Chiếc máy ảnh mirrorless mới nhất của Sony cho thấy những hạn chế của một nền tảng đang già cỗi
Sony a6400 là một chiếc máy ảnh tốt, nhưng hệ thống menu rắc rối đã phá hỏng cuộc vui.
Bài viết theo nhận định của Stefan Etienne, phóng viên TheVerge.
Nếu bạn cứ phải gõ CAPTCHA mỗi lần mở một ứng dụng trên điện thoại, liệu bạn có tiếp tục sử dụng ứng dụng đó? Đó chính xác là điều tôi cảm thấy khi sử dụng chiếc a6400 mới của Sony: việc phải lướt qua hàng đống trang thiết lập và menu con để thay đổi những thiết lập quan trọng khiến một chiếc máy ảnh mirrorless lẽ ra đã thuộc hàng "đỉnh" trở nên cực kỳ khó chịu đến mức vô lý khi sử dụng.
Sony a6400 là người kế nhiệm của chiếc a6300 đã 3 năm tuổi, và nó có một số tính năng giống với chiếc a6500 giá cao hơn. Có rất nhiều thứ hấp dẫn trên a6400, như chất lượng hình ảnh tuyệt vời và hệ thống lấy nét tự động lai cực nhanh, nhưng chúng đã bị chôn vùi dưới hàng tá menu hỗn độn và thiết kế công thái học kỳ quái. Mọi thứ hấp dẫn về chiếc camera này đều bị ẩn giấu dưới một lớp menu, bị lu mờ bởi nhiều thứ không cần thiết, hoặc đôi lúc chẳng hề thể hiện ra.
Những điểm đặc sắc chính của a6400 là tính năng láy nét tự động Real-time Eye AF (lấy nét theo mắt chủ thể trong thời gian thực) và Tracking (theo dõi chuyển động chủ thể), vi xử lý hình ảnh được nâng cấp, và màn hình cảm ứng lật 180 độ. Với giá 899 USD cho thân máy, 999 USD nếu kèm lens kit 16-50mm, hoặc 1299 USD nếu kèm lens zoom 18-135mm, a6400 là một chiếc máy ảnh mạnh mẽ nhưng nhỏ gọn, lý tưởng cho bất kỳ người yêu thích nhiếp ảnh hay các vlogger, nhưng thực tế lại không như Sony mong muốn.
Đã sử dụng a6400 được vài tuần, tôi phát hiện ra nó không phải là chiếc máy ảnh mirrorless nhỏ gọn mang tính đột phá mà mình luôn hi vọng, mà là một chiếc máy ảnh "ăn chắc mặc bền" với một ít tính năng tốt.
Phần lớn những cải tiến trên a6400 tập trung vào hệ thống lấy nét tự động lai mới, với nhiều điểm lấy nét hơn, tổng cộng 425 điểm lấy nét tương phản và 425 điểm lấy nét theo pha, cao hơn 169 điểm lấy nét tương phản của a6300 và a6500. Nó thậm chí còn gần ngang ngửa với những chiếc camera full-frame tốt nhất của Sony, với độ bao phủ hình ảnh 84% so với 93% trên Alpha A9.
Sony khẳng định tốc độ lấy nét của a6400 chỉ 0.02 giây, và quả thực a6400 lấy nét rất nhanh, phản ứng tức thời với cú nhấn nhẹ trên nút chụp, và lấy nét chính xác vào chủ thể trong phần lớn các trường hợp.
Tạm bỏ qua số điểm lấy nét, tính năng đáng quan tâm nhất của hệ thống lấy nét tự động mới của a6400 là Real-time Eye AF và Tracking AF. Real-time tracking trên a6400 sử dụng thuật toán và trí tuệ nhân tạo của Sony để nhận diện chủ thể và theo dõi chủ thể đó.
Tương tự, Real-time Eye AF theo dõi mắt và thân hình chủ thể bằng AI, và sẽ sớm được cập nhật để theo dõi các loài vật vào cuối năm nay. Cả hai tính năng trên đều hữu dụng trong nhiếp ảnh chân dung, khi chủ thể di chuyển chậm rãi hoặc thay đổi tư thế sang một khu vực khác trong khung hình.
Với Real-time Eye AF, bạn chỉ cần di chuyển camera theo chủ thể, đảm bảo họ nằm trong khung hình theo ý thích của bạn, thay vì phải liên tục lấy nét lại và điều chỉnh các thiết lập nếu chủ thể di chuyển khỏi vị trí ban đầu.
Nhưng trước khi làm được điều đó, bạn cần thực sự bật tính năng đó lên, vì chúng mặc định bị tắt đi. Nghe cũng không khó khăn lắm nhỉ? Để kích hoạt được các tính năng lấy nét tự động liên tục cùng hai tính năng AF kể trên, bạn chỉ cần phải lướt qua...14 trang thiết lập nhiếp ảnh tĩnh bằng các nút điều hướng cứng thôi mà? (Và còn có 14 trang khác để điều chỉnh thiết lập quay phim nữa!) Đã đến tháng 3/2019, và Sony vẫn kiên quyết không cho người dùng lướt các menu hệ thống bằng màn hình cảm ứng, vì lý do gì thì chẳng ai biết và chẳng ai hiểu được.
Nếu bạn đang tự hỏi chất lượng ảnh như thế nào, thì nó tuyệt lắm. Các máy ảnh Sony Alpha gần đây đều như vậy, không có gì thay đổi nhiều, a6400 cũng không ngoại lệ, và nó dùng cảm biến hình ảnh tương tự a6500. Màu sắc rực rõ, các vật thể và chủ thể sắc nét, ISO có thể chạy từ 100 - 32.000 và mở rộng lên 102.400 trong các khung cảnh tối. Hầu hết các ảnh chụp trông rất tuyệt, nhưng chất lượng giảm đáng kể khi ISO ở khoảng 12.800, các chi tiết bắt đầu bị bệt. Hiệu ứng này có thể giảm bớt nếu chụp RAW thay vì JPEG (RAW luôn cho phép chỉnh sửa tốt hơn) - điều này ai cũng biết vì tập tin RAW chứa nhiều dữ liệu hơn.
Dưới đây là một số hình ảnh chụp từ a6400:
Các bạn hay quay phim nên biết a6400 không phải là lựa chọn tốt nhất để quay phim, dù nó hỗ trợ S-Log 2, S-Log 3 và Hybrid Log Gamma (HLG). Máy có các chế độ quay 4K 24/30 fps và kết quả rất tuyệt, nhưng lại thiếu jack headphone - chỉ có một cổng mic mà thôi - vốn rất cần thiết nếu bạn muốn kiểm tra lại âm thanh của đoạn video vừa quay.
Ngoài ra, khe thẻ nhớ SD của a6400 chỉ hỗ trợ tốc độ tối đa UHS-I, có nghĩa là nếu bạn có thẻ SD UHS-II mới hơn, bạn chỉ có thể ghi tập tin với tốc độ của thế hệ trước!
Nếu bạn nhấn nút chụp trong chế độ chụp liên tục 11 fps, máy sẽ ghi liên tục 116 khung hình JPEG hoặc 46 khung hình RAW nén lên thẻ SD. Điều này không ảnh hưởng đến trải nghiệm chụp, nhưng so với 300 khung hình JPEG và 107 khung hình RAW của a6500 thì vẫn thua xa.
Chiếc đinh mấu chốt đóng lên cỗ quan tài dành cho khả năng quay video của a6400 là thiếu vắng tính năng ổn định hình ảnh trên thân máy. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa a6400 và a6500, và là điểm rất đáng cân nhắc khi lựa chọn giữa hai máy. Thiếu ổn định hình ảnh trên thân máy có nghĩa bạn sẽ phải lệ thuộc nhiều hơn vào lens và khả năng ổn định hình ảnh của riêng nó - may thay có khoảng hơn 30 lens Sony có tính năng này.
Một vấn đề tệ hại nữa khi quay video là việc a6400 sử dụng rolling shutter - Màn trập đọc tuần tự phơi sáng theo dòng/Màn trập lăn. Bạn cứ thử di chuyển camera từ vị trí này sang vị trí khác trong khi đang quay sẽ thấy, dù hình ảnh 4K rõ nét, nhưng chuyển động trông khung hình lại méo mó chẳng khác gì kẹo thạch.
Màn hình 921k dot trên a6400 sáng, sắc nét, và có thể xoay 180 độ để selfie, nhưng lại có nhiều thiếu sót. Bên cạnh việc không thể lướt menu bằng màn hình cảm ứng, khi bạn cố xoay màn hình đúng 180 độ, nó sẽ chạm vào eyecup của viewfinder, buộc bạn phải lấy eyecup ra - nhớ bỏ túi miếng su nhỏ này cẩn thận kẻo mất nhé!
Thiết kế bản lề cũng góp phần khiến việc sử dụng a6400 cho quay vlog trở nên khó khăn. Các bạn quay phim thường đặt một chiếc microphone hình khẩu súng lên hot shoe, nhưng nếu bạn lật màn hình lên, nó sẽ bị microphone này hoàn toàn che mất và trở nên vô dụng. Giải pháp cho vấn đề này là Sony nên chuyển sang dùng màn hình xoay với bản lề nằm ở bên hông máy - nhưng nếu làm vậy, họ sẽ phải thiết kế lại cổng mic và USB, hiện đang nằm ở cạnh trái của máy ảnh.
Ngoài ra, nếu bạn muốn dùng a6400 chủ yếu để quay phim, bạn nên thiết lập nút C1 thành nút quay video. Nút này nằm bên phải của nút chụp và vị trí này đỡ kỳ quặc hơn nhiều so với nút quay mặc định được đặt ở...chính giữa báng máy.
Thân máy nhỏ gọn chính là một trong những điều tuyệt vời khi so máy ảnh mirrorless với DSLR. Nhưng thân máy nhỏ để làm gì khi bạn gắn những chiếc lens cồng kềnh lên đó khiến trọng lượng tổng thể của máy trở nên không cân xứng, trong khi báng cầm thì lại khá nhỏ. A6400 tuyệt nhất khi dùng các lens nhỏ, như lens góc siêu rộng E 10-18mm F4 OSS, hay lens zoom nhỏ gọn Vario-Tessar T E 16-70mm F4 ZA OSS.
Nếu bạn chọn những lens nặng hơn, như lens zoom FE 2.8/16-35 GM giá 2.200 USD, bạn sẽ thấy chiếc báng cầm nhỏ của a6400 khiến việc nâng máy lên chụp rất không thoải mái. Phần lớn phần báng này bị chiếm dụng bởi các nút bấm, nên còn rất ít khoảng trống để đặt ngón tay cái, và với những người đeo găng tay thì hoàn toàn chẳng có khoảng trống nào nữa.
Trong quá trình chụp, gắn thêm một đèn flash vào hot shoe, cùng một lens zoom, sẽ khiến máy trở nên khó cầm nắm hơn nữa. Chỉ khi chuyển sang những lens nhỏ gọn như lens góc rộng CZ 24mm f/1.8, a6400 mới toả sáng. Lúc này bạn có thể nắm camera bằng một tay và cảm nhận được sức mạnh của nó.
Một điểm cộng là thân máy a6400 chống nước, ẩm và bụi - giống a6300 và a6500 - nhưng chỉ những lens full-frame lớn và đắt của Sony mới chống chịu thời tiết, nên bạn cần kiểm tra kỹ bộ lens của mình trước khi liều lĩnh mang máy ra chụp giữa trời mưa bay.
Thời lượng pin là một vấn đề nữa. A6400 sử dụng pin giống a6300, chỉ trụ được 360 shot. May cho bạn là pin bên thứ ba không đắt và được bày bán rất nhiều trên mạng.
Sony a6400 là một chiếc máy ảnh với nhiều tính năng hay ho, chất lượng hình ảnh tuyệt vời, và giá tốt so với cấu hình. Khả năng tracking thời gian thực của máy, cũng như tốc độ lấy nét là rất ấn tượng, nhưng để nói là hoàn hảo thì vẫn còn khá xa. Dù một số tính năng mới của a6400 tỏ ra đặc biệt hấp dẫn đối với một chiếc camear với kích thước và tầm giá này, những vấn đề nó gặp phải với màn hình và hệ thống menu là rào cản khiến nhiều người chùn bước.
Có vẻ như Sony đã đi đến tận cùng giới hạn với thiết kế camera này. A6400 có thiết kế nhìn chung không khác các máy NEX ra mắt gần một thập kỷ trước, và nó gặp rắc rối khi gắn các lens lớn hơn, hay khi thực hiện các loại hình quay video mới như vlog chẳng hạn.
Sony đã làm tốt việc nâng cấp công nghệ trong các máy ảnh APS-C của mình, đặc biệt là hệ thống lấy nét tự động. Nhưng có lẽ đã đến lúc họ cần tập trung vào cải thiện thân máy và giao diện người dùng. Nếu làm được, chắc chắn Sony sẽ có một chiếc máy ảnh tối thượng dành cho người yêu nhiếp ảnh và quay phim.
Tham khảo: TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"