Chiếc bật lửa giá vài nghìn đồng: Trung Quốc copy nước ngoài, biến thành Made in China, chiếm lĩnh thị trường tỷ đô toàn cầu

    An An, Nhịp sống thị trường 

    Hiện nay, các nước phát triển không thể cạnh tranh với Trung Quốc về chi phí còn các nước có giá nhân công thấp không thể cạnh tranh với Trung Quốc về công nghệ sản xuất bật lửa dùng một lần.

    Theo báo The Paper (Trung Quốc), Trung Quốc sản xuất hơn 10 tỷ chiếc bật lửa dùng một lần mỗi năm, chiếm 95% thị trường toàn cầu.

    Trong đó, vào năm 2022, Thiệu Đông, thành phố cấp huyện trực thuộc thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, đã xuất khẩu 3,52 tỷ chiếc bật lửa, chiếm 50,1% sản lượng xuất khẩu toàn quốc, đứng đầu cả nước.

    Thậm chí, doanh nghiệp sản xuất bật lửa dùng một lần lớn nhất ở địa phương này có sản lượng hàng năm là 2 tỷ chiếc, chiếm khoảng 1/6 tổng năng lực sản xuất của thế giới.

    Chiếc bật lửa giá vài nghìn đồng: Trung Quốc copy nước ngoài, biến thành Made in China, chiếm lĩnh thị trường tỷ đô toàn cầu - Ảnh 1.

    Dữ liệu liên quan cho thấy, vào năm 2022, ngành công nghiệp bật lửa Thiệu Đông đạt tổng giá trị sản lượng hơn 12 tỷ Nhân dân tệ, tương đương gần 1,75 tỷ USD.

    Trong danh sách 100 quận/huyện/thành phố công nghiệp sản xuất hàng đầu Trung Quốc năm 2022, Thiệu Đông đứng thứ 92 với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là trên 72 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 10,5 tỷ USD).

    Cũng có thể nói, ngành công nghiệp bật lửa dùng một lần đóng góp khoảng 1/7 giá trị, giúp Thiệu Đông nằm trong nhóm 100 quận/huyện sản xuất hàng đầu Trung Quốc.

    Tuy nhiên, theo The Paper, dù đã mang danh trung tâm sản xuất bật lửa toàn cầu từ 10 năm nay nhưng vị trí này trước đó vốn không thuộc về Thiệu Đông.

    Ngành công nghiệp "mô phỏng" của Trung Quốc

    Năm 1961, Nhật Bản phát minh ra bật lửa dùng một lần, loại bật lửa này nhanh chóng được ưa chuộng trên toàn thế giới bởi độ bền và độ an toàn cao.

    Năm 1973, công ty BIC của Pháp bắt đầu bán dòng bật lửa này tại Mỹ.

    Đến những năm 1980, BIC, dựa vào "lợi nhuận nhỏ nhưng doanh thu nhanh", đã chiếm được 50% thị trường Mỹ.

    Tuy là bật lửa dùng một lần nhưng một chiếc sản xuất tại Nhật Bản vào thời điểm đó có giá hơn 200 Nhân dân tệ.

    Khi các công ty bật lửa Nhật Bản nỗ lực giảm giá thành nhưng không đạt được tiến bộ đáng kể nào, người Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã nhắm vào chi tiết nhỏ này.

    Chiếc bật lửa giá vài nghìn đồng: Trung Quốc copy nước ngoài, biến thành Made in China, chiếm lĩnh thị trường tỷ đô toàn cầu - Ảnh 2.

    Bật lửa dùng một lần là sản phẩm Trung Quốc copy của Nhật Bản. Ảnh: Sina

    Phương pháp của người Ôn Châu rất đơn giản, đó là "kỹ thuật đảo ngược".

    Họ tháo rời những chiếc bật lửa mua từ nước ngoài, tìm ra chức năng của từng bộ phận, sau đó loại bỏ tất cả những bộ phận không cần thiết và thay thế tất cả những bộ phận có thể thay thế bằng vật liệu rẻ nhất.

    Bằng cách này, người Ôn Châu đã tạo ra nguyên mẫu của chiếc bật lửa dùng một lần hiện nay của Trung Quốc.

    Vào cuối những năm 1980, một số người Ôn Châu ở nước ngoài trở về Trung Quốc và phát hiện ra rằng, bật lửa sản xuất ở Ôn Châu có giá thấp hơn nhiều so với sản xuất ở nước ngoài.

    Ở nước ngoài, một chiếc bật lửa có giá 4 Nhân dân tệ thì ở Trung Quốc, giá bán buôn của một chiếc là 0,3 tệ (khoảng hơn 1.000 VNĐ, theo tỷ giá hiện nay).

    Kể từ đó, những chiếc bật lửa của Ôn Châu bắt đầu "vượt biển" nhờ lợi thế về giá.

    Từ năm 1992 đến năm 1994, lượng xuất khẩu bật lửa sản xuất tại Trung Quốc hàng năm đã tăng từ 50 triệu lên gần 300 triệu chiếc, chiếm gần như toàn bộ thị trường phân khúc thấp ở Mỹ.

    Đến năm 2001, sản lượng bật lửa hàng năm của Trung Quốc đã vượt 550 triệu chiếc và thị phần quốc tế cũng vượt 80%.

    Đặc biệt, nguyên tắc "đủ dùng là được" nhanh chóng giảm chi phí cho bật lửa dùng một lần Trung Quốc.

    Bằng cách này, Trung Quốc dần bắt đầu độc quyền sản xuất bật lửa dùng một lần trên thế giới.

    Thiệu Đông thay thế Ôn Châu

    Sau Đạo luật CR của Mỹ năm 1994 (yêu cầu tất cả bật lửa nhập khẩu có giá dưới 2 USD phải được trang bị khóa an toàn để ngăn trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng) và cuộc điều tra chống bán phá giá của EU năm 2001, một số lượng lớn các nhà máy sản xuất bật lửa ở Ôn Châu đã đóng cửa.

    Bên cạnh đó, do chi phí lao động ở các vùng ven biển ngày càng tăng cao nên ngành công nghiệp này bắt đầu chuyển dịch từ các vùng ven biển như Chiết Giang và Quảng Đông vào sâu lục địa Trung Quốc.

    Như vậy, Thiệu Đông (Hồ Nam) đã tiếp quản ngành công nghiệp bật lửa dùng một lần của Ôn Châu.

    Tuy nhiên, phương thức sản xuất bật lửa Thiệu Đông lúc bấy giờ vẫn là xưởng thủ công, chất lượng thậm chí còn "kém" hơn hàng Ôn Châu.

    Trong vài năm đầu tiên, tình trạng sản xuất bật lửa ở Thiệu Đông giống như giai đoạn đầu của Ôn Châu: Dựa vào sản xuất "thủ công" của các xưởng gia đình để cạnh tranh trên thị trường với giá thấp.

    Nhưng Thiệu Đông không muốn lặp lại sai lầm của Ôn Châu.

    Năm 2007, 13 doanh nghiệp xuất khẩu bật lửa ở Thiệu Đông đã thành lập ủy ban giám sát xuất khẩu để thống nhất giá cả, hạn ngạch, vận chuyển, bảo hiểm và đầu tư chung để tích hợp các nguồn lực phân tán, phát triển và thiết kế khuôn mẫu.

    Ngành công nghiệp bật lửa dùng một lần mở rộng nhanh chóng ở Thiệu Đông.

    Chiếc bật lửa giá vài nghìn đồng: Trung Quốc copy nước ngoài, biến thành Made in China, chiếm lĩnh thị trường tỷ đô toàn cầu - Ảnh 3.

    Sản xuất bật lửa dùng một lần của Trung Quốc đứng đầu thế giới. Ảnh: The Paper

    Đến năm 2012, sản lượng hàng năm của bật lửa Thiệu Đông đã vượt 10 tỷ chiếc và lần đầu tiên khối lượng xuất khẩu vượt qua Chiết Giang, trở thành khu vực xuất khẩu bật lửa lớn nhất Trung Quốc.

    Tuy nhiên, liệu có giống như Thiệu Đông thay thế vị trí của Ôn Châu, một địa phương khác của Trung Quốc sẽ dùng lợi thế nhân công rẻ hơn để thay thế Thiệu Đông?

    Thiệu Đông duy trì vị trí số 1

    Thiệu Đông đã từng gặp rắc rối như vậy. Vào năm 2015, một số công ty sản xuất bật lửa đã chuyển đến những địa phương có chi phí lao động thấp như Quý Châu.

    Tuy nhiên, Thiệu Đông nhanh chóng giành lại vị thế của mình.

    Thiệu Đông tìm cách giảm chi phí bật lửa dùng một lần xuống mức thấp nhất mà những người khác không thể cạnh tranh.

    Con át chủ bài đầu tiên của Thiệu Đông là liên kết toàn bộ chuỗi công nghiệp.

    Bật lửa dùng một lần tưởng chừng như không có nhiều hàm lượng kỹ thuật nhưng thực tế lại không hề đơn giản.

    Ngay cả chiếc bật lửa nhựa giá 1 Nhân dân tệ (gần 3.500 VNĐ) phổ biến nhất cũng có hơn 20 bộ phận, trải qua hơn chục quy trình gia công, cần hàng chục thiết bị tích hợp. Đằng sau một công ty bật lửa thường có hàng trăm nhà cung cấp hỗ trợ.

    Ngay cả những chi tiết nhỏ như vật liệu in ấn, đóng gói, mạ điện và phun sơn, tất cả đều có một chuỗi cung ứng dài đằng sau.

    Nếu một chiếc bật lửa điện tử nhập khẩu từ nước ngoài có giá hơn 1 Nhân dân tệ thì ở Thiệu Đông, nó chỉ có giá 5 xu (hơn 170 VNĐ).

    Con át chủ bài thứ hai của Thiệu Đông là "máy móc thay thế con người".

    Thời điểm "khủng hoảng" của ngành công nghiệp bật lửa Thiệu Đông cũng là thời điểm bận rộn nhất của họ.

    Năm 2014, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Thiệu Đông tăng lên rất nhiều, khung cảnh lúc đó là: hàng công nhân cầm nhíp cúi đầu làm việc, nhà xưởng chật kín người.

    Tuy nhiên, một nhà máy với 14.000 công nhân làm việc ngày đêm cũng chỉ sản xuất được 1 triệu chiếc bật lửa mỗi ngày và không thể đảm bảo hoàn toàn về chất lượng.

    Thông qua nghiên cứu và phát triển độc lập, Thiệu Đông đã hiện thực hóa tự động hóa 12 quy trình sản xuất.

    Người Thiệu Đông tính toán rằng, lợi nhuận của một chiếc bật lửa là 2-4 xu, nếu chiếc bật lửa được bán với giá 1 Nhân dân tệ mà không làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp thì chi phí lao động phải được kiểm soát trong vòng 7%.

    Có hai cách, hoặc chuyển đến nơi có chi phí lao động thấp hơn hoặc thực hiện nâng cấp tự động hóa.

    Đương nhiên, dời đi là miễn cưỡng, nâng cấp tự động hóa càng khó khăn hơn.

    Nhưng vào năm 2016, một công ty hàng đầu ở Thiệu Đông đã đầu tư 20 triệu Nhân dân tệ vào nghiên cứu phát triển và 20 triệu Nhân dân tệ để cập nhật thiết bị tự động hóa.

    Ngày nay, họ đã giảm chi phí nhân công trên mỗi chiếc bật lửa từ 10 xu xuống còn hơn 1 xu (gần 35 VNĐ), đồng thời giảm 80% nhân lực nhưng năng suất tăng 40%.

    Quan trọng hơn, họ đã phát minh ra thiết bị hỗ trợ tự động phi tiêu chuẩn để sản xuất bật lửa dùng 1 lần.

    Bằng cách này, Thiệu Đông đã nâng cấp ngành thâm dụng lao động "cấp thấp" thành ngành thâm dụng công nghệ  tự động hóa.

    Như vậy, các nước phát triển không thể cạnh tranh với Thiệu Đông về chi phí còn các nước có giá nhân công thấp không thể cạnh tranh với Thiệu Đông về công nghệ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ