Dù thiết kế quanh viền màn hình khá thô, nhưng cảm giác gập đóng - mở màn hình lại rất thỏa mãn.
Trừ khi bạn là fan của các thiết bị chiếu phim cá nhân, bạn chắc chắn chưa từng nghe đến Royole. Nhưng điều đó cũng chẳng sao, bởi nhà sáng lập và CEO Bill Liu lại muốn như vậy. Vô danh đối với hầu hết cả thế giới, Royole đã âm thầm tiên phong phát triển và hoàn thiện các mẫu màn hình uốn dẻo của chính mình từ năm 2012, và chiếc smartphone FlexPai mới của hãng chẳng khác gì một bữa tiệc ra mắt hoành tráng.
Trước khi đọc tiếp, bạn cần biết một số thứ. Thứ nhất, Flexpai là một sản phẩm thực sự, tức có bán trên thị trường và bạn có thể mua nếu muốn. Thứ hai, Royole đã đánh bại Samsung để trở thành hãng đầu tiên tung ra một chiếc smartphone màn hình gập. Và thứ ba, chiếc điện thoại này hoạt động không lỗi lầm gì.
Nếu bạn chưa nắm được thông tin về Royole Flexpai, thì chiếc smartphone này được trang bị chipset Snapdragon 855 (vì hiện đã được bán ra, nên nó cũng nghiễm nhiên trở thành điện thoại thương mại đầu tiên trên thế giới sử dụng chip 855), RAM 6GB hoặc 8GB, bộ nhớ trong 128GB hoặc 256GB, và cụm camera kép 16MP 20MP. Máy chạy Android 9.0 Pie, được tinh chỉnh khá nhiều để đảm bảo chế độ tablet hoạt động tốt). Trên lý thuyết, chừng đó đã đủ để FlexPai được xếp vào hàng flagship, nhưng hãy khoan. Điểm đáng chú ý nhất của Flexpai là màn hình AMOLED kích thước 7.8-inch, có thể gập đôi lại để tạo thành một chiếc smartphone (khá cồng kềnh) hoàn toàn sử dụng được. Và khá hụt hẫng khi màn hình này không có gì đặc sắc trừ việc có thể gập được.
Đây không phải là lần đầu tiên FlexPai xuất hiện trước công chúng. Hồi cuối tháng 8, nó đã được Royole mang đi vòng quanh thế giới, chỉ có điều vào thời điểm đó, thiết bị vẫn chưa sẵn sàng để sản xuất. Tại CES 2019, công ty đã mang đến một thiết bị được sản xuất thực sự và hoạt động khá tốt. Nhiều người có mặt tại quầy trưng bày FlexPai đã không kiềm chế được và liên tục gập đóng - mở màn hình thiết bị nhiều lần, đơn giản vì cảm giác làm điều đó quá...thú vị.
Những thứ mới mẻ mà FlexPai mang lại quả khiến người ta mê đắm, và trong một thời kỳ mà đâu đâu cũng chỉ thấy những thiết bị hao hao nhau, người tiêu dùng cần một điều gì đó đặc sắc để sẵn sàng mở ví. Nó là một chiếc tablet. Nó là một chiếc điện thoại. Nó là cả hai thứ, cùng lúc. Có điều gì để không thích cơ chứ?
Hóa ra, chiếc điện thoại này vẫn còn những hạn chế. Việc Royole bỗng xuất hiện từ hư không với một chiếc điện thoại màn hình gập hoạt động đầy đủ chức năng quả thực cực kỳ ấn tượng, nhưng cầm máy trên tay, bạn mới thấy được rằng phát triển một giao diện người dùng thực sự tốt cho một thiết bị như thế này là điều rất khó. Khi được mở ra, FlexPai hoạt động đúng như cách mà bạn có thể trông đợi ở một chiếc tablet. Đó là một điểm cộng.
Khi gập lại để chuyển sang chế độ điện thoại, mọi thứ bắt đầu hơi khó chịu một chút. Mọi biểu tượng ứng dụng và widget nằm đúng nơi chúng phải nằm, nhưng giả dụ bạn mở một ứng dụng ở nửa màn hình bên này và xoay điện thoại để xem màn hình ở bên kia, điều gì sẽ xảy ra? Có thể bạn sẽ hi vọng ứng dụng chuyển sang màn hình đang nhìn, nhưng thay vào đó, bạn chỉ thấy một màn hình chính trống rỗng. Phát triển một giao diện smartphone tốt đã đủ khó, nhưng phát triển cho một loại thiết bị chưa từng tồn tại trước đây ư? Những lỗi phần mềm là điều không thể tránh khỏi.
Và với một cấu hình phần cứng mạnh mẽ như đã nói ở trên, Royole vẫn đưa ra những quyết định khá khó hiểu. FlexPai không hề có cơ chế để khóa cố định màn hình khi mở ra, nên nếu bạn giữ máy bằng một tay, bạn sẽ để ý thấy nó hơi cong theo bản lề. Và trên một vài mẫu máy, camera có chất lượng...cực tệ - chúng hoạt động, nhưng chẳng có từ nào nói về chúng cả, trừ..."cực tệ" (CEO công ty cho biết dù phần cứng đã hoàn thiện, phần mềm vẫn chưa được phát triển hoàn chỉnh).
Vậy nên, dù máy đã được bán ra, và bạn có thể mua, nhưng FlexPai vẫn còn một chặng đường dài phải đi để trở nên hoàn hảo. Cho dù vậy, bạn sẽ phải thừa nhận rằng đã lâu lắm rồi mới có một chiếc smartphone kỳ quặc nhưng cuốn hút đến vậy - chắc phải từ những ngày xưa cũ khi điện thoại Android cái nào cũng có đặc điểm riêng không thể nhầm lẫn được với nhau như hiện nay. Và Royole cũng sẽ không phải một hãng smartphone theo kiểu "một lần rồi thôi". CEO Liu cho biết khi công ty đã quyết định bước vào cuộc chơi điện thoại di động, họ sẽ không quay đầu.
Ở thời điểm hiện tại, một xu hướng khá rõ ràng là tương lai của smartphone sẽ bao gồm những thiết bị với màn hình lớn hơn trong những thân máy nhỏ hơn, và Liu tin rằng những điều mà Royole đã làm trong thầm lặng đã đặt nền móng cho thành công của công ty sau này. Có lẽ ông đang theo đuổi điều gì đó. Google sẽ hỗ trợ các thiết bị màn hình gập ngay trong Android, một động thái có thể giúp khắc phục một số vấn đề lớn nhất về mặt phần mềm và tính tương thích của Royole. Và nếu không có vấn đề gì, Liu không loại trừ khả năng sẽ cung ứng màn hình gập cho các hãng smartphone khác. Ngay cả khi FlexPai bị các đối thủ hào nhoáng hơn vượt mặt, chúng ta vẫn sẽ được nghe cái tên Royole một lần nữa, sớm thôi.
Tham khảo: Engadget
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android