Chuyển Mac sang ARM là cái vỗ mặt đầy thách thức của Apple dành cho cả Microsoft lẫn các đối thủ Android

    CL,  

    Vẫn còn là quá sớm để khẳng định rằng Apple sẽ thành công khi thay thế chip Intel bằng chip ARM tự thiết kế trên máy Mac. Nhưng ngay cả sự tồn tại của những mẫu Mac chạy A12Z đã đem lại những lợi ích to lớn cho nhà Táo trên mặt trận quan trọng nhất: chinh phục tâm trí và trái tim của người dùng.

    Chỉ vài tiếng nữa thôi, Apple sẽ thực hiện một trong những bước chuyển quan trọng nhất trong lịch sử Mac: những chiếc Mac mới sẽ hỗ trợ cả chip ARM bên cạnh chip Intel x86. Với bước tiến này, iFan có quyền chờ đợi những chiếc máy Mac mỏng hơn, nhẹ hơn và hỗ trợ kết nối di động (4G/5G) dễ dàng hơn trước. Thậm chí, việc sử dụng chip ARM cũng có thể mở ra tương lai về những chiếc Mac có giá thành rẻ hơn trước.

    Nhưng ARM cho máy Mac sẽ không chỉ mang lại những lợi ích thực tế. Trên khía cạnh truyền thông, cú chuyển này của Apple chẳng khác gì một lời thách thức đầy kiêu hãnh gửi tới cả Microsoft lẫn nhà Android.

    Cười vào thất bại của Microsoft

    Chuyển Mac sang ARM là cái vỗ mặt đầy thách thức của Apple dành cho cả Microsoft lẫn các đối thủ Android - Ảnh 1.

    Dù rất cố gắng, Microsoft vẫn không thể giúp cho Windows có thể chạy tốt trên ARM.

    Apple không phải là kẻ đầu tiên nỗ lực mang hệ điều hành desktop của mình lên kiến trúc ARM. Năm 2012, sau khi bỏ lỡ cả 2 cuộc cách mạng smartphone và tablet, Microsoft đã bộc lộ rõ ràng tham vọng mở rộng Windows khi vén màn Windows RT, một phiên bản có giao diện giống hệt Windows 8 nhưng lại chỉ hỗ trợ chip ARM. Năm 2018, với lớp giả lập x86 chạy trên nền chip Snapdragon 8cx phối hợp phát triển với Qualcomm, Microsoft hồi sinh tham vọng đưa Windows 10 lên ARM. Sang 2019, tự tay Microsoft ra mắt một cỗ máy chạy Windows 10 trên nền ARM với Surface Pro X, sử dụng con chip SQ1 vẫn do Microsoft và Qualcomm phối hợp phát triển.

    Tất cả những nỗ lực này đều thất bại thảm hại. Windows RT bị coi là một vết đen đáng quên trong lịch sử Microsoft khi mang lớp vỏ giống như Windows 8 nhưng lại không thể chạy được các ứng dụng x86 truyền thống. Những chiếc tablet Windows chạy Snapdragon 8cx cũng thường xuyên nhận chỉ trích vì tương thích kém so với ứng dụng Windows "thường", cho thấy chiến lược "giả lập" của Microsoft vẫn chưa thể và Surface Pro X sau này cũng nhận vô số lời chỉ trích vì trải nghiệm quá tệ so với chính các mẫu Surface Pro có giá rẻ hơn.

    Chuyển Mac sang ARM là cái vỗ mặt đầy thách thức của Apple dành cho cả Microsoft lẫn các đối thủ Android - Ảnh 2.

    Màn demo siêu ấn tượng cho thấy MacOS không bị "trói" vào một kiến trúc vi xử lý nào cả.

    Chưa đầy 1 năm tuổi đời, Surface Pro X đã bị giảm 1/4 giá bán. Sự xuất hiện của những chiếc Mac chạy ARM sẽ cho thấy Apple có thể làm tốt những điều Microsoft không thể làm nổi. Ngay từ thời kỳ "trứng nước", Mac OS X đã được phát triển với vai trò là một hệ điều hành "không phụ thuộc vào kiến trúc vi xử lý" - theo lời Steve Jobs xưa kia.

    Trong buổi lễ ra mắt Mac chạy ARM, Apple không quên xoáy sâu vào tính tương thích của macOS dành cho kiến trúc mới. Từ những ứng dụng mà nhà phát triển chỉ mất "vài ngày" để biên dịch lại cho đến khả năng tương thích chéo trên 2 nền tảng chip, từ ứng dụng giả lập có thể chạy được game AAA cho đến màn demo hiệu năng ấn tượng cùng Adobe Photoshop và... Microsoft Office, Apple chứng minh một sự thật rõ ràng: không như Windows, macOS không bị "trói" vào một kiến trúc chip nào cả.

    Chứng minh vị thế áp đảo về hiệu năng

    Chuyển Mac sang ARM là cái vỗ mặt đầy thách thức của Apple dành cho cả Microsoft lẫn các đối thủ Android - Ảnh 3.

    Hiệu năng thừa đủ để thay thế Intel cho thấy năng lực thiết kế chip vượt trội của Apple.

    Khi công bố kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng cho quý 1/2020, CEO Tim Cook đã tái khẳng định một sự thật có thể khiến người dùng Android chạnh lòng: "iPhone SE nhanh hơn tất cả những chiếc Android nhanh nhất hiện nay". Quả thật, với mối quan hệ đặc biệt thân cận với ARM và đội ngũ thiết kế chip riêng có trình độ bậc nhất hiện nay, Apple đã luôn tạo ra những con chip có thể dễ dàng đè bẹp Snapdragon hay Exynos về mặt hiệu năng nhân đơn - yếu tố quan trọng nhất với trải nghiệm người dùng. Năm 2013, chip A11 trên iPhone X thậm chí còn vượt mặt hiệu năng chip Intel Core trên MacBook Air và MacBook Pro cùng năm.

    Tại WWDC ngày hôm qua, Apple đã không quên nhắc đến khởi điểm của những con chip mạnh mẽ sắp được đưa lên máy Mac: iPhone. Những chiếc điện thoại mác Táo được nhắc đến đầu tiên khi nói về mục tiêu tối đa hiệu năng/điện năng tiêu thụ của Apple. Màn trình diễn của những chiếc Mac dùng chip ARM sau đó đã chứng minh năng lực thượng thừa của "Apple Silicon": giả lập hệ điều hành Linux Debian, giả lập game Shadow of the Tomb Raider, chạy song song nhiều ứng dụng, xử lý các file Photoshop nặng ký... 

    Chuyển Mac sang ARM là cái vỗ mặt đầy thách thức của Apple dành cho cả Microsoft lẫn các đối thủ Android - Ảnh 4.

    Không phải vô tình mà Apple lại nhắc đến iPhone đầu tiên khi "khoe" năng lực thiết kế chip bậc nhất của mình.

    Rõ ràng, chip của Apple thiết kế đủ mạnh để thay thế chip desktop trên chính những cỗ máy được người dùng "Pro" (coder, designer, producer…) ưa chuộng. Một câu hỏi hiển hiện được Apple ngầm gửi tới người dùng Android: nếu chip Apple có thể đánh bại chip Intel, liệu Qualcomm, Samsung hay Huawei có đủ sức sánh vai với nhà Táo?

    Với sự xuất hiện của iPhone 11 vào năm ngoái, Apple đã chuyển hướng sang nhấn mạnh vào các nhu cầu cao cấp, trong đó có hiệu năng. Sau khi vén màn chip ARM cho máy Mac, Apple rất có thể sẽ thực hiện một bước tiến lớn cho chip A14 trên iPhone 12 năm nay, ví dụ như dịch chuyển chu trình sản xuất lên 5nm. Các nhà sản xuất Android, vốn rất thích đem iPhone ra so sánh, vì thế cũng sẽ phải im bặt khi nhắc đến yếu tố quan trọng nhất trên trải nghiệm. Khác với Apple, vẫn chưa có nhà sản xuất smartphone Android nào có đủ tầm để tự tạo ra chip có đủ tầm thay thế chip Intel trên PC cả.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ