[CES 2020] Với Razer Tomahawk, tự lắp một dàn PC chiến game chưa bao giờ dễ dàng hơn
Lắp một dàn PC là điều không hề đơn giản. Nhưng mọi thứ sắp thay đổi.
Có hàng tá dây nhợ phải cắm; đủ loại vi xử lý phải chọn; và vô khối linh kiện cần được kiểm tra và cài đặt thật cẩn thận trước khi mọi thứ có thể hoạt động một cách trơn tru. Chỉ cần một sơ suất, bạn sẽ phải trả giá bằng tiền. Đó là lý do Razer Tomahawk xuất hiện: giúp việc tự lắp ráp một dàn PC trở nên đơn giản hơn nhiều, và cho phép những gã khờ nhất cũng có thể làm điều tưởng chừng như không thể.
Tomahawk trở thành hiện thực là nhờ Intel và phiên bản NUC mới mà họ vừa ra mắt trong năm nay. NUC là một chiếc máy tính siêu gọn nhẹ do Intel sản xuất nên. Chúng thường đòi hỏi người lắp ráp phải có một ít kinh nghiệm trong việc thiết lập hệ thống, và phần mềm được cài sẵn trên các máy NUC là một con số không tròn trĩnh - nhưng những chiếc NUC lại là món ăn khoái khẩu của những người thích mày mò, đang tìm cách xây dựng một hệ thống Windows Media Center, hay đơn giản là muốn tìm một thứ gì đó thú vị hơn Raspberry Pi.
Trong vài năm trở lại đây, NUC đã bắt đầu chuyển mình thành những cỗ máy đầy đủ tính năng hơn, chứ không chỉ là một món đồ vọc vạch. Chiếc NUC mới nhất có nhiều thiết kế khác nhau, một trong số đó bao gồm bo mạch chủ, CPU, RAM, và ổ cứng được đặt vào một card PCI-E duy nhất - quả là cực kỳ hoàn hảo đối với những người muốn lắp ráp dàn PC của chính họ.
Đầu tiên, bạn chọn chiếc NUC mình thích, bao gồm dung lượng RAM (tối đa 64GB DDR4), dung lượng ổ cứng, và một vi xử lý Intel thế hệ 9 (cao nhất là Core i9). Sau đó, bạn chọn GPU (cao nhất là Nvidia RTX 2080 Super), rồi cắm tất cả vào các khe PCI-E có sẵn trong hộp Tomahawk, cắm cáp nguồn từ nguồn đi kèm. Đặt mọi thứ vào vị trí, xong! Theo như video dưới đây, toàn bộ quá trình chỉ mất khoảng 30 giây hoặc ít hơn tùy trường hợp:
Razer Tomahawk
Rõ ràng mọi thứ dễ dàng hơn nhiều so với việc lắp ráp một dàn PC từ con số không. Tất nhiên, vẫn có những hạn chế. Khi lắp ráp PC, bạn được quyền chọn lọc từng linh kiện một, từ quạt cho đến nhãn hiệu SSD yêu thích. Giải pháp của Razer đơn giản hơn nhưng độ tùy biến không cao.
Thế nhưng nhiều người sẽ chẳng quan tâm đến điều đó, đặc biệt là những người muốn có một dàn PC chiến game thật nhanh nhưng lại "lười" không cần biết quá nhiều về cỗ máy họ đang sử dụng. Thay vì phải lo lắng về ổ cứng, RAM hay vi xử lý, bạn chỉ phải mua trọn bộ kit và quan tâm đến một thứ duy nhất là GPU - linh kiện quan trọng bậc nhất trong một dàn PC chơi game.
Razer khẳng định nhiều linh kiện, bao gồm SSD, RAM, và quạt trong chiếc NUC của họ đều có thể nâng cấp được bởi chính tay người dùng. Do đó nếu bạn lo lắng về vấn đề nâng cấp, bạn có thể tìm hiểu dần dần, nâng cấp từng chút một trong suốt quá trình sử dụng.
Tomahawk là một cỗ máy giá tốt, nằm đâu đó ở giữa một dàn PC lắp sẵn mà bạn có thể mua từ Alienware hay Maingear, và một dàn PC có độ tùy biến cực cao do chính bạn tự lắp ráp. Nhưng giá tốt là tốt đến mức nào? Chúng ta sẽ phải chờ xem, bởi Razer chưa tiết lộ giá bán của sản phẩm này.
Intel cũng khá kín tiếng về mặt giá cả. Trong khi Razer biến NUC thành một chiếc PC hoàn chỉnh siêu ngầu gắn trên một card PCI-E, thì Intel cũng tung ra một chiếc NUC có phần truyền thống hơn.
Vào tối hôm Chủ nhật vừa qua, Intel đã trình làng chiếc NUC Ghost Canyon của mình. Nếu như hầu hết các mẫu NUC có kích cỡ bằng một đầu thu Roku, Ghost Canyon đủ lớn để chứa được một khe PCI-E, cho phép bạn lắp GPU, biến nó thành một cỗ máy chơi game nhỏ hơn cả những dàn PC dùng bo mạch chủ micro-ITX.
NUC Ghost Canyon của Intel
Ghost Canyon không phải là chiếc NUC dành cho game thủ đầu tiên của Intel. Hai năm trước, họ từng tung ra một chiếc NUC sử dụng vi xử lý Intel thế hệ 8 kèm theo một GPU AMD. Chiếc NUC mới nhất dành cho game thủ của năm nay cho phép bạn dùng GPU tùy ý.
Tuy nhiên, vì kích cỡ thùng máy khá nhỏ, card Nvidia RTX 2080Ti hay các GPU khác dài hơn sẽ không lắp vừa. Bạn sẽ cần một thứ nhỏ hơn (và không mạnh bằng) để đi kèm với vi xử lý i9 thế hệ 9 bên trong.
Giống như Razer, Intel chưa công bố giá bán. Cả hai sản phẩm sẽ được bán ra vào cuối năm nay.
Tham khảo: Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming