Năm 2018 là lần đầu tiên gã khổng lồ tìm kiếm hiện diện chính thức tại show trưng bày công nghệ lớn bậc nhất thế giới này trong nhiều năm trở lại đây. Năm nay, Google sẽ trở lại hoành tráng hơn nữa.
Năm ngoái tại CES, Google đã thiết lập một gian hàng 3 tầng gần Trung tâm Hội thảo Las Vegas, đồ sộ chẳng kém nhà máy chocolate của Wonka là bao, nhưng chứa toàn những thiết bị nhà thông minh. Gã khổng lồ tìm kiếm đã trình diễn khả năng liên kết hoạt động giữa Google Assistant và mọi thứ liên quan, từ máy giặt, cho đến những...mô hình tàu hỏa mini. Họ còn mang đến một chiếc máy bán kẹo màu khổng lồ, điều khiển bằng giọng nói chứa đầy những thiết bị dành tặng những vị khách ghé thăm may mắn. Và bên ngoài khu trưng bày của họ là một ống trượt xoắn màu xanh khổng lồ chạy từ nóc xuống dưới.
Trong khuôn viên khu hội thảo, các nhân viên Google mặc đồ trắng chào đón mọi người tại các quầy hàng nằm xuyên suốt tầng triển lãm, và công ty đã dán cụm từ "Hey Google" - một trong những cụm từ dùng để kích hoạt Google Assistant - lên chiếc tàu điện Las Vegas Monorail chạy quanh khu CES.
Thông điệp họ muốn truyền tải rất rõ ràng: sau nhiều năm "nằm vùng tại triển lãm công nghệ lớn nhất quả đất, Google cuối cùng cũng xuất đầu lộ diện. Và công ty dự kiến sẽ "chơi lớn" hơn nữa tại triển làm năm nay, bắt đầu từ tuần sau.
Trước kỳ CES 2018, Google đã chấp nhận đứng bên lề và để các đối tác sản xuất của mình, bao gồm Samsung và LG, chiếm lấy mọi sự chú ý. Nhưng nay chuyện đã khác, Google sẽ tận dụng triển lãm thương mại này để "khoe khoang" về phần cứng và phần mềm của mình, cùng với một sân khấu chính thức xứng tầm vị thế của một ông lớn.
Đó là bởi CES đã trở thành một sân khấu có tầm quan trọng đặc biệt đối với gã khổng lồ công nghệ, khi mà hãng tìm cách đưa các thiết bị của mình đến tay ngày càng nhiều người tiêu dùng để cạnh tranh với các đối thủ như Amazon, Apple, và Samsung. Trong 3 năm tiếp theo, bộ phận phần cứng của Google - bao gồm loa thông minh Google Home, máy điều nhiệt Nest, và thiết bị stream Chromecast - có thể chạm mốc doanh thu 20 tỷ USD.
Google đang đặt cược tương lai của mình ra ngoài phạm vi trang tìm kiếm đã trở thành huyền thoại. CEO Sundar Pichai nhiều lần khẳng định công ty sẽ dồn toàn lực cho trí tuệ nhân tạo - đặc biệt là Google Assistant, một trợ lý kỹ thuật số tương tự Alexa của Amazon và Siri của Apple. Bởi thị trường này hiện vẫn còn non trẻ, nên Google hi vọng họ có thể thu hút người dùng sử dụng các nền tảng của công ty trước khi mọi người bị lôi kéo vào hệ sinh thái Alexa vốn đang khá phổ biến của Amazon.
"Đây (thị trường trí tuệ nhân tạo) là miền tây hoang dã" - Brian Solis, một chuyên gia phân tích tại Altimeter Group nói - "Google phải đi thật nhanh và xông xáo"
Google vẫn phải tìm cách bắt kịp nhiều thứ. Trong thế giới loa thông minh, các thiết bị Echo của Amazon đang nắm giữ vị trí thống trị với 73% thị phần. Các thiết bị Home của Google xếp thứ 2 với 24% thị phần, theo một bản báo cáo của công ty Consumer Intelligence Research Partners, và công ty nghiên cứu này cũng nhấn mạnh rằng Google đang tiến bước mạnh mẽ.
Đó là lý do tại sao CES lại quan trọng đến vậy, là một địa điểm lý tưởng để Google tề tựu và khuyến khích những người tiêu dùng hào hứng với sản phẩm làm quen với trợ lý giọng nói của công ty. Năm ngoái, Google đã tận dụng CES để giới thiệu 4 thiết bị video mới có tích hợp Assistant, do Sony, JBL, LG và Lenovo sản xuất. Năm nay, Google cũng được kỳ vọng sẽ giới thiệu các thiết bị được sản xuất bởi các đối tác bên thứ 3 và tất nhiên là có tích hợp Assistant.
Và đây là một bằng chứng nhỏ khác cho thấy Google muốn "chơi lớn" hơn nữa tại CES năm nay: gian trưng bày của công ty tại CES 2019 sẽ có kích cỡ tăng gấp 3 lần so với năm ngoái - theo một người phát ngôn của Google. Liếc nhìn qua bản đồ các gian hàng được cung cấp bởi Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng (cơ quan chủ quản CES), ta có thể thấy được gian trưng bày của hãng năm nay khiến gian trưng bày năm ngoái chẳng khác gì một chú lùn.
Nâng tầm
Google đã thực hiện rất nhiều bước để nâng tầm mảng phần cứng của hãng vào năm ngoái.
Hồi tháng 2, Google đã trực tiếp nắm quyền quản lý trở lại đối với nhà sản xuất thiết bị nhà thông minh Nest sau gần 2 năm hoạt động như một đơn vị bán độc lập dưới công ty mẹ Alphabet của Google. Điều này cho phép Google tích hợp hãng sản xuất thiết bị điều nhiệt, phát hiện khói và camera an ninh thông minh vào dây chuyền sản xuất tổng thể của mình.
Công ty còn đều đặn mở rộng các dòng sản phẩm Google Home. Hồi tháng 10, Google tung ra Home Hub - một màn hình thông minh có thể hiển thị công thức nấu ăn hoặc video. Chúng tương tự như các màn hình thông minh mà công ty đã trình diễn tại CES năm trước nữa (2017) với các đối tác như Lenovo và Sony, trừ việc lần này các thiết bị được mang thương hiệu Google. Cũng trong tháng đó, Google đã giới thiệu phiên bản mới nhất của dòng điện thoại flagship Pixel 3 - mà theo CNET thì đây là "chiếc điện thoại Android tốt nhất năm 2018".
Cuộc chơi phần cứng của Google không phải lúc nào cũng như ý. Trước đây, các dự án phần cứng lớn nhất của Google bao gồm những sản phẩm được xem là "bom xịt" như thiết bị stream Nexus Q và chiếc kính thông minh gây tranh cãi Google Glass. Nhưng vào năm 2016, Google thuê Rick Osterloh, một cựu lãnh đạo của Motorola, để dẫn dắt một bộ phận mới đảm nhiệm toàn bộ các dự án phần cứng riêng rẽ của công ty và tạo ra một loạt các dòng sản phẩm liên kết chặt chẽ với nhau. Hiện nay, các sản phẩm đó bao gồm mọi thứ, từ các thiết bị đeo thực tại ảo cho đến router Wi-Fi.
Đối với Google, đẩy mạnh hoạt động tại CES không chỉ nhằm mục đích lôi kéo thêm nhiều người dùng Google Assistant - Avi Greengart, một chuyên gia phân tích tại GlobalData nói. Đó là một phần của một kế hoạch rộng lớn hơn nhằm biến các dịch vụ và thiết bị của Google trở thành trung tâm của mọi khía cạnh trong cuộc sống con người, từ lái xe đến nơi làm vào mỗi buổi sáng, cho đến chuẩn bị thức ăn tối tại nhà.
"Đó là một viễn cảnh khá toàn diện" - Greengart nhận định - "Họ chưa đạt được điều đó. Nhưng cũng chưa có ai đạt được cả".
Tham khảo: CNET
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI