Chỉ có thể là Nhật Bản: Nhà máy sản xuất sake duy nhất ở Tokyo cho rượu "nghe nhạc", hứa hẹn công nghệ hiện đại chống tác động biến đổi khí hậu

    Anh Dũng,  

    Âm nhạc là một trong những kỹ thuật độc đáo được áp dụng tại nhà máy sản xuất rượu sake duy nhất ở trung tâm thủ đô Nhật Bản.

    Chỉ có thể là Nhật Bản: Nhà máy sản xuất sake duy nhất ở Tokyo cho rượu "nghe nhạc", hứa hẹn công nghệ hiện đại chống tác động biến đổi khí hậu- Ảnh 1.

    Tiếng nhạc du dương nhẹ nhàng lấp đầy không gian của một toà nhà chật chội ở Tokyo. Tại đây, một thùng rượu sake lên men đang sủi bọt.

    Vi khuẩn trong bể 670 lít sẽ mất hơn hai tuần để chuyển hoá gạo và nước thành đồ uống có cồn truyền thống của Nhật Bản.

    Nhưng các vi sinh vật này không chỉ sinh sôi mà còn đang "nghe nhạc". Người nấu rượu Yoshimi Terasawa cho biết loại nhạc phát ra từ chiếc loa bên dưới bể sẽ quyết định hương vị của rượu.

    Giám đốc sản xuất 63 tuổi của công ty Tokyo Port Brewing cho biết: "Các vi sinh vật bên trong được kích thích bởi các rung động và mùi vị thay đổi".

    Âm nhạc là một trong những kỹ thuật độc đáo mà Terasawa đang sử dụng tại nhà máy sản xuất rượu sake duy nhất ở trung tâm thủ đô Nhật Bản.

    Hoạt động trong một toà nhà 4 tầng chật hẹp, các phương pháp mới hứa hẹn sẽ giúp ngành sản xuất đồ uống có cồn chống lại hệ quả của biến đổi khí hậu.

    Họ sử dụng máy móc đã được cải tiến và các quy trình tiêu thụ ít năng lượng cũng như công sức hơn so với một nhà máy nấu rượu truyền thống ở vùng nông thôn.

    Với thâm niên 45 năm trong ngành, ông Terasawa cho biết: "Sản xuất rượu sake ở quy mô nhỏ hơn giúp dễ dàng duy trì môi trường sản xuất ổn định hơn".

    Công ty sản xuất khoảng 30.000 lít rượu sake mỗi năm, đủ để đổ đầy gần 42.000 chai 720 ml.

    Nhưng việc thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng và dân số già của Nhật Bản đã ảnh hưởng đến nhu cầu. Chính phủ cho biết số lượng nhà máy sản xuất rượu sake đã giảm 2/3 so với mức đỉnh điểm những năm 1970. Hiện chỉ còn hơn 1.100 nhà máy với hơn một nửa hoạt động trong tình trạng khó khăn.

    Một số thách thức khác bao gồm thiếu nhân lực, chi phí nguyên – nhiên liệu tăng cao và gián đoạn nguồn cung gạo do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ông Terasawa cho biết nhà máy bia nhỏ gọn của ông đã mang đến một mô hình có thể đáp ứng những thách thức đó.

    Quá trình sản xuất bắt đầu trên ban công tầng 4. Ông và một nhân viên sẽ nấu chín cơm trong 70 phút. Cơm sau đó sẽ được chuyển xuống các tầng dưới thông qua các đường dẫn ở trần và sàn nhà để lên men và cuối cùng đóng gói ở tầng trệt.

    Ông Terasawa nói thêm: "Trong tương lai, những nhà máy bia nhỏ như thế này sẽ rất hữu ích".

    Theo Reuters

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ