Chủ nhân giải Đặc biệt: ‘VinFuture không tôn vinh nhà khoa học thông minh xuất chúng thế nào!’

    Bài: Hoàng An, Ngọc Anh - Ảnh: Việt Hùng - Thiết Kế: Nhật Vũ, Theo Nhịp sống thị trường 

    Năm nay, hai giải thưởng Đặc biệt của VinFuture được trao cho những lĩnh vực vô cùng thiết yếu với con người, là lương thực, và nước uống.

    Sau khi nhận được giải thưởng VinFuture Mùa 2, bà Pamela C. Ronald - chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ và ông Thalappil Pradeep - chủ nhân Chủ nhân Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã dành một ngày làm việc tại VinUni để trao đổi với truyền thông.

    Vì sao lại là nước, là lương thực?

    Việc tạo ra những giải pháp mang lại nguồn nước, nguồn lương thực cho hàng triệu người có ý nghĩa như thế nào với chính ông bà?

    Ông Thalappil Pradeep: Tôi xuất thân từ một gia đình nông nghiệp. Tôi thường xuyên đi bộ đến trường qua những cánh đồng lúa mì. Vì vậy nước ở quanh tôi, ngay từ khi tôi còn nhỏ.

    Trên tất cả, những vấn đề về nguồn nước rất quan trọng với mọi người, với tôi, và đó là điều khiến tôi hài lòng nhất. Đó là lý do tôi chọn nghiên cứu về nước, nó không chỉ là một vấn đề quan trọng, mà còn khiến tôi thỏa mãn.

    Chủ nhân giải Đặc biệt: ‘VinFuture không tôn vinh nhà khoa học thông minh xuất chúng thế nào!’ - Ảnh 1.

    Tôi đã làm việc về một vấn đề rất bình thường: nước sạch cho mọi người, và điều này được mọi người trên thế giới công nhận. Đó là một niềm hạnh phúc. Điều này không chỉ mang lại hạnh phúc cho tôi mà còn mang lại hạnh phúc cho người dân của tôi, đồng nghiệp và đất nước của tôi.

    Còn về VinFuture, tầm nhìn của giải thưởng chắc chắn là một chặng đường rất dài và sẽ giúp nhiều người tiếp cận được các vấn đề được nêu lên, hoặc đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề tương tự. Những vấn đề này tuy đơn giản, nhưng nó lại rất thú vị với một số người. Theo tôi, trong bối cảnh lớn hơn, có nhiều đối tượng ở bên lề vẫn chưa được tiếp cận. Nhưng họ không muốn một giải pháp tạm bợ mà muốn một giải pháp có thể giải quyết được tận gốc vấn đề.

    Vì vậy, thay vì tập trung tôn vinh nhà khoa học thông minh xuất chúng thế nào, VinFuture hướng tới việc họ có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề của toàn thế giới.

    Một điểm nữa, điều quan trọng nhất tôi học được trong tuần lễ giải thưởng VinFuture, là các giải pháp luôn có tính liên ngành. Cho dù bạn làm việc trong ngành nông nghiệp, trí tuệ nhân tạo hay truyền thông thì tất cả mọi người đều hợp tác để giải quyết các vấn đề của nhân loại.

    Bà Pamela C. Ronald: Tôi lớn lên trong một gia đình có đầy đủ cha mẹ, tôi được đi học, tôi sống chung với những người trong một cộng đồng gần như cả đời, rất ổn định. Gia đình tôi cực kỳ ủng hộ tôi học hành. Tôi là con gái, mà bố mẹ tôi thì lại không có bất kỳ định kiến nào về việc tôi làm, hay tôi nên làm. Nhờ thế mà tôi có một thế giới rộng mở với mình. Với tôi, đó thực sự là đặc quyền, và tôi muốn sử dụng đặc quyền đó để làm điều gì đó có ích, để đền đáp, để giúp những người khác phát triển.

    Tôi từng nghiên cứu về thực vật. Nhưng khi bắt đầu sự nghiệp sau này, tôi quyết định nghiên cứu về giống gạo, vì gạo là nguồn thực phẩm của một nửa dân số thế giới. Và tôi hy vọng rằng một số đóng góp của tôi có thể hữu ích cho những người nông dân và gia đình họ, đôi khi là những người có mức sống dưới 3 USD/ngày. Vì vậy, đó là ước mơ của tôi: Giúp đỡ những người nông dân trồng lúa. Và tôi may mắn được làm việc với một nhóm các nhà khoa học quốc tế tuyệt vời để có thể đóng góp giúp đỡ nông dân ở Nam Á và Đông Nam Á.

    Những ‘người đồng hành’ phía sau giải thưởng

    Khi nhận giải thưởng, tất cả mọi người đều gửi lời cảm ơn tới gia đình, những người bạn đời. Ông bà đã được hỗ trợ như thế nào trên con đường làm khoa học?

    Ông Thalappil Pradeep: Tôi nghĩ, đối với tôi hay bất kỳ ai, để làm được những điều có ý nghĩa, bạn phải được bình yên đã.

    Tôi thường không thích mang công việc về nhà, vì tôi nghĩ rằng tôi đã để lại toàn bộ công việc gia đình cho vợ rồi và tôi không phải lo toan bất kỳ điều gì cả. Đó là sự hỗ trợ lớn nhất với tôi.

    Những ngày phải làm việc tới 16 giờ, có khi hơn, có những lúc tôi gặp khó khăn, hay mệt mỏi, tôi sẽ lại tâm sự với bà ấy. Vợ tôi đã cho tôi sự ủng hộ lớn. Nếu không có bà ấy, tôi đã chẳng làm được gì.

    Bà Pamela C. Ronald: Tôi và chồng có chung một mục tiêu, đó là làm thế nào để mang lương thực tới cho toàn cầu, khi dân số đang ngày càng tăng lên mà lại không làm tổn hại gì đến môi trường. Chúng tôi nói về điều này rất nhiều.

    Chồng tôi đã là một người nông dân từ rất lâu rồi, nên tôi học được rất nhiều từ ông ấy về trồng trọt, trong khi ông ấy lại học hỏi về gene từ tôi. Chúng tôi rất thích thảo luận về những ứng dụng mới và cách chúng sẽ có ích như thế nào với người nông dân.

    ‘Khoa học không dễ dàng, không có kết quả nhanh, nhưng cứ làm thôi!’

    Lựa chọn trở thành một nhà khoa học, một con đường gian nan, ông/bà có cảm thấy mình phải đánh đổi điều gì, hay có khi nào khó khăn đến mức muốn từ bỏ?

    Ông Thalappil Pradeep:Hồi nhỏ, thật ra tôi từng muốn học văn, muốn trở thành nhà thơ, vì những người xung quanh tôi đều là những nhà thơ cả (cười). Tất cả những tên tuổi lớn đều là những nhà thơ. Thế nên, tôi đã hỏi bố tôi câu này: Con học thơ văn được không? Bố tôi nói, con học thơ văn lúc nào cũng được, nhưng thế thì chẳng có gì để ăn. Thế nên, tôi học hoá học, vì nó giúp tôi có cái ăn.

    Tất nhiên, công việc luôn căng thẳng, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc. Nghiên cứu khoa học thì không thể trông chờ kết quả đến nhanh chóng, mà đòi hỏi sự tận tụy mãnh liệt trong nhiều năm dài. Vì vậy, rõ ràng là đôi khi mọi thứ chẳng dễ chịu, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ. Thực sự chưa bao giờ.

    Bà Pamela C. Ronald: Tôi thì không nghĩ đến việc phải đánh đổi điều gì. Khi bạn làm khoa học, bạn cực kỳ bận rộn, nhưng tôi nghĩ, ngành nghề nào cũng vậy thôi. Như bạn đây, các bạn cũng đã đợi tôi đến tận giờ này, để hoàn thành công việc của mình.

    Khoa học cũng không khác nhiều đâu. Tôi nghĩ rằng, sẽ có những giai đoạn trong cuộc đời mà bạn thấy mình chẳng bao giờ có đủ thời gian. Bạn có con cái, chúng cần bạn, bạn phải đưa chúng đến trường, giải đáp mọi câu hỏi của chúng, hay bạn có thể như tôi, có những học sinh cũng cần tôi. Thế thì ở thời điểm đó, ta cũng chẳng tụ tập bạn bè được nhiều, phải không? Ta cũng không thường tiệc tùng, vì ta còn gia đình, còn công việc – những thứ chính yếu của cuộc đời. Nhưng mừng là ta yêu cả hai, gia đình và công việc, rất nhiều, và ta sẽ làm được thôi. Và nếu như bạn lại được các thành viên trong gia đình hỗ trợ, thì thật tuyệt vời.

    Tóm lại, tôi nghĩ khi đã là nhà khoa học thì bạn chẳng nghĩ nhiều về chuyện đánh đổi đâu, cứ làm thôi!

    Xin cảm ơn!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ