“Phần mềm Mỹ sẽ không còn thống trị thị trường. Bây giờ là thời đại của những phần mềm đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan” – Đây là nhận định mới nhất của đại diện Microsoft về tình hình phát triển của thị trường châu Á trong hiện tại.
Dẫn lời của Nick Parker và John MacLellan, hai đại diện đến từ Microsoft, cho rằng thị trường công nghệ châu Á đang có sự chuyển biến lớn từ vai trò của thị trường tiêu thụ sang vai trò của trung tâm sáng tạo mới. Theo Nick Parker – phó giám đốc bộ phận OEM tại Microsoft, thì: “Sự kết hợp hoàn hảo giữa những con người trong bộ phận sáng tạo và những người ngoài cuộc đang khiến các công ty châu Á trở nên thực dụng và biết cách kiếm tiền từ các ý tưởng hơn bao giờ hết”.
Vai trò của những công ty chuyên OEM như Microsoft tại thị trường châu Á sẽ có sự thay đổi lớn: các công ty Âu – Mỹ giờ đây sẽ kiêm luôn vai trò hướng dẫn và hợp tác với các công ty châu Á nhằm giúp họ tiến ra thị trường toàn cầu – một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Ông Parker cũng khẳng định: "Trên toàn thế giới, chỉ có 3 công ty châu Á là LG – Samsung – Sony là theo kịp xu hướng của thị trường công nghệ. Hay thậm chí, Samsung còn có thể trở thành người thống trị thị trường tablet trong tương lai".
Để kiểm chứng lời nói của các đại diện từ Microsoft không phải là khó, bởi cứ thử nhìn lại thị trường trong năm 2010, hay những diễn biến tại CES 2011, ta sẽ thấy rõ ràng: Các công ty công nghệ lớn của châu Á như Samsung, HTC, LG, Sony liên tục cho ra mắt sản phẩm mới và đều đạt được thành công to lớn.
Trong khi những đại diện Âu – Mỹ như Motorola hay Nokia thì hoặc là hụt hơi trong việc nắm bắt nhu cầu khách hàng, hoặc luôn luôn thất bại trong việc tìm kiếm chỗ đứng trong mảng thị trường cao cấp. Những sự thật này đã nói lên tất cả, rằng châu Á đang dần thay thế vai trò của châu Âu và châu Mỹ trong ngành công nghiệp số.
Lẽ dĩ nhiên, cùng với sự phát triển của những “thung lũng Silicon” phiên bản châu Á ở Đài Loan hay Hàn Quốc, và vai trò ngày càng lớn của thị trường châu Á trong doanh thu của các tập đoàn công nghệ, thì cơ hội thu hút đầu tư từ Âu – Mỹ dành cho các nước Á châu đang ngày càng rõ rệt. Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhưng đó sẽ là giấc mơ của nhiều chục năm nữa.
Bởi, với trình độ của đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin trong hiện tại, sẽ còn rất lâu trước khi Việt Nam thật sự chuyển mình từ nền công nghiệp gia công sang vai trò của trung tâm sáng tạo cho thế giới.