Chỉ sau gần 2 năm, WeChat đã có trong tay hơn một triệu chương trình nhỏ, bằng 1/2 App Store của Apple
Dù chỉ là các chương trình nhỏ, nhưng đây được xem như động lực chính cho tăng trưởng người dùng và doanh thu quảng cáo cho WeChat.
Dù không mấy nổi tiếng bên ngoài Trung Quốc, nhưng sáng kiến mini program (chương trình nhỏ) của Tencent để phát triển các ứng dụng bên ngoài các cửa hàng ứng dụng đã bắt đầu thu được thành quả, sau khi nó chạm hai cột mốc quan trọng: 200 triệu người dùng tích cực hàng ngày và một triệu ứng dụng.
Trong những năm gần đây, ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent đã chuyển mình thành một vũ trụ riêng của mình với hàng loạt các ứng dụng trải dài từ việc giao đồ ăn đến chuyển tiền cho vay. Nhưng ứng dụng nhắn tin này của Trung Quốc còn muốn khóa chặt người dùng trong hệ sinh thái của mình lâu dài hơn nữa – và các chương trình nhỏ đang cho thấy sự hứa hẹn của mình.
Về cơ bản, các chương trình nhỏ này là các ứng dụng nhẹ chạy ngay bên trong WeChat. Ví dụ, khi bạn cần gọi xe taxi, thay vì phải cài đặt ứng dụng Didi Chuxing, bạn có thể gọi chương trình nhỏ của họ trên WeChat chỉ trong tích tắc.
Theo tuyên bố của nhà sáng lập và cũng là CEO của Tencent, ông Pony Ma tại Hội nghị World Internet Conference ở Wuzhen, Trung Quốc, hiện WeChat đang có hơn một triệu chương trình nhỏ này. Nghĩa là hệ sinh thái này đã có quy mô bằng ½ so với Apple App Store, vốn ghi nhận 2,1 triệu ứng dụng vào tháng Tư vừa qua.
Trong khi đó, dù mới ra mắt từ đầu 2017, đến nay mỗi ngày có đến 200 triệu người dùng sử dụng các chương trình nhỏ này trên WeChat. Một con số rất ấn tượng nếu xét trên tổng số 800 triệu người dùng internet ở Trung Quốc.
Việc xây dựng các chương trình nhỏ này cũng rẻ hơn và dễ dàng hơn khi so với một ứng dụng, do đó đây là giải pháp lý tưởng cho các startup hạn hẹp về ngân sách, các nhà phát triển game độc lập và các dịch vụ thiếu khả năng tiếp cận tới đại chúng. Không chỉ vậy, nó còn rất hữu dụng cho các công ty công nghệ lớn: các sàn thương mại điện tử như JD.com, Alibaba và hãng dịch vụ địa phương Meituan Dianping đều có chương trình nhỏ trên WeChat.
Ông Pony Ma, nhà sáng lập và là CEO của Tencent.
Tuy nhiên, những ứng dụng này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Theo hãng nghiên cứu QuestMobile, trong khi các game nhẹ được đưa lên đầu trên cả hai hệ thống ứng dụng, các ứng dụng nặng nề hơn, như JD.com, chỉ có tỷ lệ giữ chân người dùng khoảng 18,2 ngày trên WeChat. Con số này chỉ bằng 53,4% so với ứng dụng đầy đủ tính năng của JD.com.
Một phần của sự khác biệt này đến từ kích thước của chương trình nhỏ. Đúng như cái tên của mình, mỗi chương trình chỉ được phép nặng dưới 2MB. Chúng load nhanh hơn các ứng dụng – nghĩa là người dùng có xu hướng cài đặt lại chúng trong tương lai – nhưng việc phải loại bỏ bớt một số tính năng cũng có thể làm giảm trải nghiệm người dùng.
Theo QuestMobile, trong số hàng triệu chương trình nhỏ trên, game chiếm đến 28%. Tiếp sau đó là các dịch vụ trong cuộc sống hàng ngày và thương mại điện tử.
Đối với WeChat, các chương trình nhỏ này rất hứa hẹn. Theo báo cáo thu nhập quý gần đây, chúng là động lực quan trọng cho tăng trưởng người dùng tích cực hàng ngày (DAU: Daily Active User) và doanh thu quảng cáo.
Các người khổng lồ công nghệ khác cũng tìm cách tham gia vào xây dựng nền tảng mini program này, với Alibaba và Baidu, từ vài tháng nay, đều đang triển khai các phiên bản mini program của riêng mình. Nhưng Tencent, với tư cách người đi đầu, đã phát triển cộng đồng mạnh mẽ nhất.
Tham khảo Techcrunch
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4