Chân dung TSMC - 'ông vua chip' của thế giới: Mắt xích quan trọng của ngành công nghiệp 400 tỷ USD, có tầm ảnh hưởng tới toàn ngành công nghệ

    Huyền Băng, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    TSMC hiện sản xuất 92% các loại chip hiện đại nhất trên thế giới, số còn lại thuộc về Samsung Electronics.

    Theo tờ Wall Street Journal, sản phẩm chip của hãng Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) xuất hiện ở khắp mọi nơi mà chẳng ai để ý. Hãng Đài Loan này sản xuất hầu hết các loại chip tinh vi nhất thế giới cũng như vô số loại đơn giản hơn cho chuỗi phân phối. Danh sách sản phẩm của hãng có đến hàng tỷ phân loại cho các thiết bị và hãng khác nhau, bao gồm cả iPhone của Apple, máy tính cá nhân, xe hơi...

    Mọi người thường nhắc đến Apple, Qualcomm nhưng trên thực tế họ chỉ là những nhà thiết kế, trong khi phân xưởng sản xuất ra các con chip lại thuộc về TSMC, một công ty vốn chẳng nổi tiếng bằng.

    Chân dung TSMC - ông vua chip của thế giới: Mắt xích quan trọng của ngành công nghiệp 400 tỷ USD, có tầm ảnh hưởng tới toàn ngành công nghệ - Ảnh 1.

    Liên tục đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ đã giúp TSMC thành hãng sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới

    Trong suốt nhiều năm qua, TSMC đã trở thành hãng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới với tầm ảnh hưởng có thể làm rung động nền kinh tế toàn cầu. Dù tổng giá trị vốn hóa thị trường chỉ vào khoảng 550 tỷ USD, xếp thứ 11 thế giới nhưng tầm quan trọng của TSMC đang thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

    Tờ Wall Street Journal cho hay với việc ngày càng nhiều công nghệ cần sử dụng chip điện tử, tầm quan trọng của TSMC cũng tăng lên theo đó. Bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cùng đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nguồn cung chip và khiến sản phẩm của TSMC nóng bỏng hơn bao giờ hết.

    Các nhà máy của hãng chip này không đủ cung hàng cho các doanh nghiệp khác, qua đó gián tiếp tạo nên sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì thiếu thiết bị trên toàn cầu. Câu chuyện này cũng tương tự như việc thế giới dựa vào nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông thời kỳ thập niên 1970 và giá loại vàng đen này tặng dựng đứng ngay khi các quốc gia Ả Rập tuyên bố cấm vận xuất khẩu dầu mỏ.

    Số liệu của hãng nghiên cứu TrendForce cho thấy các công ty sản xuất chip của Đài Loan bao gồm cả TSMC chiếm tới 65% doanh thu sản xuất chip thuê ngoài trên thế giới trong quý I/2021. Riêng bản thân TSMC đã chiếm tới 56%.

    Ông vua chip

    Hãng TSMC đã có lợi nhuận 17,6 tỷ USD trong năm 2020 với tổng doanh thu 45,5 tỷ USD. Theo Capital Economics, việc cả thế giới dựa dẫm vào 1 doanh nghiệp trong mảng chip đang vô cùng nguy hiểm nhưng chẳng thể thay đổi một sớm một chiều vì nhiều lý do.

    Đầu tiên, TSMC dành nhiều năm để phát triển công nghệ và hiện sản xuất 92% các loại chip hiện đại nhất trên thế giới, số còn lại thuộc về Samsung Electronics. Lấy ví dụ đơn giản, phần lớn trong số 1,4 tỷ chip vi xử lý trên điện thoại di động trên thế giới hiện nay thuộc về TSMC.

    Không dừng lại ở đó, số liệu của IHS Markit cho thấy TSMC còn sản xuất tới 60% loại chip ít phức tạp hơn dùng cho xe hơi, nhất là dòng ô tô tự lái đang được phát triển hiện nay.

    Chân dung TSMC - ông vua chip của thế giới: Mắt xích quan trọng của ngành công nghiệp 400 tỷ USD, có tầm ảnh hưởng tới toàn ngành công nghệ - Ảnh 2.

    Trong khi đó, báo cáo của Boston Consulting thì nêu rõ mặc dù Mỹ nổi tiếng với những hãng thiết kế chip như Intel, Nvidia hay Qualcomm nhưng họ lại chỉ chiếm 12% về số lượng sản xuất, giảm mạnh so với 37% của năm 1990.

    Nhận thức được vấn đề trong cuộc khủng hoảng chip hiện nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố hoạch đầu tư 50 tỷ USD cho mảng sản xuất chip điện tử. Trung Quốc cũng lên kế hoạch đầu tư mạnh cho mảng này còn Châu Âu thì hướng tới việc sản xuất 20% chip trên thế giới vào năm 2030 bằng dự án đầu tư 150 tỷ USD.

    Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc đầu tư mảng chip điện tử để bắt kịp đối thủ chẳng hề dễ dàng bởi các nhà máy chip tại Đài Loan cũng không chịu đứng yên mất thị phần. Tờ Wall Street Journal nhận định ngành bán dẫn là mảng tốn nhiều tiền đầu tư và khi bị tụt hậu lại phía sau, doanh nghiệp sẽ khó lòng mà bắt kịp người đi trước nếu không có sự đột phá. Các tập đoàn có thể chi hàng tỷ USD và nhiều năm nghiên cứu, nhưng rồi cuối cùng họ sẽ chỉ thấy khoảng cách được nới rộng hơn nếu không có nhiều đột phá về kỹ thuật.

    Một nhà máy sản xuất bán dẫn có giá lên tới 20 tỷ USD, một thiết bị sản xuất chip tiên tiến trên các mẫu mạch phức tạp có thể tốn đến 100 triệu USD cùng nhiều yêu cầu khác. Rõ ràng, ngành chip điện tử vô cùng tốn tiền và nếu không bắt đầu từ sớm sẽ khó đuổi kịp khi hầu như các nước đều đã nhận ra tầm quan trọng của mảng này.

    Bản thân TSMC cũng cho biết sẽ chi 100 tỷ USD trong 3 năm tới để phát triển công nghệ, tương đương gần ¼ tổng số vốn đầu tư của toàn ngành cho mảng này.

    Báo cáo của IC Insight cho biết các quốc gia trên thế giới cần tiêu tốn ít nhất 30 tỷ USD/năm trong ít nhất 5 năm thì may ra mới có chút hy vọng đuổi kịp được TSMC và Samsung.

    Theo PwC, ngành công nghiệp bán dẫn có tổng doanh thu 481 tỷ USD trong năm 2018. Con số này có thể tăng lên gần 600 tỷ USD trong 4 năm nữa. Tuy nhiên, số lượng công ty thực sự có thể gia công, tạo ra những con chip không nhiều.

    Tầm nhìn cách đây hơn 30 năm

    Trên thực tế, thành công của TSMC ngày nay dựa trên tầm nhìn rất lớn của Morris Chang, nhà sáng lập nên công ty này vào năm 1987. Trong bối cảnh gia công xuất khẩu may mặc vẫn đang chớm nở thì nhà sáng lập này đã cho rằng trong tương lai, thuê ngoài sản xuất chip điện tử sẽ trở thành tấm khiên kinh tế cho Đài Loan.

    Chân dung TSMC - ông vua chip của thế giới: Mắt xích quan trọng của ngành công nghiệp 400 tỷ USD, có tầm ảnh hưởng tới toàn ngành công nghệ - Ảnh 3.

    Nhà sáng lập Morris Chang năm nay đã 89 tuổi

    Nhận thức được vấn đề, chính quyền Đài Loan đã tài trợ một nửa vốn thành lập để TSMC đủ sức thu hút được sự chú ý của các hãng sản xuất chip thời đó. Khi mới được thành lập, những ông lớn trong ngành như Intel hay Texas Instruments đều tự thiết kế, sản xuất, quảng cáo cho chip của họ. Thế rồi mọi người nhận ra với việc thuê ngoài cho các công ty như TSMC, họ có thể dồn nguồn lực cho nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm.

    Hãng AMD đã bán mảng sản xuất chip cho TSMC và trở thành khách hàng lớn nhất của công ty này, để rồi liên tiếp nhiều tập đoàn cũng nối gót và nghiễm nhiên đưa nhà sản xuất chip Đài Loan thành ông lớn trong ngành.

    Giáo sư David Yoffie của Harvard Business School, đồng thời là cựu thành viên ban giám đốc Intel nhấn mạnh mỗi bước đi của TSMC đều được tính toán kỹ như chơi cờ vậy. Ảnh hưởng của mỗi thương vụ đều chỉ rất nhỏ và đến khi sức mạnh thật sự của TSMC bộc phát thì đã quá muộn để thay đổi tàn cuộc.

    Xin được nhấn mạnh rằng TSMC đã liên tục tăng gấp đôi đầu tư (R&D) kể cả trong thời kỳ khủng hoảng trong khi các hãng khác lại giảm mạnh để tiết kiệm chi phí. Nhà sáng lập Chang đã tăng chi tiêu đầu tư của TSMC thêm 42%, đạt 2,7 tỷ USD vào năm 2009 khi thế giới đang bàng hoàng trước cuộc khủng hoảng 2008. Phần lớn số tiền được nhắm đến mở rộng năng suất chip cho điện thoại thông minh (smartphone).

    Thế rồi quả ngọt đến vào năm 2013 khi TSMC trở thành hãng sản xuất chip chính cho iPhone của Apple. Trước đó đối thủ Samsung mới là người sản xuất chính cho nhà táo khuyết.

    Để giành được hợp đồng, TSMC đã chi tới 9 tỷ USD cùng 6.000 nhân công làm việc liên tục, qua đó xây nhà máy đạt tiêu chuẩn của Apple trong thời gian kỷ lục 11 tháng.

    Năm 2014, hãng đã buộc đội ngũ nghiên cứu 400 kỹ sư phải làm việc liên tục 3 ca mỗi ngày để cho ra đời mẫu chip mới.

    Rõ ràng, câu chuyện thiếu chip điện tử hiện nay không chỉ bộc lộ vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu mà nó còn cho thấy sức mạnh thật sự của một đế chế kinh doanh với nhà sáng lập có tầm nhìn sâu rộng.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ