm người thiết kế.
Với cá nhân tôi, điều đầu tiên là tính bền vững, rồi đến công năng, nghệ thuật và có giá trị với cộng đồng. Sở dĩ cho tính bền vững lên trên hết là bởi đó là nhu cầu 90% của mỗi người. Nghệ thuật được đặt về sau để công trình ý nghĩa hơn và có sự thẩm mỹ nhất định để phục vụ cá nhân nào đó. Còn cộng đồng là 10% dành cho các công trình công ích, công cộng.
Tôi không chọn cái gì quá hoành tráng hoặc mỹ miều, nhiều chi tiết vì muốn hướng đến thị trường là khách hàng có thu nhập tầm trung. Đó là đại đa số của người Việt Nam mình, để họ cũng hưởng được tối ưu trong việc sử dụng công năng. Thiết kế tốt là phải đáp ứng những điều đó.
- Khi nhận làm 1 căn nhà, thường đâu sẽ là nơi chị chú trọng nhất trong thiết kế? Đó có phải là nơi vừa thể hiện được tính cách của gia chủ mà khi người ngoài nhìn vào cũng thấy được độ “xịn” của KTS?
Khi làm một căn nhà, nơi tôi chú trọng nhất trong thiết kế là những nơi không nhìn thấy được để tập trung cho sự bền vững của công trình. Đó là nền móng và kết cấu chịu lực cũng như là độ an toàn về điện nước. Thứ nhì mới xét đến tính thẩm mỹ.
Đây không phải là nơi thể hiện được tích cách của gia chủ nhưng thể hiện được sự quan tâm và cái tâm làm nghề của KTS. Vì kiến trúc liên quan đến kết cấu và chịu lực. Do vậy nền móng phải chắc chắn thì khi xây lên hoặc cải tạo từ nền tảng đó đều được.
Còn không gian nội thất đối với tôi, trái tim của một ngôi nhà là căn bếp. Là một người phụ nữ khi thiết kế nhà, tôi luôn chú trọng cho khu vực bếp bởi đây là nơi giữ ấm cho ngôi nhà và cũng chứa đựng nhiều tình cảm trong đó. Từ căn bếp, người phụ nữ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc hơn khi nấu ăn cho một gia đình. Và đó cũng là nơi có thể đại diện cho tính cách của gia chủ rõ ràng nhất.
Quan điểm thiết kế của tôi là hướng tới phụ nữ - những người thường xuyên sử dụng công trình trong 1 ngày chứ không hướng tới những điều hướng ngoại, tức là khách tới thăm nhà nhìn vào thấy gì đẹp mà bản thân gia chủ phải hài lòng, thoải mái khi ở trong không gian đó.
- Điều gì khiến chị lựa chọn Đà Lạt là nơi để phát triển kiến trúc của mình thay vì những thành phố lớn, sầm uất hơn?
Tôi không đặt vị trí cụ thể nhưng bản thân thấy mình vẫn yêu thương mảnh đất Đà Lạt bởi có nhiều cái gắn bó từ xưa đến giờ, giúp mình phát triển tối đa sự sáng tạo trong thiết kế. Tuy nhiên, ngoài những công trình chính ở Đà Lạt, tôi vẫn thực hiện các dự án, sản phẩm ở các địa phương khác.
Tôi nghĩ quan niệm thành phố lớn, sầm uất dễ để KTS có cơ hội xây dựng thương hiệu tốt hơn không hẳn đúng. Xây dựng thương hiệu phải đến từ cá nhân KTS. Hiện tại, cơ hội của các KTS ở đâu cũng ngang nhau, Việt Nam hay trên toàn thế giới đều vậy.
- Vậy thương hiệu của một KTS được tạo dựng bởi chính điều gì là vững chắc nhất - từ thứ họ thể hiện (khoe) ra hay đến từ yếu tố truyền miệng (danh tiếng, lời đồn) của khách hàng?
Theo tôi, thương hiệu của một KTS sẽ đến từ cái tâm với nghề, với khách hàng và trong cách làm việc. Nếu đặt cái tâm lên trên, làm mọi thứ hết mình thì sẽ nhận được sự tin tưởng từ khách hàng - đó là cách tạo dựng thương hiệu vững chắc nhất.
Và trong nghề nghiệp này, được lòng khách hàng, KTS sẽ được tất cả: Được thực hiện đam mê, được công nhận. Đó là sức mạnh, động lực to nhất cho sự nghiệp về kiến trúc.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín