Chất độc này được tìm thấy trong máu, vào những ngày bạn không đi đại tiện, nó để lại hậu quả đáng sợ hơn bạn tưởng

    Thanh Long,  

    Bạn nên đi đại tiện mấy lần/ngày thì tốt nhất?

    Bất cứ ai từng có một ngày không đi đại tiện đều sẽ nhớ cái cảm giác cực kỳ khó chịu ấy. Bụng thì chướng lên như một chiếc trống, nhìn thấy thức ăn ngon nhưng không thấy thèm ăn. Khó chịu nhất là cảm giác mắc kẹt trong nhà vệ sinh, cố gắng gồng mình để đẩy chất thải tích tụ trong cơ thể ra ngoài nhưng không được.

    Nhiều người chấp nhận ôm chiếc bụng chướng đi ngủ đến ngày hôm sau, hy vọng rằng: "Hôm nay không đi được, thì mai sẽ đi được".

    Thật không may, một nghiên cứu mới trên tạp chí Cell Reports Medicine cho biết, mỗi ngày trôi qua, khi phân còn ở trong cơ thể bạn, nó sẽ gây ra hiệu ứng gây tích tụ một độc chất trong máu gọi là Indoxyl sulfat.

    Chất độc này được tìm thấy trong máu, vào những ngày bạn không đi đại tiện, nó để lại hậu quả đáng sợ hơn bạn tưởng- Ảnh 1.

    Indoxyl sulfat tích tụ trong máu nếu bạn không đi đại tiện.

    Indoxyl sulfat được biết đến như một độc tố tiết niệu. Vì vậy, ở nồng độ cao trong máu, nó có thể tấn công vào thận, gây ra những rối loạn trong hoạt động của thận. Đó là lý do những nghiên cứu trước đây phát hiện người bị táo bón kinh niên cũng thường mắc các bệnh về thận mạn tính.

    Vậy bạn cần làm gì để bảo vệ thận của mình, qua việc giữ cho chu kỳ thanh lọc đường ruột diễn ra đều đặn? Bài viết này sẽ cho bạn một số lời khuyên hữu ích. Nhưng trước hết, hãy cùng tìm hiểu:

    Đâu là "tần suất vàng" khi nói đến chuyện đi đại tiện?

    Năm 2023, một nghiên cứu trên tạp chí Healthcare đã cố gắng trả lời câu hỏi đó bằng cách khảo sát hơn 14.500 người trưởng thành ở Mỹ về tần suất đi đại tiện của họ. Kết quả cho thấy có:

    - 3,3% người được hỏi đại tiện 1-2 lần/tuần

    - 12,1% người làm điều đó 3-6 lần/tuần

    - 53% đại tiện 7 lần/tuần

    - 30,4% số người có tần suất 8-21 lần/tuần

    - 1,2% đại tiện nhiều hơn 21 lần/tuần

    Kết hợp với dữ liệu theo dõi sức khỏe sau 11 năm, 1.500 người được hỏi đã tử vong, trong đó có 284 ca tử vong do bệnh tim mạch và 357 ca tử vong do ung thư, các nhà khoa học đã tính toán được những người có tần suất đại tiện 10 lần/tuần là những người có sức khỏe tốt nhất và nguy cơ tử vong vì mọi nguyên nhân thấp nhất.

    Chất độc này được tìm thấy trong máu, vào những ngày bạn không đi đại tiện, nó để lại hậu quả đáng sợ hơn bạn tưởng- Ảnh 2.

    Thang đo 4 mức độ tần suất đại tiện.

    Đó cũng là kết quả được chỉ ra trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Cell Reports Medicine. Theo đó, các nhà nghiên cứu từ Viện Sinh học Hệ thống Hoa Kỳ đã phân loại tần suất đi đại tiện của mọi người theo 4 mức độ:

    - Táo bón (1-2 lần/tuần)

    - Trung bình thấp (3-6 lần/tuần)

    - Trung bình cao (1-3 lần/ngày)

    - Tiêu chảy (trên 3 lần/ngày)

    Là một bước tiến so với nghiên cứu năm 2023, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu lâm sàng về cả lối sống và sinh học - bao gồm xét nghiệm máu, hệ vi sinh đường ruột, dữ liệu di truyền và nhiều thông tin khác - để đánh giá sức khỏe tổng thể và phát hiện dấu hiệu bệnh tật ở hơn 1.400 tình nguyện viên ngay khi họ còn sống.

    Kết quả chỉ ra một "tần suất đại tiện vàng" nằm trong khoảng trung bình cao, từ 1-2 lần/ngày. Những người này thường có sức khỏe đường ruột và sức khỏe tổng thể tốt nhất.

    Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chu kỳ đại tiện của bạn lọt ra khỏi khoảng khỏe mạnh?

    Các bác sĩ cho biết tần suất đại tiện của mỗi người, tại mỗi thời điểm trong cuộc đời đều khác nhau. Nó có thể dao động tùy vào tuổi tác, chế độ ăn uống, tình trạng căng thẳng và cả hoàn ảnh xã hội của một người.

    Nghiên cứu mới trên tạp chí Cell Reports Medicine cho thấy những người trẻ hơn và gầy hơn thường có số lần đi đại tiện ít hơn. Trong khi đó, nam giới trung bình đại tiện nhiều lần hơn so với phụ nữ.

    Tần suất đại tiện bình thường dao động trong một khoảng lớn hơn rất nhiều so với "tần suất vàng". Bất kỳ ai đại tiện từ 3 lần/tuần đến 3 lần/ngày đều được coi là khỏe mạnh. Lọt ra khỏi khoảng này, nhiều vấn đề nghiêm trọng bắt đầu sẽ xuất hiện.

    Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Viện Sinh học Hệ thống Hoa Kỳ nhận thấy một chất độc bắt đầu tích tụ trong máu đến mức nguy hiểm nếu tần suất đại tiện của bạn nằm dưới khoảng trung bình.

    Được gọi là Indoxyl sulfat, hợp chất này bắt đầu sinh ra sau khi phân bị lưu lại quá lâu trong đường ruột. Lượng chất xơ trong ruột cạn kiệt, khiến các vi khuẩn - vốn đang lên men chất xơ thành các axit béo chuỗi ngắn có lợi - thì giờ lại chuyển sang lên men protein và tạo ra Indoxyl sulfat.

    Chất độc này được tìm thấy trong máu, vào những ngày bạn không đi đại tiện, nó để lại hậu quả đáng sợ hơn bạn tưởng- Ảnh 3.

    Tích tụ phân làm tăng nồng độ Indoxyl sulfat trong máu, gây suy thận.

    Là một độc tố tiết niệu, nghĩa là các hợp chất có hoạt tính sinh học gây hại cho thận, nồng độ Indoxyl sulfat cao trong máu có thể gây ra bệnh xơ cứng cầu thận, suy thận hoặc xơ kẽ thận. Điều này giải thích tại sao trong một số nghiên cứu trước đây, những người thường xuyên bị táo bón có tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính cao hơn tới 13%.

    Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người bị táo bón cũng cao hơn 23% nhóm có tần suất đại tiện bình thường. Indoxyl sulfat được cho là một trong số những nguyên nhân gây ra hiệu ứng bất lợi đó. Trong khi, hợp chất này cũng liên quan đến nguy cơ mắc trầm cảm và rối loạn lo âu cao hơn, trong nhóm những người bị táo bón.

    Ngược lại, nghiên cứu mới tìm thấy những người đại tiện quá nhiều, nhiều hơn 3 lần/ngày, có nồng độ cao hơn của một hợp chất gọi là bilirubin trong máu – một chỉ dấu cho thấy họ có thể mắc bệnh về gan cao hơn.

    Lời khuyên cho một hệ tiêu hóa khỏe mạnh

    "Nhìn chung, nghiên cứu này cho thấy tần suất đại tiện có thể ảnh hưởng đến mọi hệ thống cơ thể, và tần suất đại tiện bất thường có thể là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong quá trình phát triển các bệnh mãn tính", tiến sĩ Sean Gibbons, tác giả nghiên cứu cho biết.

    "Những hiểu biết sâu sắc này có thể cung cấp thông tin cho các chiến lược quản lý tần suất đại tiện, ngay cả ở những người khỏe mạnh, nhắm tối ưu hóa sức khỏe và thể chất con người".

    Để có sức khỏe đường ruột tốt và tần suất đại tiện khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu khuyên bạn:

    Chất độc này được tìm thấy trong máu, vào những ngày bạn không đi đại tiện, nó để lại hậu quả đáng sợ hơn bạn tưởng- Ảnh 4.

    Ảnh minh họa.

    - Nên ăn nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan: Điều này sẽ giảm tỷ lệ vi khuẩn đường ruột lên men protein và tạo thành độc tố Indoxyl sulfat trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Lý tưởng nhất bạn nên bổ sung ít nhất 25 đến 31 gam chất xơ từ thực phẩm mỗi ngày.

    - Uống đủ nước: Uống nhiều nước hơn mỗi ngày có thể giúp bạn tiêu hóa chất xơ và giúp bạn đi đại tiện dễ dàng hơn. Trên thực tế, nếu bạn ăn nhiều chất xơ mà không uống đủ nước, bạn vẫn có nguy cơ bị táo bón.

    - Vận động nhiều hơn: Cơ thể bạn di chuyển phân qua ruột một cách tự nhiên, nhưng tập thể dục có thể giúp phân di chuyển nhanh hơn. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bạn nên có 150 phút hoạt động thể chất vừa phải hàng tuần có thể cải thiện tiêu hóa và nhu động ruột. Các bài tập đơn giản như đi bộ cũng rất tốt cho đường tiêu hóa.

    - Để ý đến tư thế đại tiện: Thay đổi góc của chân sẽ làm thay đổi góc của đại tràng. Sử dụng bệ kê chân trong nhà vệ sinh có thể giúp bạn đại tiện thoải mái và hiệu quả hơn.

    - Ghi lại nhật ký đại tiện của bạn: Việc này sẽ giúp bạn theo dõi tần suất đại tiện một cách tốt nhất, đồng thời lắng nghe cơ thể để điều chỉnh nó về "tỷ lệ vàng". Tất nhiên, nếu bạn không thể cố gắng đại tiện trong hôm nay, hãy cứ bình tĩnh. Thực hiện các điều chỉnh phía trên một cách kiên nhẫn và rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy.

    Nguồn: Tham khảo Cell, Sciencefocus, NCBI
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ