Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung leo thang, Bắc Kinh sẽ dựa vào đâu để trỗi dậy?
VietTimes – Để kìm hãm Trung Quốc phát triển và trỗi dậy, Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh công nghệ với một loạt biện pháp kiềm chế, ngăn chặn khác nhau.
- VinFast đặt mục tiêu có lãi trong vòng 3 năm - Muốn làm một điều Volvo chưa thể đạt được trong 95 năm
- Cách một phần mềm AI đã thay đổi những trận chiến trên màn ảnh rộng một lần và mãi mãi
- Có phải trí tuệ nhân tạo đang dần cướp đi công việc của con người?
- 7 cuộc đua cực kỳ cam go bên lề cuộc cạnh tranh xe điện toàn cầu (P2)
Vào đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký “Chips and Science Act 2022” (Đạo luật Chip và Khoa học 2022, thường được gọi là “Luật Chip”); theo đó, Mỹ sẽ chi tổng cộng 280 tỉ USD để thu hút ngành sản xuất chip quay trở lại Hoa Kỳ; sau đó Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo những gã khổng lồ chip AMD và Nvidia sẽ bị cấm xuất khẩu chip GPU cao cấp sang Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của điện toán đám mây, máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, xe điện tự lái của Trung Quốc và cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của vũ khí cao cấp và công nghiệp hàng không vũ trụ.
Một số người mô tả rằng cuộc chiến tranh công nghệ của Hoa Kỳ đang lặp lại màn kịch "Kế hoạch Chiến tranh giữa các vì sao" của Tổng thống Ronald Reagan chống lại Liên Xô trong thế kỷ trước. Nó có thể làm sụp đổ nền kinh tế và chính quyền Trung Quốc, nhưng thị trường Mỹ cũng sẽ thiệt hại hàng trăm tỉ USD, và liệu nó có hiệu quả hay không vẫn chưa xác định được thời gian.
Những người có quan điểm ủng hộ Trung Quốc lại cho rằng những hành động chính trị của Mỹ vi phạm quy luật kinh tế thị trường sẽ kích thích sự nghiên cứu phát triển của chính Trung Quốc và họ sớm muộn sẽ đạt được những thành tựu đột phá như “Two Bombs, One Satellite” (tức công trình chế tạo bom nguyên tử, tên lửa liên lục địa và phóng vệ tinh của Trung Quốc trước đây do cố Thủ tướng Chu Ân Lai chủ trì). Trạm vũ trụ Tiangong (Thiên Cung) của Trung Quốc được coi là một thành tựu dưới sự kích thích như vậy. Mỹ phong tỏa chip của Trung Quốc, nhưng chính sách của Trung Quốc cũng giống như phương thức “đại luyện thép” của ông Mao Trạch Đông trước đây; nếu thành công, Mỹ sẽ hối hận không kịp.
Hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau, mỗi quan điểm có hình thái ý thức và chính trị khác nhau. Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay thực sự đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, công cuộc cải cách và mở cửa đã diễn ra suôn sẻ trong hơn 40 năm, nhưng việc trao đổi vốn, công nghệ và thị trường với phương Tây hiện đã đi vào bế tắc. Nếu Trung Quốc không thể bứt phá, công nghệ sẽ kéo nền kinh tế đi xuống, nước này có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình và sẽ không bao giờ đuổi kịp Hoa Kỳ và châu Âu.
Các biện pháp kiềm chế ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ bao gồm:
Thứ nhất, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, khoảng 600 công ty Trung Quốc đã bị đưa vào diện kiểm soát xuất khẩu và Mỹ đã gây áp lực buộc công ty Hà Lan ASML không được bán các máy in thạch bản (quang khắc) quan trọng để sản xuất chip cho Trung Quốc, triệt hạ các doanh nghiệp như Huawei, SMIC.
Thứ hai, chính quyền Joe Biden đã thúc đẩy Luật Chip, trong đó 52 tỉ USD sẽ được trợ cấp trực tiếp cho các cơ sở sản xuất, lắp ráp và đóng gói chip, các nhà sản xuất được trợ cấp không được phép đầu tư vào sản xuất chip cao hơn 28nm (nanomet) ở Trung Quốc trong vòng 10 năm.
Thứ ba, chính quyền Joe Biden đã tận dụng ưu thế công nghệ của mình để tập hợp Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc thành lập một "liên minh chip 4 bên" (“CHIP 4”), được mô tả là giống như Chuỗi đảo đầu tiên phong tỏa công nghệ, định loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Thứ tư, Mỹ cấm bán EDA, phần mềm thiết kế chip cho Trung Quốc, EDA toàn cầu nằm trong tay 3 công ty Synopsys, Cadence và Siemens, tấn công trực tiếp vào lĩnh vực tự chủ nghiên cứu và phát triển chip của Trung Quốc. Washington đã công bố lệnh cấm Nvidia và AMD xuất khẩu GPU H100 cao cấp (thiết bị xử lý trung tâm đồ họa) sang Trung Quốc. Đây là trái tim của các ứng dụng công nghệ cao, không chỉ được sử dụng trong dự báo thời tiết, thăm dò dầu khí, hàng không vũ trụ, v.v. mà còn sử dụng để nhận dạng khuôn mặt và hình ảnh, máy bay không người lái và lái xe tự động, v.v. Một khi nguồn cung bị cắt, trung tâm Bigdata đám mây và việc nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc sẽ buộc phải hạ cấp.
Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc, Trung Quốc đã thành lập một Quỹ Quốc gia lớn vào năm 2014, đầu tư ít nhất 342,8 tỉ Nhân dân tệ, và Chương trình "Made in China 2025" sẽ đầu tư 1,4 nghìn tỉ USD để phát triển chất bán dẫn. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình yêu cầu tỷ lệ tự cung tự cấp là 70%, để không còn bị “kẹt cổ” nữa. Ngoài đầu tư trực tiếp, Quỹ lớn Quốc gia còn sử dụng gần 2 nghìn tỉ Nhân dân tệ tài trợ, được gọi là "Phong trào Đại nhảy vọt về luyện chip". 142.900 công ty bán dẫn đã được thành lập ở các địa phương để được nhận trợ cấp của chính phủ.
Tuy nhiên, cơn sốt sản xuất chip của cả nước đã khiến các công ty “ba không” (không có kinh nghiệm, không có công nghệ, không có nhân tài) đổ xô đầu tư vào ngành sản xuất chip, hơn chục tỉnh, thành, khu tự trị đã xây dựng các nhà máy sản xuất chip quy mô lớn. Nhưng từ năm 2019 đến nay, các nhà máy cỡ trăm tỷ tệ như các tập đoàn Tsinghua Unigroup (Tử Quang), Wuhan Hongxin Semiconductor (Vũ Hán Hồng Tâm, HSMC), Thành Đô Cách Tâm (Chengdu Globalfoundries) đều tuyên bố thất bại, các nhà máy sản xuất chip ở nhiều nơi phần lớn đình trệ, bỏ trống và đóng cửa; hàng trăm nhân tài quản lý ngành chip của Đài Loan sau khi "lên đường" sang Trung Quốc đại lục, đã tới tấp từ chức và quay trở lại Đài Loan. Chính phủ Trung Quốc hôm 30/7 đã thông báo điều tra xử lý 5 quan chức cấp cao trong đó có Đinh Văn Vũ (Ding Wenwu), Tổng giám đốc Quỹ lớn Quốc gia, đồng thời truy tìm điều tra xử lý các công ty lừa đảo chiếm trợ cấp của nhà nước, cho thấy phong trào “Đại luyện chip” đã thất bại.
Quá trình phát triển chip bao gồm bốn quy trình chính: thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm. Nó đòi hỏi có máy in thạch bản (quang khắc) và nhiều năm tích lũy kinh nghiệm để xử lý các quy trình chính xác đến 1/100.000 (một phần trăm ngàn) đường kính của sợi tóc. SMIC gần đây đã công bố sản xuất được chip 7 nanomet, nhưng các kỹ sư của SMIC cho rằng chip sản xuất bằng DUV (Máy khắc tia cực tím sâu) trong nước có hiệu suất thấp và không có khả năng cạnh tranh; thế giới bên ngoài cho rằng Trung Quốc đang khoe khoang và phóng đại thực tế. Sau khi Huawei bị xử phạt, điện thoại di động tiên tiến của họ giảm sút mạnh cho thấy rõ điều này.
Xuất khẩu chip hàng năm toàn cầu là 320 tỉ USD, 54% trong số đó được bán cho Trung Quốc. Mỹ kìm hãm sự phát triển của chip Trung Quốc, nhưng thiệt hại của chính họ cũng lên tới hàng trăm tỉ USD, “giết được nghìn địch, mình cũng chết tám trăm”. Cổ phiếu của Nvidia và ADM giảm mạnh dẫn đến việc Phố Wall không chịu, Nhà Trắng ngay lập tức thông báo kế hoạch này sẽ hoãn lại một năm, cho phép Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn GPU và chip dự trữ; Nhà Trắng mỗi lúc một khác, giống như mở cửa sau.
Mỹ đã dụ dỗ TSMC, Samsung, ...tới Mỹ đặt nhà máy, nhưng trình độ kỹ thuật của lao động, điều kiện làm việc, kinh nghiệm và chi phí về mọi mặt đều thua kém Đài Loan và Hàn Quốc. Ông Morris Chang (Trương Trọng Mưu), người sáng lập TSMC đã công khai bày tỏ không coi trọng việc TSMC đầu tư sang Mỹ.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đã bước sang mô thức kiểu Chiến tranh Lạnh và Washington muốn buộc Bắc Kinh phải khuất phục, thậm chí muốn sử dụng nó để đánh sập nền kinh tế và chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn có biện pháp phản chế mạnh chưa được dùng đến như cấm xuất khẩu đất hiếm, dưới ngọn cờ dân tộc đang được nêu cao, giới lãnh đạo Trung Quốc càng khó có thể cúi đầu và thỏa hiệp trước Mỹ.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung có thể trở thành đường phân thủy của nền kinh tế Trung Quốc. Nếu các công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và xe điện tự lái đều bị hạn chế, thì Trung Quốc sẽ dựa vào cái gì để tiếp tục trỗi dậy? Đó sẽ là vấn đề đau đầu nhất cho Trung Quốc tới đây.
Theo Creaders.net
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời