Những con chip ARM của Apple liệu có đủ mạnh mẽ để thay thế cho chip xử lý của Intel hay AMD không?
Trong nhiều năm, Apple vẫn luôn tự tin khẳng định rằng những con chip dựa trên kiến trúc ARM của mình có thể sánh ngang với những con chip xử lý của máy tính. Vào năm 2018, Apple tuyên bố rằng iPad Pro mới mạnh hơn 92% máy tính xách tay hiện có trên thị trường. Hiển nhiên, Apple sẽ muốn đưa những con chip “mạnh mẽ” này lên những chiếc máy tính Mac của mình.
Trong sự kiện WWDC 2020 vừa diễn ra, Apple đã chính thức tuyên bố sẽ chuyển qua sử dụng những con chip ARM tự sản xuất trên máy Mac, không còn dùng chip xử lý của Intel nữa.
Apple tự sản xuất những con chip ARM cho máy Mac.
Tuy nhiên, những con chip ARM của Apple liệu có đủ mạnh mẽ để thay thế cho chip xử lý của Intel hay AMD không? Đó vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, bởi Apple vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông số kỹ thuật, điểm số benchmark hay thử nghiệm so sánh nào.
Thay vào đó, Apple tiết lộ những bản demo được dựng sẵn, phần nào hứa hẹn rằng những con chip ARM trong tương lai sẽ rất ấn tượng.
Sử dụng con chip A12Z Bionic được trang bị trong chiếc iPad Pro thế hệ đầu tiên, Apple đã cho thấy rằng một con chip ARM thế hệ cũ cũng có thể xử lý được tốt các ứng dụng đòi hỏi hiệu suất cao trên Mac.
Khả năng xử lý tốt các phần mềm đồ họa 3D, dựng phim, thiết kế chuyển động như Maya.
Trong bản demo này gồm có các ứng dụng:
- Các phiên bản Microsoft Office, Adobe Photoshop và Lightroom được thiết kế để chạy trên nền tảng ARM.
- Final Cut Pro với 3 luồng video 4K cùng lúc.
- Cinema 4D với thử nghiệm xoay quanh các mặt phẳng của một phiến đá giả lập.
- Autodesk Maya với một khung hình chuyển động bao gồm 6 triệu đa giác, có họa tiết bề mặt và đổ bóng.
- Hai tựa game Shadow of the Tomb Raider và Dirt: Rally, tuy nhiên thiết lập đồ họa ở mức thấp.
Tựa game TDirt: Rally ở mức thiết lập đồ họa thấp.
Apple đã sử dụng một phần mềm chuyển đổi có tên là Rosetta 2, để có thể tự động dịch một số phần mềm hỗ trợ nền tảng Intel sang nền tảng ARM. Đó là cách mà ứng dụng Autodesk Maya hay các tựa game Shadow of the Tomb Raider và Dirt: Rally có thể chạy được trên nền tảng ARM, vốn chưa thể hỗ trợ.
Apple muốn chứng minh rằng với con chip ARM thế hệ cũ của mình cũng có thể xử lý được các ứng dụng Mac đòi hỏi hiệu suất cao, thì những con chip ARM trong tương lai sẽ còn ấn tượng hơn nữa.
“Chip ARM sẽ giúp máy Mac dẫn đầu chỉ số hiệu năng/watt trong ngành công nghiệp máy tính”
Đó chính xác là những gì Apple đã nói trong thông cáo báo chí mới nhất. Vậy câu nói đó có ý nghĩa là gì? Liệu có phải những con chip ARM của Apple sẽ dẫn đầu về hiệu năng, sức mạnh và tốc độ? Chưa chắc đã là như vậy.
Apple lập luận rằng bằng cách tạo ra những con chip hiệu quả nhất có thể, nghĩa là có hiệu suất cao với mức tiêu thụ năng lượng thấp, thì việc tạo ra những con chip có hiệu năng cao là việc rất đơn giản. Bạn chỉ cần tăng điện năng tiêu thụ, thì tương ứng với hiệu năng sẽ được tăng lên.
Sơ đồ cho thấy chip ARM của Apple sẽ có hiệu năng trên mức tiêu thụ năng lượng rất ấn tượng.
Nói cách khác, nếu một con chip xử lý của iPhone được thiết kế với kích thước tương đương chip xử lý trong MacBook Pro, với bộ tản nhiệt tương đương và pin có kích thước tương đương MacBook. Về lý thuyết, con chip này sẽ có hiệu năng ấn tượng hơn cả con chip của MacBook Pro.
Tuy nhiên mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Có thể các bạn còn nhớ dòng chip Core M/Y series của Intel, được trang bị trong những chiếc MacBook mỏng nhất. Intel cũng nói đến tính hiệu quả của những con chip này, khi có chỉ số hiệu năng/watt ấn tượng. Nhưng thực tế là những con chip này chậm hơn và luôn bị đánh giá thấp hơn những con chip xử lý khác của Intel.
Do đó, những con chip ARM trong tương lai của Apple có thể sẽ không phải là những con quái vật hiệu năng. Mà những con chip này sẽ ở mức đủ dùng, với khả năng xử lý các tác vụ ở mức ổn định, đồng thời tiết kiệm điện năng. Nhờ đó mà mang lại một chỉ số hiệu năng/watt ấn tượng, như cách mà Apple đã nói.
Chip đồ họa GPU tích hợp sẽ mạnh hơn của Intel, nhưng chưa thể so sánh với chip đồ họa chuyên dụng Nvidia hay AMD.
Một điều nữa mà rất nhiều người dùng quan tâm, đó là khả năng xử lý đồ họa của GPU tích hợp bên trong những con chip ARM này. Apple nói rằng kiến trúc ARM sẽ mang đến những con chip đồ họa GPU với hiệu năng cao hơn, trong cả chơi game và các ứng dụng đồ họa. Điều đó không có nghĩa là những con chip ARM này có thể so sánh với chip đồ họa chuyên dụng của Nvidia hay AMD, nhưng nó hoàn toàn có thể là sự khác biệt lớn so với chip đồ họa tích hợp của Intel trong những chiếc MacBook Air.
Với tất cả những thông tin đó, khi mà chúng ta không có bất kỳ thông số, điểm benchmark hay so sánh nào, thì có thể tạm kết luận rằng chip ARM do Apple sản xuất để trang bị trên những chiếc máy Mac sẽ không có hiệu năng quá mạnh mẽ như những dòng chip cao cấp của Intel hay AMD. Nhưng những con chip ARM này sẽ vẫn đủ mạnh để bạn có thể làm mọi thứ trên một chiếc máy tính, trừ việc chơi game với cấu hình đồ họa cao.
Chip đồ họa GPU tích hợp cũng sẽ mạnh hơn so với của Intel. Bên cạnh đó, con chip ARM cho máy Mac có thể làm được nhiều thứ thú vị hơn, ví dụ như chạy các ứng dụng iOS gốc, kết nối 5G hay dễ dàng xuất hình ảnh ra iPad hơn.
Tham khảo: Theverge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming