Chỉ là một thiết bị nhưng máy đào ASIC đang chia rẽ cả cộng đồng tiền mã hóa, vì sao lại thế?

    Nguyễn Hải,  

    Từ một cộng đồng ngang hàng nhau, thế giới tiền mã hóa đang trở nên phân hóa và chia rẽ vì cỗ máy đào ASIC, và liệu tương lai nào cho thiết bị này.

    Cộng đồng phát triển của Ethereum và Monero, hai đồng tiền được xem như các thành trì chống lại đà xâm lăng của các máy đào tiền mã hóa dùng chip ASIC chuyên dụng, đang trải qua một giai đoạn đầy chia rẽ khi vào tháng trước, Bitmain cho biết họ sắp đưa ra thị trường các máy đào ASIC đầu tiên có thể khai thác các đồng Ethereum và Monero.

    Trong khi các nhà phát triển cốt lõi của hai đồng tiền này cho rằng, các máy đào ASIC sẽ làm mất đi tính phi tập trung trên mạng lưới của mỗi đồng tiền mã hóa, và ngoài ra làm tổn hại đến khả năng bảo mật của mạng lưới - một trong những ưu thế đặc trưng của tài sản kỹ thuật số này so với các công nghệ khác. Nhưng ngoài ra, cũng còn không ít những người khác đưa ra các lý lẽ để ủng hộ các thiết bị này, và bác bỏ các lo ngại trên.

    Tại sao lại có hai quan điểm mâu thuẫn nhau như vậy?

    Chỉ là một thiết bị nhưng máy đào ASIC đang chia rẽ cả cộng đồng tiền mã hóa, vì sao lại thế? - Ảnh 1.

    Những lập luận chống lại ASIC: tính tập trung và thiếu bảo mật

    Năm 2014, gần một năm trước khi Ethereum ra mắt, Vitalik Buterin đã đến thăm “một tòa nhà nhỏ khiêm tốn ở Thâm Quyến, Trung Quốc”, nơi anh tìm thấy một chồng máy đào ASIC Bitcoin đang chờ xuất xưởng trên tầng 3. Trong bài đăng trên blog của mình, Buterin kể lại chi tiết về cách anh tìm thấy chồng máy đào ASIC đang hàng ngày chiếm đến ¼ sức mạnh điện toán bổ sung vào mạng lưới Litecoin.

    Buterin kinh ngạc trước cách một nhà máy nhỏ ở Trung Quốc lại sản sinh nhiều sức mạnh điện toán đến như vậy trong mỗi ngày. Đó là sự tập trung về phần cứng trong cơ cấu. Câu hỏi dành cho Buterin là liệu tính tập trung của việc sản xuất ASIC có thực sự là điều tồi tệ cho mạng lưới tiền mã hóa hay không. Hơn hết, việc sản xuất các CPU và GPU cũng có tính tập trung cao, khi chỉ có một số ít công ty như Nvidia, AMD và Intel thống lĩnh thị trường này.

    Với các nhà khai thác bằng ASIC, hiện tại mọi thứ vẫn không quá tệ.” Buterin cho biết trong blog của mình năm 2014. “Cho dù các máy đào ASIC chỉ được sản xuất trong một số nhỏ các nhà máy, chúng vẫn được kiểm soát bằng hàng nghìn người trên thế giới. Tuy nhiên, điều đó sẽ sớm thay đổi. Trong một tháng tới, điều gì sẽ đến nếu các nhà sản xuất nhận ra rằng bán các máy đào ASIC của họ không mang lại lợi ích nhiều về kinh tế, thay vào đó, họ có thể chỉ cần giữ các thiết bị này trong nhà kho của mình và nắm toàn bộ doanh thu?

    Hiện tại, cũng như năm 2014, chỉ có một số ít các công ty đang làm những máy đào ASIC, cho dù một công ty Trung Quốc có tên Bitmain đang thiết lập vị trí lãnh đạo rõ ràng trong lĩnh vực này. Các dàn máy Antminer của Bitmain đã trở thành yếu tố cơ bản cho việc khai thác Bitcoin, nhưng công ty không chỉ làm chip để rồi bán đi – mà đúng như Buterin dự báo, họ đã giữ lại rất nhiều thiết bị để tự đào và tạo ra doanh thu. BitFury, một công ty của Mỹ, cũng đi theo mô hình kinh doanh tương tự.

    Tại thời điểm của bài viết này, hai pool đào tiền mã hóa của Bitmain chiếm khoảng 40% tổng công suất tính toán trên mạng lưới Bitcoin. Việc kiểm soát thị phần lớn như vậy mạng lưới Bitcoin cũng có nghĩa Bitmain có tác động khổng lồ đến hệ sinh thái.

    Chỉ là một thiết bị nhưng máy đào ASIC đang chia rẽ cả cộng đồng tiền mã hóa, vì sao lại thế? - Ảnh 2.

    Khi chỉ mình Bitmain đã chiếm đến 40% tổng công suất tính toán của mạng lưới Bitcoin, tính phi tập trung của đồng tiền này đã không còn ý nghĩa.

    Trong quá trình chia tách Bitcoin vào năm ngoái, Bitmain đã đóng vai trò chính trong quyết định tách Bitcoin thành hai phiên bản: Bitcoin nguyên bản và Bitcoin Cash. Ngoài ra cũng có nỗi ám ảnh về lý thuyết của “cuộc tấn công 51% mạng lưới”, khi một thợ đào có thể nắm giữ sức mạnh hash của Bitcoin như con tin và phá hoại mạng lưới chừng nào chúng còn có tác dụng.

    Phải phụ thuộc vào một công ty để đảm bảo phần cứng cho blockchain cũng gây ra các rủi ro về an ninh mạng. Ví dụ, vào tháng Tư 2017, các nhà nghiên cứu ẩn danh đã phát hiện ra một lỗ hổng lớp firmware trong các máy đào Antminer của Bitmain được gọi là Antbleed, được xem như một “công tắc tử thần” cho ASIC.

    Lỗ hổng này cho phép Bitmain, chính phủ hay bất kỳ kẻ xấu nào có thể tắt từ xa các con chip ASIC của Bitmain đang đào tiền trong mạng lưới, và làm tê liệt Bitcoin. Bitmain phủ nhận sự nguy hiểm của nó và đã phát hành bản vá lỗi cho lỗ hổng này một vài ngày trước khi nó được phát hiện.

    Việc tăng nhanh các máy đào ASIC trên một mạng lưới cũng sẽ loại bỏ dần các thợ đào sử dụng CPU và GPU, gia tăng rào cản tài chính cho người mới khi muốn gia nhập. Khi tỷ lệ của các thợ đào ít hiệu quả này trên tổng sức mạnh điện toán toàn mạng lưới giảm xuống, nó sẽ đạt đến mức khi chi phí điện năng cần thiết còn vượt quá cả thu nhập từ việc khai thác. Những thợ đào này có thể hoặc đổ tiền vào mua một dàn máy dùng ASIC và tiếp tục khai thác, hoặc chuyển sang một đồng tiền khác.

    Jimmy Song, một nhà phát triển Bitcoin chính, cho rằng anh không thấy tính tập trung của việc sản xuất ASIC là vấn đề lớn.

    Nó chỉ là vấn đề trong ngắn hạn khi Bitmain có phần lớn khả năng sản xuất của thợ đào.” Anh Song cho biết. “Trong dài hạn, sẽ có rất nhiều người chơi nhìn thấy mức lợi nhuận mà Bitmain đang kiếm được và sẽ nhảy vào để giành lấy một phần cho mình. Tôi biết có ít nhất 4 startup đang cố gắng truất ngôi của Bitmain và cũng có những đối thủ lớn hơn như Intel, Samsung và Nvidia đang dõi theo lĩnh vực này vì lợi nhuận của nó quá lớn.”

    Với sự thống trị của Bitmain với ngành khai thác tiền mã hóa và hiện tại thiếu minh bạch của các hãng lớn, Riccardo Spagni, nhà phát triển hàng đầu của Monero và nhiều người trong cộng đồng của đồng tiền này có lý do để e ngại. Nhưng không chỉ Bitmain và các lo ngại về việc độc quyền, bản thân xu hướng chuyển sang tập trung vào ASIC cũng làm cộng đồng lo lắng.

    Những lập luận ủng hộ ASIC: các lo lắng trên là không thực tế

    Đáp lại những lo ngại về việc các chip ASIC sẽ dẫn tới sự tập trung hóa, giám đốc marketing của Bitmain, Nishant Sharma cho rằng, “đây không phải là điều cần lo lắng trong thực tế.”

    Chúng tôi rất có ý thức về quan điểm này và xem xét nó một cách nghiêm túc với vị trí lãnh đạo của mình.” Sharma cho biết. “Đây là lý do tại sao (khi các mạng lưới tiền mã hóa nhỏ hơn được chú ý tới) chúng tôi đã điều chỉnh lại doanh số các dàn máy đào tiền để đảm bảo rằng không có khách hàng nào có được quá nhiều lô hàng mới.”

    Chỉ là một thiết bị nhưng máy đào ASIC đang chia rẽ cả cộng đồng tiền mã hóa, vì sao lại thế? - Ảnh 3.

    Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, ngay cả khi các thợ đào không muốn sử dụng Bitmain, vẫn có những ưu điểm khách quan về bảo mật để cho phép các máy đào ASIC chạy trên mạng lưới tiền mã hóa. Joseph Bonneau, giáo sư về khoa học máy tính tại Đại học New York, người đã trình bày nghiên cứu tại Hội nghị về Mã hóa tài chính và Bảo mật dữ liệu vào tháng Hai nhằm xác định chi phí để tấn công chiếm lĩnh một blockchain.

    Một trong những cuộc tấn công được Bonneau xem xét còn được biết đến với tên gọi “Tấn công đi thuê”, trong đó kẻ tấn công sẽ đi thuê từ một công ty dịch vụ đám mây đủ sức mạnh điện toán cho việc, ví dụ, chiếm lĩnh một mạng lưới blockchain. Như nhấn mạnh của Bonneau, loại tấn công này chỉ có thể thực hiện trên các blockchain được khai thác bằng các phần cứng như GPU.

    Đối với các blockchain có PoW do máy đào ASIC chiếm ưu thế, ví dụ Bitcoin, chiến thuật đi thuê này dường như là bất khả thi.” Bonneau viết. Ông cho rằng, lý do của điều này là vì đa số các phần cứng đều đã tính đến điều này và không có sẵn để cho thuê.

    Đối với các hệ thống PoW, phân tích của chúng tôi chỉ ra một lợi thế bảo mật rõ ràng dành cho việc đào bằng chip ASIC, khi các cuộc tấn công đi thuê là không thể và các thợ đào hiện tại có nhiều động lực hơn để chống lại việc tấn công mua chuộc.” Bonneau kết luận.

    Đối với lo ngại từ cộng đồng Monero, còn có thể có một lợi ích bảo mật đi kèm với việc thêm các chip ASIC vào mạng lưới: vô hiệu hóa các botnet khai thác Monero khổng lồ. Trong vài tháng gần đây, xu thế “cryptojacking” – khi một đoạn mã trên website sẽ bí mật sử dụng các chu kỳ CPU của bạn để khai thác Monero – đã trỗi dậy. Các thợ đào dùng ASIC sẽ biến việc làm này trở nên không còn lợi nhuận, khi họ có thể đẩy độ khó của mạng lưới lên tới mức hàng ngàn CPU đang hoạt động cũng không thể cạnh tranh lại.

    Thậm chí một số người còn cho rằng việc tập trung hóa là không thể tránh khỏi, dù có hay không ASIC. Nhà phát triển phần mềm Philip Daian cho rằng, các nền kinh tế tập trung trong lĩnh vực khai thác tiền mã hóa, ví dụ như Bitmain, đang có xu hướng trỗi dậy.

    Chỉ là một thiết bị nhưng máy đào ASIC đang chia rẽ cả cộng đồng tiền mã hóa, vì sao lại thế? - Ảnh 4.

    Nhà máy đào Bitcoin của Bitmain đặt tại Ordos, Trung Quốc, nơi có giá điện rẻ và khí hậu lạnh, một ưu thế hơn hẳn so với các nơi khác.

    Một loạt các yếu tố, bao gồm việc truy cập không đồng đều về điện giá rẻ, lao động giá rẻ, và các thỏa thuận ngầm với các cơ quan quản lý sẽ làm cho một số công ty khai thác lớn có lợi thế cạnh tranh so với những nhà vận hành khai thác nhỏ hơn, cho dù có các máy đào ASIC hay không. Theo Daian, trong dài hạn, điều này cũng sẽ dẫn tới tính tập trung về tài nguyên mà những đồng tiền chống ASIC ban đầu được thiết kế để né tránh điều đó.

    Ví dụ, không gì có thể ngăn cản một nhà khai thác bằng ASIC khỏi việc cắt bỏ thỏa thuận với một nhà sản xuất GPU để phát triển phần cứng chuyên dụng. “Chúng ta có nên cũng phản đối điều đó, khi muốn chỉ sử dụng phần cứng đã được thương mại hóa?” Daian hỏi đầy ngụ ý.

    Cuối cùng, Sharma cho rằng, các máy đào ASIC sẽ “chứng minh sự cống hiến của cộng đồng đào tiền mã hóa và cam kết cho một loại tiền tệ riêng biệt – một cơ sở để những người tham gia có thể có niềm tin vào sức mạnh của mạng lưới,” Sharma cho rằng. “Trong khi việc khai thác bằng CPU và GPU mang lại sự linh hoạt trong việc chuyển hướng tới các đồng tiền khác, những thợ đào như vậy có động lực mạnh mẽ để dịch chuyển qua lại giữa các đồng tiền nhằm có được lợi thế kinh tế lớn nhất trong ngắn hạn.”

    Tương lai cho máy đào ASIC

    Đưa các máy đào ASIC vào mạng lưới tiền mã hóa là một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc, và hậu quả của nó vẫn đang còn mãi. Sau tất cả, Bitcoin cũng mới chỉ có những máy đào ASIC đầu tiên một vài năm trước đây.

    Spagni và các nhà phát triển Monero giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề này và đang dự định về một đợt chia tách (hard fork) đối với Monero, để làm cho các chip ASIC của Bitmain không sử dụng được trên mạng lưới này. Sharman cho biết, nếu điều này xảy ra, Bitmain vẫn xuất xưởng các máy đào ASIC để được sử dụng cho các đồng tiền khác sử dụng thuật toán CryptoNight. (Chỉ có một số lượng ít các đồng tiền nhỏ sử dụng thuật toán PoW này, ví dụ Electroneum).

    Chỉ là một thiết bị nhưng máy đào ASIC đang chia rẽ cả cộng đồng tiền mã hóa, vì sao lại thế? - Ảnh 5.

    Ethereum đang đưa ra cách tiếp cận nhẹ tay hơn. Trong buổi họp giữa các nhà phát triển Ethereum vào ngày 6 tháng Tư vừa qua, một trong những mục của chương trình thảo luận là có thực hiện một cuộc hard fork để làm các máy đào ASIC Ethereum của Bitmain trở nên vô dụng hay không.

    Cho đến nay, Buterin đề nghị không hành động gì trên cơ sở cho rằng chiếc máy đào E3 chỉ hơn một chút về hiệu năng so với các GPU hàng đầu, vì vậy nó sẽ không tạo nên quá nhiều khác biệt về sức mạnh điện toán trên mạng lưới. Hơn nữa, Buterin không chắc chắn về việc những thay đổi này sẽ thực sự vô hiệu hóa các máy đào ASIC.

    Ở thời điểm này, tôi đang hướng đến việc sẽ không làm gì cả.” Buterin cho biết. “Chúng tôi không biết chắc liệu những thay đổi về giao thức có thực sự tạo nên môt sự khác biệt.”

    Các nhà phát triển Ethereum cũng nhấn mạnh trong cuộc họp này rằng, có thể sẽ đáng giá hơn khi họ dành thời gian và công sức để tập trung vào việc chuyển đổi mạng lưới từ Proof-of-Work (Bằng chứng công việc) sang Proof-of-Stake (Bằng chứng về cổ phần), sẽ có nghĩa là không còn hoạt động đào tiền nào trên mạng lưới nữa. Thay đổi này là một phần trong lộ trình phát triển của Ethereum trong nhiều năm nay, và khi nó xảy ra, nó cũng là cách hiệu quả nhất để ngăn cản các máy đào ASIC.

    Tuy nhiên, vấn đề là khung thời gian cho việc chuyển đổi sang Proof-of-Stake vẫn chưa chắc chắn, cho dù các nhà phát triển Ethereum đều thấy nó đang xảy ra trong tương lai gần.

    Theo Buterin, việc chuyển đổi này là vì. “Kịch bản tồi tệ ở đây là Bitmain kiểm soát một tỷ lệ rất lớn mạng lưới Ethereum trong một thời gian ngắn.”

    Khi điều đó xảy ra, nếu Bitmain hay bất kỳ công ty nào khác giành quyền kiểm soát phần lớn mạng lưới Ethereum và sử dụng nó cho một cuộc tấn công, các nhà phát triển Ethereum có thể dùng phần còn lại của giao thức phát triển và triển khai một thuật toán mới trong một tuần để bảo vệ mạng lưới như một biện pháp rào cản cuối cùng.

    Mặt khác, Buterin cũng chỉ ra rằng, các công ty như Bitmain có động lực để “nói giảm” đi khả năng kiểm soát của họ đối với mạng lưới, do việc kiểm soát phần lớn mạng lưới một cách quá rõ ràng sẽ khuyến khích các nhà phát triển chuyển đổi giao thức và làm phần cứng của họ trở nên vô dụng, điều rõ ràng không tốt cho công việc.

    Vì vậy, cho đến khi một cuộc tấn công thực sự diễn ra, Buterin và phần lớn các nhà phát triển Ethereum đồng tình rằng, việc không thay đổi gì là cách hành động tốt nhất.

    Mọi người đang rất kích động về ASIC, và nó giống như, “Đả đảo Bitmain, đả đảo ASIC.” Nhà phát triển Ethereum, Hudson Jameson cho biết. “Tôi không biết điều đó đến từ đâu, tôi nghĩ nó có thể một sự giao thoa từ cộng đồng Bitcoin. Nếu đây là điều mà cộng đồng này muốn và có lý do chính đáng, chúng tôi có thể làm điều đó, nhưng hiện giờ các nhà phát triển cốt lõi đều đồng thuận rằng, chúng tôi không nên làm bất cứ điều gì vào thời điểm này.”

    Tham khảo Motherboard

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ