Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, MobiFone sẽ thay thế thương hiệu AVG bằng thương hiệu MobiFone. Như vậy, trên các kênh truyền hình hiện nay của AVG sẽ được dần thay thế bằng thương hiệu của MobiFone.
Ngày 8/1/2016, MobiFone đã ra thông báo công bố thông tin chính thức mua cổ phần tại AVG và lấn sân sang kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Có nguồn tin cho rằng MobiFone mua đến 95% cổ phần của AVG, tuy nhiên thông tin này chưa được các bên có trách nhiệm xác nhận. Giá trị hợp đồng mua bán giữa MobiFone và AVG chưa được tiết lộ. MobiFone cho rằng, đây là bước đi quan trọng, cụ thể hoá 4 lĩnh vực trong chiến lược kinh doanh của MobiFone là: Di động - Bán lẻ - Truyền hình - Đa phương tiện.
Trước Tết Bính Thân, MobiFone đã bắt đầu để logo của MobiFone trên logo của AVG trên các kênh truyền hình của AVG
Trả lời ICTnews về vấn đề chuyển AVG về MobiFone, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, MobiFone sẽ thay thế thương hiệu AVG bằng thương hiệu MobiFone. Như vậy, trên các kênh truyền hình hiện nay của AVG sẽ được dần thay thế bằng thương hiệu của MobiFone. Trước Tết Bính Thân, MobiFone đã bắt đầu để logo của MobiFone trên logo của AVG trên các kênh truyền hình của AVG.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT ngày 1/2/2016, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, MobiFone đang triển khai tiếp quản nhân sự, kỹ thuật và tài chính của AVG. Sắp tới, MobiFone sẽ tích hợp truyền hình của AVG vào các lĩnh vực kinh doanh của MobiFone.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng năm 2015, MobiFone chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới như lĩnh vực truyền hình và Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho MobiFone được kinh doanh lĩnh vực này. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, MobiFone phải tận dụng ưu thế để nghiên cứu các dịch vụ tích hợp giữa viễn thông và truyền hình nhằm tạo ra sự khác biệt trên thị trường với các doanh nghiệp khác.
Logo MobiFone sẽ thay thế logo của AVG
Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone được Bộ TT&TT đã ban hành quyết định chính thức phê duyệt vào tháng12/2015. Việc đầu tư, kinh doanh truyền hình kỹ thuật số là bước đi nằm trong chiến lược kinh doanh của Tổng công ty viễn thông MobiFone giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Hệ thống mạng lưới kỹ thuật rộng lớn trải rộng trên cả nước và các quy trình vận hành và ứng cứu kỹ thuật được chuẩn hóa của MobiFone có thể đáp ứng các công tác vận hành và ứng cứu kỹ thuật của dịch vụ truyền hình đảm bảo nhanh chóng và giảm thiểu chi phí.
MobiFone cho biết, trong thời gian tới, MobiFone sẽ kết hợp các dịch vụ giữa viễn thông di động và truyền hình để mang lại nhiều dịch vụ mới. Cụ thể, MobiFone cung cấp dịch vụ truyền hình có nội dung chất lượng, tính tương tác cao và gói cước hợp lý khi tích hợp giữa truyền hình và di động; Bổ sung những chương trình truyền hình mới, hấp dẫn; Phát hành các chương trình truyền hình đặc sắc và tăng cường các kênh truyền hình chất lượng cao HD.
Đồng thời, đẩy mạnh chính sách liên kết để sản xuất nội dung truyền hình, hợp tác với các đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương để tận dụng tối đa các lợi thế sản xuất và am hiểu văn hóa từng vùng miền trong đó ưu tiên nội dung trải nghiệm thực tế, tin nhanh tại các địa bàn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc MobiFone chia sẻ: Bộ TT&TT đã phê duyệt dự án kinh doanh truyền hình của MobiFone. Công nghệ truyền hình MobiFone lựa chọn phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển dịch vụ truyền hình của Chính phủ. Truyền hình cũng là một trong bốn lĩnh vực kinh doanh chiến lược của MobiFone: Di động - Bán lẻ - Truyền hình - Đa phương tiện. MobiFone đặt mục tiêu phát triển "Một triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016" và đến năm 2020 trở thành một trong ba doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.
Tháng 5/2011, AVG được Bộ TT&TT cấp phép thiết lập hạ tầng mạng. AVG là công ty triển khai truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số vệ tinh (DTH). AVG đã xây dựng Trung tâm Giám sát và Điều độ vận hành mạng từ xa (NCC). Đây là phần quan trọng trong dự án xây dựng hệ thống truyền dẫn phát sóng truyền hình và cung cấp dịch vụ truyền hình.
NCC được thiết kế tổng khống chế để kiểm duyệt nội dung và kiểm soát phát sóng, hỗ trợ kiểm soát từ xa. Bên cạnh đó, NCC có những tính năng khác, ví dụ biết được nhiệt độ tại trạm phát sóng, chất lượng phát sóng, âm thanh của từng kênh để điều chỉnh tức thời. NCC là công cụ trang bị để chăm sóc khách hàng, đảm bảo chất lượng dịch vụ mà AVG cung cấp đến các hộ dân. NCC có thể kiểm soát chất lượng tín hiệu đến khu vực dân cư, nhưng kiểm tra tín hiệu đến từng nhà dân thì cần có đường tương tác ngược, có thể phát hiện được lỗi là do sóng hay do thiết bị. Hệ thống này sẽ theo dõi 24/24 vận hành quan sát và điều chỉnh các thiết bị của hệ thống một cách tự động. Đây là hệ thống hiện đại nhất và đầu tiên của Việt Nam. Hệ thống giám sát này ngoài việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, sẽ giảm thiểu tối đa nguồn nhân lực, giảm chi phí và giảm giá thành dịch vụ.
Theo ICTNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"