Chớ dại tự sửa phím Home trên iPhone 7 nếu bạn không muốn nó bị biến thành cục gạch đắt tiền

    Tuấn Lê,  

    Đưa iPhone 7 đi sửa phím Home ở các cửa hàng điện thoại cũng không tránh khỏi tình trạng "brick" máy.

    Bạn là người đang sử dụng iPhone? Nếu chúng có trục trặc gì liên quan đến phần cứng, bạn sẽ đem đi đâu để sửa chữa? Đối với một số người, thay vì đưa hẳn vào trung tâm bảo hành chính hãng Apple, họ sẽ đưa dế yêu của mình ra các cửa hàng sửa chữa bên ngoài để đỡ tốn chi phí hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào lựa chọn này cũng là tối ưu, nhất là khi trường hợp phím Home trên chiếc iPhone 7 của bạn bị hỏng.

    Đối với trường hợp phím Home trên iPhone 7 hỏng, Apple có lẽ như đang có một động thái khiến các cửa hàng sửa chữa bên ngoài không thể can thiệp vào được. Trang Motherboard mới đây vừa cho hay iPhone 7 có một phần mềm ngăn mở khoá điện thoại nếu mạch điều khiển phím Home bị hư hỏng hoặc làm giả.

    Việc đưa phần mềm này vào làm dấy lên câu hỏi liệu Apple có đang kiểm soát quá mức sản phẩm của họ và độc quyền sửa chữa? Hay nghĩ theo một hướng khác, khi sở hữu một chiếc iPhone, chúng ta thực sự toàn quyền sở hữu được những phần nào của máy khi vô tình một ngày nó trở thành cục gạch chỉ vì cố gắng sửa chữa?

    Được biết, phần mềm này có nhiệm vụ chặn bất kì phím Home nào từ bên thứ ba hoặc thậm chí cả tính năng cơ bản như bấm phím Home để quay về trang chính cũng bị vô hiệu hoá. Chỉ có những phím Home gốc mới có thể hoạt động được đúng chức năng của nó, hoặc trừ khi linh kiện thay thế này đã được Apple chứng nhận.

    Michael Oberdick, người sở hữu cửa hàng sửa chữa điện thoại iOutlet đã từng quay video ví dụ về việc phần mềm ngăn chặn này của Apple trên YouTube. Ông cũng chia sẻ với trang Motherboard rằng biện pháp này khiến các cửa hàng chưa có giấy phép sẽ gặp khó khăn trong việc sửa chữa, thậm chí dù là sửa màn hình bị vỡ, vì bất kì hư hỏng nào tác động lên phím Home cũng có thể khiến điện thoại trở thành cục gạch.

    Đây không phải lần đầu Apple áp dụng biện pháp khắc chế này. Năm ngoái đã từng có một số người dùng iPhone 6 và 6 Plus sau khi thay nút Home mới từ cửa hàng điện thoại đã ngậm trái đắng khi máy bị vô hiệu hoá bởi lỗi Error 53. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Apple đã thừa nhận lỗi và xử lý, nhưng trường hợp này vẫn tiếp tục xảy ra. Uỷ ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Úc (ACCC) mới đây đã đâm đơn kiện Táo Khuyết lên Toà án liên bang vì "phát ngôn sai sự thật, gây hiểu lầm và lừa đảo về quyền lợi người tiêu dùng" sau sự cố khoá máy.

    Các bên ủng hộ người tiêu dùng đều đang kêu gọi Apple và một số hãng khác cho phép những cửa hàng sửa chữa độc lập quyền truy cập nhiều hơn vào sản phẩm của họ, thậm chí một số bang đã bắt đầu cân nhắc về việc đưa ra luật nhằm có những biện pháp yêu cầu rõ ràng hơn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang gặp phải 2 thái cực khác nhau và đến giờ vẫn chưa ngã ngũ: một bên cho rằng việc nới lỏng sẽ giúp các cửa hàng dễ dàng sửa chữa, tăng tuổi thọ điện thoại hơn, giảm lượng rác thải điện tử; nhưng bên còn lại cho rằng càng nới lỏng sẽ càng mất an toàn và dễ cháy nổ khi tự sửa chữa tại nhà.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ