Chọn một bộ Gaming Gear “đa nhiệm” từ Cooler Master: Thiết bị nào phù hợp? (phần II)

    Minh Dũng, Minh Dũng 

    Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập tới Gaming Keyboard và Gaming Heatset, hai thiết bị còn lại trong công cuộc chọn thiết bị chơi game dành cho game thủ “nghiệp dư”.

    Trong bài viết trước về vấn đề chọn các thiết bị chơi game “đa nhiệm” từ Cooler Master, tôi đã đề cập tới độc giả hai sản phẩm quan trọng nhất cấu thành nên một bộ Gaming Gear: Chuột CM Storm Xornet và Mousepad CM Storm CS-S Battle pad H2. Ngay bây giờ là Gaming Keyboard và Gaming Heatset, hai thiết bị còn lại trong công cuộc chọn thiết bị chơi game dành cho game thủ “nghiệp dư”.
     
    Bàn phím cơ CM Storm Quick Fire Rapid (Black switch)
     
    Năm ngoái, Cooler Master ra mắt bàn phím cơ Quick Fire Rapid sử dụng switch Cherry MX với ba sự lựa chọn: Black switch, Brown switch và Red switch. Hẳn người dùng đã quá quen với bàn phím cơ nhờ thương hiệu nổi tiếng Filco hay các sản phẩm như SteelSeries 7G hay Razer Blackwidow. Tuy nhiên không quá đắt tiền như các sản phẩm của Filco hay SteelSeries (thường có mức giá trên dưới 3 triệu đồng), Quick Fire Rapid đáp ứng đầy đủ sự hấp dẫn của một chiếc bàn phím cơ nhưng chi phí bạn phải bỏ ra chỉ khoảng 1.790.000 đồng.
     
     
     
    Cooler Master CM Storm Quick Fire Rapid có kích thước 355 x 135 x 35 mm và nặng 940 gram. Do đã được lược bớt toàn bộ phần phím số bên tay phải nên số đo và cân nặng của Quick Fire Rapid được xếp vào hàng “nhẹ cân” so với những chiếc bàn phím cơ khác trên thị trường (Filco Majestouch 2 nặng tới 1,19 kg).
     
     
    Không trang trí họa tiết hay màu mè với nhiều đèn đóm như các sản phẩm của Razer, CM Storm Quick Fire Rapid chỉ có 3 đèn LED màu đỏ tích hợp vào phím Scroll Lock, F9 và Caps Lock. Ngoài cụm phím W, A, S, D nổi bật nhất với tông màu đỏ thì nút Windows cũng được đổi thành biểu tượng của Cooler Master.
     
    Bàn phím chỉ có 3 đèn LED tích hợp vào các phím.
     
    Cụm phím WASD với tông màu đỏ nổi bật.
     
     
    Sản phẩm đi kèm một bộ keycap riêng gồm bốn nút W, A, S, D cơ bản và hai phím Windows in hình logo CM Storm. Ở chế độ chơi game, người dùng có thể điều chỉnh để vô hiệu hóa phím Windows, tránh việc ấn nhầm khiến trò chơi bị gián đoạn. Ngoài ra, bàn phím còn tích hợp nút Fn (function) để sử dụng dải phím multimedia từ F5 đến F12 cho các tác vụ khác như nghe nhạc, tăng giảm âm lượng…
     
    Sản phẩm đi kèm một bộ keycap riêng.
     
    Dải phím multimedia.
     
    Chỉ số Polling Rates của CM Storm Quick Fire Rapid ngang ngửa với chuột CM Storm Xornet với 1000Hz. Thực ra, thông số này người dùng không cần quan tâm lắm bởi 1000Hz tương ứng với trong một giây có 1000 lần bàn phím gửi thông tin về máy tính – thừa đủ cho mọi thao tác.
     
    Bàn phím sẽ kết nối với máy tính thông qua cổng USB nhờ dây nối chống cắt rất cứng cáp. Tuy nhiên bạn đừng lo lắng khi chỉ gõ được tối đa sáu phím cùng một lúc nếu dùng cổng USB: CM Storm Quick Fire Rapid đã tặng kèm game thủ một giắc chuyển giúp bàn phím kết nối qua cổng PS2, cho phép  kích hoạt tính năng NKRO ( N-key Rollover, không giới hạn số phím bấm cùng một lúc). Quick Fire Rapid cũng khá gọn gàng khi mặt dưới của bàn phím đã vạch sẵn ba đường chạy dành cho cáp kết nối, bạn có thể để dây nối đi ra từ chính giữa phía trên, hay ở cả hai cạnh đều được.
     
    Giắc cắm được mạ vàng.
     
    CM Storm Quick Fire Rapid đi kèm giắc chuyển giúp bàn phím kết nối qua cổng PS2.



    Bạn có thể kê cao bàn phím lên bằng cách gạt nấc này ra.
     
    Như tôi đã đề cập ở trên, CM Storm Quick Fire Rapid có ba sự lựa chọn: Black switch, Brown switch và Red switch. Tuy nhiên tôi đã quyết định chọn Black switch bởi loại switch này có đặc tính kĩ thuật là non-tactile và non-clicky. Bởi lẽ hai đặc tính tactile (khi nhấn phím sẽ có cảm giác vượt qua một nấc) và clicky (khi nhấn phím sẽ phát ra tiếng click) đều khiến hoạt động soạn thảo trở nên vô cùng “ồn ào” bởi tiếng lạch cạch phát ra liên tục. Do thường xuyên phải làm việc vào ban đêm,  tôi đã quyết định chọn Black switch để hạn chế phần nào nhược điểm này của những chiếc bàn phím cơ.
     
    Tháo gỡ phím bằng dụng cụ đi kèm.
     
    Black switch.
     
    Hơn nữa, Black switch cũng là loại switch cho lực bấm nặng nhất, phù hợp với những người ưa thích cảm giác gõ phím đầm tay như tôi. Red switch cũng có đặc tính non-tactile và non-clicky, nhưng lực nhấn chỉ khoảng 45gram, rất dễ gây bấm nhầm và bị “double” một phím nào đó.
     
    Việc không trang bị cụm phím số phía bên tay phải có thể là một thiếu sót cực kì to lớn cho dòng game MOBA (chẳng hạn: DotA) nhưng rõ ràng Cooler Master đã thiết kế CM Storm Quick Fire Rapid nhắm tới những game thủ nghiệp dư, ưa sự nhỏ gọn và nhẹ nhàng. Nếu có nhiều thời gian và muốn trải nghiệm tất cả các dòng game một cách trọn vẹn, bạn có thể để ý tới chiếc CM Storm Quick Fire Pro hoặc CM Storm Trigger với bàn phím đầy đủ và nhiều tính năng hấp dẫn hơn.
     
    Tai nghe CM Storm Sirus
     
    Là một trong tổng cộng…hai chiếc Gaming Headset của dòng CM Storm, chiếc CM Storm Sirus rất xứng đáng được lọt vào danh sách lựa chọn đồ Gaming Gear của tôi. Được tích hợp âm thanh 5.1 với bốn loa mỗi bên tai nghe, CM Storm Sirus hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nghe nhạc.
     
     
     
    “Hầm hố” là điều có thể mô tả được sau cái nhìn đầu tiên về sản phẩm này. Nói không ngoa khi chiếc Gaming Headset đầu tiên của Cooler Master lại được giới game thủ cũng như dân IT đánh giá khá cao nhờ tính “đa nhiệm” của mình. Về vẻ bề ngoài, CM Storm Sirus có kích cỡ khá lớn, đủ để bao trùm toàn bộ tai của người dùng, tuy vậy bạn vẫn có thể thoải mái điều chỉnh nhờ các khớp đổi hướng và tăng/giảm độ ôm tai của thiết bị.
     
     
    Khớp nối linh hoạt.
     
     
    Bộ phụ kiện đầy đủ của CM Storm Sirus gồm có một HeadAmp khá đẹp đi kèm, bộ cáp tín hiệu và hai cặp ear pad cho sự lựa chọn đa dạng giữa đệm da và đệm vải thông thoáng. Mixer đi kèm có tới hai cổng kết nối USB, tuy rằng chỉ cầm cắm một cổng là thiết bị đã có thể hoạt động được, nhưng người dùng nên kết nối cả hai để cung cấp đầy đủ điện năng cho thiết bị hoạt động.
     
    Mixer có tới hai cổng USB. Để tai nghe hoạt động tốt, bạn hãy kết nối cả hai cổng này vào máy tính.
     
    Bộ cáp tín hiệu.
     
    CM Storm Sirus đi kèm hai bộ ear pad. Trong hình: Ear pad vải.
     
    Mic.
     
    Như đã nói ở trên, CM Storm Sirus tích hợp tới bốn loa nhỏ bên trong mỗi tai nghe. Cụ thể, mỗi bên được trang bị một loa 30mm cung cấp âm thanh trung tâm, hai loa 30mm dành cho hướng âm thanh trước/sau và một loa sub trầm kích cỡ 40mm. Với cách bố trí như vậy, khả năng thể hiện âm thanh đa kênh của CM Storm Sirus cực kì tốt.
     
    Bốn driver trong một tai nghe.
     
    Chiếc HeadAmp đi kèm cũng là một bổ sung cực kì hấp dẫn dành cho CM Storm Sirus. Vẻ bề ngoài khá đẹp, bóng bẩy với “điểm nhấn” là nút tăng giảm âm lượng hình tròn khá lớn. Trên Mixer hiển thị thông tin về độ lớn của âm Bass, âm trung tâm (Center), âm phía trước (Front) và phía sau (rear). Người dùng có thể điều chỉnh toàn bộ âm lượng của các kênh bằng cách chuyển về chế độ Master, tuy nhiên khuyến cáo bạn hãy để âm lượng nhỏ khi chọn Master, bởi nếu đẩy max volume, bạn sẽ có thể cảm thụ âm nhạc khi để CM Storm Sirus ở cách cả nửa mét.
     
    HeadAmp khá đẹp mắt.
     
    CM Storm Sirus hoạt động khá “màu mè”: Khi kết nối vào máy tính, logo CM Storm hai bên tai nghe sẽ sáng đỏ và HeadAmp cũng “lên đèn” với các dòng chữ Master, Bass, Center tùy theo chế độ bạn đang để.
     
    Mixer khi lên đèn.
     
    Headphone khi lên đèn.
     
    Mặc dù bạn có thể sử dụng thiết bị này khá ổn với HeadAmp mà không cần driver, nhưng tốt nhất, hãy lên trang chủ của CM Storm để download trình điều khiển của CM Storm Sirus để có nhiều tùy chọn hơn.
     
     
    Trong game, thiết bị thể hiện hướng nguồn âm khá tốt khi bạn có thể cảm nhận rõ tiếng bước chân, hướng tiếng súng hay vị trí của những âm thanh môi trường nhỏ nhất. Trải nghiệm với âm nhạc, CM Storm Sirus cũng ăn điểm với âm bass khá “nặng đô”, tiếng treble và mid thể hiện khá tốt.
     
     
    Với mức giá 3.200.000 đồng, CM Storm Sirus cũng là thiết bị đắt nhất trong bộ Gaming Gear mà tôi chọn. Tuy mức giá nghe không “lọt tai” cho lắm, nhưng so với những gì mà thiết bị này thể hiện, thiết nghĩ bạn sẽ không bao giờ hối hận khi móc hầu bao ra để sở hữu sản phẩm này.
     
    Tổng số tiền bạn phải bỏ ra để sở hữu một bộ Gaming Gear “tầm trung” và đa nhiệm gồm bốn sản phẩm: Chuột CM Storm Xornet, bàn di CM Storm CS-S Battle Pad H2, bàn phím CM Storm QuickFire Rapid và tai nghe CM Storm Sirus vào khoảng 5.840.000 đồng, quá rẻ so với một bộ Gaming Gear “chuyên nghiệp” đến từ SteelSeries (chuột SteelSeries Sensei, bàn di SteelSeries NP , bàn phím SteelSeries 7G và tai nghe SteelSeries V2) có tổng giá trị lên tới 9.900.000 đồng.