Chính phủ các nước đang bơm hàng trăm tỷ USD vào nền kinh tế nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử
"Một cuộc khủng hoảng toàn cầu, mà có thể là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử, gần như chắc chắn sẽ xảy ra", Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (UN) Antonio Guterres cảnh báo.
Trong những tuần vừa qua, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới tung ra các gói cứu trợ cho nền kinh tế với số tiền khổng lồ. Nỗi lo sợ về một cuộc suy thoái ngày càng hiện hữu khi Covid-19 đã lây cho hơn 200.000 người và khiến hơn 9.000 nạn nhân thiệt mạng.
Tổng thư ký Antonio cho biết những phản ứng đơn lẻ, thiếu sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới hiện nay sẽ chẳng chấm dứt được đại dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp.
"Đây là thời điểm cần đến sự hợp tác, quyết đoán và những chính sách đúng đắn từ mọi nhà lãnh đạo trên thế giới. Chúng ta đang ở trong một tinh thế vô cùng hiểm nghèo và những luật chơi thông thường sẽ chẳng còn tác dụng nào nữa", Tổng thư ký Antonio cảnh báo.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (UN) Antonio Guterres
Một cuộc đại khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử?
Vào ngàỳ 15/3/2020, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã đột ngột cắt giảm lãi suất xuống 0-0,25%, đồng thời kích hoạt chương trình nới lỏng định lượng (QE), qua đó sẽ mua lại 700 tỷ USD tài sản từ thị trường nhằm cứu trợ nền kinh tế. Đây đã là lần thứ 2 FED bất ngờ thực hiện những động thái mạnh tay cứu nền kinh tế chỉ trong 2 tuần.
Xin được nhắc là những động thái trên của FED chưa từng diễn ra kể từ cuộc Đại khủng hoảng tài chính năm 2008.
Vào tháng trước, chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng đã giảm hơn 8.000 điểm. Nỗi lo sợ Covid-19 đã khiến chứng khoán Mỹ mất 30% tổng giá trị vốn hóa chỉ trong 3 tuần và chấm dứt chuỗi 11 tuần tăng trưởng liên tiếp.
Trong 6 tháng qua, chỉ số tiêu dùng CPI của Mỹ đã tăng liên tục từ 2% lên 2,5%. Với tình hình như hiện nay, lạm phát tại Mỹ có thể tiếp tục tăng trước nỗi lo sợ của người dân và cơn bão tích trữ hàng tại các siêu thị.
Mặc dù Mỹ đã tung ra các gói cứu trợ cũng như hạ lãi suất, ưu đãi thuế cho người dân nhưng chúng chỉ giúp đỡ được phần nào. Khi vẫn còn nỗi lo sợ dịch bệnh, người dân vẫn sẽ hạn chế ra đường, giao thương, tiêu dùng và nền kinh tế vẫn sẽ chịu ảnh hưởng.
Ngân hàng Bank of America (BoA) thậm chí đã thừa nhận kinh tế thế giới đã trong cơn suy thoái vì Covid-19.
Chứng khoán Mỹ đang bị tàn phá nặng nề vì Covid-19
"Chúng tôi chính thức cho rằng nền kinh tế Mỹ đã rơi vào một cuộc suy thoái cùng với phần còn lại của thế giới, và đây là một đợt suy thoái rất nặng nề. Việc làm sẽ bị mất, tài sản sẽ bị phá hủy và niềm tin sẽ phai tàn", Chuyên gia kinh tế Michelle Meyer của Bank of America ngậm ngùi nói.
Theo đó, BoA dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm trong quý II với mức âm 12%, tăng trưởng GDP cả năm sẽ ở mức âm 0,8%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng gần gấp đôi và có thể vọt lên đến 20% với bình quân 1 triệu lao động mất việc hàng tháng trong quý II/2020.
Tương tự ở bên kia Thái Bình Dương, nền kinh tế thứ 2 thế giới là Trung Quốc cũng được dự đoán sẽ giảm 10-20% trong tháng 1-2/2020 so với cùng kỳ năm trước.
Tờ Economist dự đoán với đà lây lan như hiện nay, khoảng 2,2 triệu người Mỹ và 500.000 người Anh sẽ thiệt mạng vì Covid-19 cho đến cuối mùa hè.
Bơm hàng trăm tỷ USD chống suy thoái
Theo ước tính, hàng loạt các nền kinh tế như Anh, Đức, Mỹ, Pháp cho đến Italy đã tung tổng cộng 7,4 nghìn tỷ USD tiền cứu trợ, tương đương 23% tổng GDP để cứu vãn tình thế. Tuy nhiên phần lớn số tiền này là từ các ngân hàng trung ương trong khi chính phủ vẫn chưa có nhiều biện pháp tích cực để đối phó với một cuộc đại suy thoái.
Để đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã quyết định mua lại 750 tỷ Euro tài sản từ thị trường nhưng từng đấy là chẳng đủ khi những nền kinh tế như Italy sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng rất lớn từ Covid-19.
Hàng loạt nước Phương Tây bơm cả nghìn tỷ USD để chống suy thoái
Theo tờ Economist, hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp sẽ phá sản sau Covid-19 khiến hàng triệu người lao động mất việc làm, qua đó đẩy nền kinh tế vào một vòng luẩn quẩn khi người tiêu dùng không có tiền mua sản phẩm, doanh nghiệp không bán được hàng và lại sa thải tiếp nhân công. Mặc dù chính phủ sẽ can thiệp cứu trợ nhưng chúng chẳng giải quyết được tình hình khi nỗi lo sợ dịch bệnh của người dân không dễ dàng chấm dứt.
Nước Pháp cho rằng các công ty của họ sẽ chống chọi và sống sót qua khủng hoảng, trong khi Mỹ bơm thêm tiền vào nền kinh tế nhưng chúng lại chỉ nhắm đến những tập đoàn lớn, còn các công ty nhỏ mới là nhóm thuê nhiều lao động nhất.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang xem xét đề xuất gói cứu trợ hơn 1.000 tỷ USD, trong đó khoảng 250 tỷ USD tiền mặt sẽ được trao trực tiếp cho người dân.
Cả Đức và Anh đều cung cấp các khoản vay ưu đãi nhưng hiện vẫn chưa rõ các khoản vay này sẽ giúp ích cho nền kinh tế như thế nào. Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak cho biết chính quyền sẽ chi 330 tỷ Bảng, tương đương 398 tỷ USD để cứu nền kinh tế. Trong khi đó chính phủ Australia công bố gói cứu trợ 17,6 tỷ Dollar Australia (AUD), tương đương 10,4 tỷ USD.
Trong khi Đức cam kết chi 550 tỷ Euro, tương đương 608 tỷ USD thì Italy cũng phê duyệt gói kích thích 25 tỷ Euro, tương đương 28 tỷ USD cho nền kinh tế. Tại Pháp, gói cứu trợ 45 tỷ Euro, tương đương 49,92 tỷ USD cũng đã được thông qua.
Nhật Bản cũng công bố hỗ trợ 4 tỷ USD cho nền kinh tế và thậm chí có nguồn tin cho rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang xem xét phát 12.000 Yên, tương đương 111 USD, cho mỗi hộ gia đình để kích cầu.
Hiện một số nghị sĩ Nhật đang đề nghị chính phủ xem xét gói giảm thuế 280 tỷ USD để cứu giúp nền kinh tế tránh khỏi cuộc suy thoái vì Covid-19.
Tại Hong Kong, mỗi cư dân trên 18 tuổi sẽ được nhận hơn 1.200 USD còn tại Singapore, chính phủ đã tung gói cứu trợ 4 tỷ SNG, tương đương 2,76 tỷ USD để cứu nền kinh tế từ tháng 2/2020. Sắp tới, Singapore sẽ tung gói cứu trợ thứ 2 dự kiến vào khoảng 7-10 tỷ SNG, tương đương 4,82-6,89 tỷ USD.
Ở Hàn Quốc, gói kích thích 9,59 tỷ USD đã bắt đầu triển khai từ tháng 3/2020 còn tại Thái Lan, chính phủ đã công bố gói cứu trợ trị giá 12,7 tỷ USD.
Đối với Việt Nam, chính phủ cũng đã tung ra một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ VND lãi suất thấp và một gói hỗ trợ từ tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỷ VND.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời