Vị CEO mới của Uber nổi tiếng khi làm lãnh đạo ở Expedia bằng việc đánh bại mọi đối thủ một cách không khoan nhượng, liên tục mua các startup du lịch non trẻ và đầu tư mạnh vào công nghệ để luôn "đi trước đón đầu".
Ngày hôm qua, Uber đã chính thức ra thông báo về việc chọn lựa được cái tên mới cho vị trí CEO của công ty. Và khá bất ngờ, CEO đương nhiệm của Expedia là Dara Khosrowshahi sẽ đảm nhận vị trí này.
Theo bình luận của tờ CNN thì Dara là một doanh nhân khá khác biệt so với những đồng nghiệp trẻ tuổi ở thung lũng Silicon. Bản thân vị CEO này cũng thừa nhận điều đó: "Tôi khác với những CEO trẻ tuổi ở thung lũng Silicon, tôi không phải là nhà sáng lập… Tôi chỉ đến công ty để làm những gì được gọi là sự quản lý chuyên nghiệp".
Những lời kể trên được Dara chia sẻ khi anh nói về vị trí CEO tại công ty du lịch trực tuyến Expedia nhưng có vẻ như điều tương tự sắp xảy ra ở Uber – khi anh chính thức đảm nhận công việc CEO.
Dara là một người nhập cư từ Iran và anh đã sớm tạo dựng được sự nghiệp trong ngành công nghiệp tài chính Mỹ. Hiện tại anh đang đứng trước một thử thách to lớn mới khi đảm đương trọng trách điều hành ứng dụng gọi xe Uber sau 12 năm lãnh đạo Expedia.
Uber – startup giá trị nhất thế giới hiện đang ngập lụt trong mớ hỗn độn khủng hoảng từ văn hóa doanh nghiệp tồi tàn tới kiện tụng buộc nhà sáng lập đồng thời là CEO khi ấy của công ty là Travis Kalanick phải từ chức.
Quyết định của Dara khi đến với Uber liệu có đúng hay không, ứng dụng gọi xe này liệu có thể quay lại thời hoàng kim như trước đây hay không... tất cả phải cần một thời gian nữa để trả lời. Nhưng dưới đây, tờ CNN đã kể ra những điểm thú vị về vị CEO mới của công ty này:
Đối thủ không khoan nhượng trên thương trường
Dara nổi tiếng khi làm lãnh đạo ở Expedia bằng việc đánh bại mọi đối thủ một cách không khoan nhượng, liên tục mua các startup du lịch non trẻ và đầu tư mạnh vào công nghệ để luôn "đi trước đón đầu".
Dara cho rằng: "Mỗi phút ngừng tiến bộ trên Internet, ai đó sẽ đuổi kịp và thậm chí vượt bạn".
Vị lãnh đạo 48 tuổi có thể cần lưu tâm đặc biệt tới những lời này khi lãnh đạo Uber – đơn vị đang đối mặt với sự gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ ở cả thị trường quê nhà và nước ngoài. Startup ứng dụng gọi xe này đã thiếu vắng sự hiện diện của CEO kể từ khi Kalanick từ chức vào tháng 6 và ngoài ra họ cũng đang thiếu một số vị trí lãnh đạo quan trọng gồm cả Giám đốc tài chính.
Trở thành lãnh đạo Uber thời điểm này có thể là môt bước chuyển mình lớn đối với Dara – ít nhất ở một điểm – anh ấy sẽ trở thành nhà lãnh đạo của công ty dẫn đầu trong cả một ngành công nghiệp.
Khởi đầu khó khăn
Dara đảm nhận cương vị CEO của Expedia vào năm 2005 – đúng thời điểm khủng hoảng tài chính bùng nổ. Anh vẫn là một nhà sáng lập còn quá trẻ tuổi và thực tế trong suốt 1 năm đầu nắm quyền, anh đã không thể chứng minh được gì ở công ty.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi, sau khi một kỹ sư tới và nói với anh rằng: "Dara, anh đang bảo chúng tôi phải làm gì nhưng lại không nói với chúng tôi rằng mình cần phải tới đâu".
"Đó thức sự là khoảnh khắc khiến quan điểm về việc CEO phải làm gì của tôi thay đổi hoàn toàn. Một CEO của công ty toàn cầu không thể chỉ nói nhân viên phải làm gì mà bản thân phải tự tìm lối đi", Dara chia sẻ.
Kể từ đó, Expedia đã thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Dara mặc cho những mối đe dọa từ nhiều đối thủ mới gồm cả Airbnb và những công ty lâu đời như Google. Cổ phiếu của Expedia hiện đã tăng hơn 6 lần so với thời điểm công ty mới IPO vào năm 2005.
Đó là mức tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn là con số nhỏ bé nếu so với cổ phiếu của Priceline với mức tăng hơn 80 lần so với thời điểm năm 2005.
Không sợ đối đầu với tổng thống Trump
Sinh ra tại Iran, Dara đã nhập cư vào Mỹ năm 9 tuổi khi gia đình của anh tới đây. Chính vì hoàn cảnh đó mà Dara phản đối gay gắt sắc lệnh cấm lệnh nhập cư đối với 7 quốc gia Hồi giáo mà Tổng thống Trump đưa ra vào hồi đầu năm.
Expedia là một trong những công ty đi đầu trong ngành công nghiệp công nghệ lên tiếng phản đối với sắc lệnh của Tổng thống Trump.
Giấc mơ Mỹ
Dara cho rằng giấc mơ Mỹ là "thương hiệu tốt", nó mạnh hơn cả Apple, Microsoft và Google cộng lại 10 lần.
Nếu bạn tin vào chế độ và làm việc chăm chỉ, bạn có thể đạt được. "Điều đó sẽ chỉ khiến quốc gia của chúng ta trở nên vĩ đại học và tôi nghĩ Tổng thống nên ủng hộ nó".
Lớn lên tại New York, Dara theo học chuyên ngành kỹ sư điện tử tại Đại học Brown và trở thành một nhân viên ngân hàng đầu tư sau khi tốt nghiệp. Anh đã trở thành Phó chủ tịch tại ngân hàng Allen&Company - làm việc dưới chướng chủ tịch Barry Diller.
Dân dealmaker chính hiệu
Dara đã đưa Expedia tới thành công bằng việc tập trung vào tốc độ tăng trưởng và thống trị trong ngành công nghiệp đặt dịch vụ du lịch, đặc biệt là lĩnh vực phòng khách sạn và chỗ ở.
Chỉ trong vài năm, họ đã lần lượt mua lại Triago, Orbitz, Travelocity và Egencia để truy cập vào được dữ liệu khổng lồ về thói quen du lịch của khách hàng. Đặc biệt trong số này là thương vụ mua lại Orbitz với mức giá 1,6 tỷ USD vào năm 2015, đưa Expedia trở thành công ty cung cấp dich vụ du lịch trực tuyến lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Priceline.
2 năm trước, Expedia cũng thâu tóm đối thủ của Airbnb là HomeAway, chính thức tham gia vào lĩnh vực thuê nhà đang phổ biến.
Dara trở thành CEO nhận lương cao nhất tại Mỹ vào năm 2015 với mức gần 95 triệu USD nhờ lượng cổ phiếu thưởng khổng lồ sau khi anh ấy đồng ý ở tại Expedia cho tới hết năm 2020.
Đối với Jim Fowler - CEO của nền tảng Owler thì Dara "gợi nhắc cho tôi về một tiểu Bill Gates bởi sự trầm lặng, sâu sắc, tầm nhìn có tính chiến lược và đầu óc kinh doanh không khoan nhượng đã giúp Expedia hạ gục được hàng loạt đối thủ và hiện giờ đang tiến tới mục tiêu trở thành công ty thống trị toàn cầu".
* Dealmaker - người quyết định từng thương vụ: Một Deal Maker biết khi nào nên tiến và khi nào nên lùi, khi nào thì chân thật và khi nào thì hăm dọa, và anh ta phải hiểu rằng một khi anh ta hăm dọa thì phải chuẩn bị để thể hiện sự hăm dọa đó một cách mạnh mẽ và thực tế. Một Dealmaker rất tinh ranh, thực dụng, tập trung, và không bao giờ chịu dàn xếp nếu anh ta nhận ít hơn điều anh ta muốn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI