Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: Chừng nào tôi còn ở vị trí này, sẽ không có có chiêu trò "cò cưa" mua bán sức lao động với giá rẻ mạt

    N.Dương, Theo Trí Thức Trẻ 

    “Nếu xem quan hệ ông chủ - người lao động là quan hệ kẻ mua – người bán thì chúng ta sẽ có một tổ hợp chiêu trò bởi một bên muốn mua rẻ và bên còn lại muốn bán đắt. Doanh nghiệp vì thế sẽ không phát triển được”.

    Đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch kiêm CEO của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã MWG) trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội cách đây không lâu.

    Trước câu hỏi của thính giả về sáng tạo đổi mới doanh nghiệp khiến ông tâm đắc nhất, CEO Nguyễn Đức Tài đã không ngần ngại cho biết đấy là những đổi mới về chính sách quản trị con người.

    “Đó là ‘Chính sách ra biển lớn’ được chúng tôi đưa ra hồi năm 2009”, ông Nguyễn Đức Tài kể.

    Theo đó, doanh nghiệp được ví như một chiếc tàu đánh cá mà người chủ bỏ tiền ra để mua tàu và thuê thuỷ thủ đoàn. Tuy nhiên, khi đoàn tàu trở về với cá đầy boong, cá phải được chia sẻ một cách công bằng cho người bỏ vốn và những thuỷ thủ đã cùng lênh đênh trên biển trong suốt nhiều tháng trời.

    “Bản chất của chính sách này chính là profit sharing, chia sẻ lợi nhuận giữa nhà đầu tư và nhân viên”, CEO Thế giới Di động nói với thính giả.

    Trong một lần trả lời báo giới, ông Tài đã cho biết, ở Thế giới di động chỉ có 2 nhóm: nhóm những nhà đầu tư và nhóm thuỷ thủ đoàn mà ở đó có sự chia sẻ, có sự phân công lao động. Tức là không tồn tại mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng.

    Quan điểm này một lần nữa được ông lặp lại. Theo đó, phải coi nhân viên là người đồng hành, cùng góp sức tạo dựng doanh nghiệp và được hưởng lợi từ những thành quả đó. Bởi đấy là cách để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững.

    “Nếu xem quan hệ ông chủ - người lao động là quan hệ kẻ mua – người bán thì sẽ có một bên muốn mua rẻ, bên muốn bán đắt. Như vậy tồn tại một cuộc kéo co mà ai cũng muốn kéo phần thằng về phía mình. Dần dần hình thành một tổ hợp chiêu trò, xét về lâu dài, công ty không thể nào phát triển được. Do đó, tôi cho rằng cần phải xem người lao động như những người đồng hành”, ông Nguyễn Đức Tài phân tích.

    Ông cũng cho rằng người lao động rất nhạy cảm, họ biết rõ đâu là chiêu trò, còn đâu là tấm lòng.

    “Nó ví như việc bạn mời người ta đi ăn. Một trường hợp là vì bạn có việc cần đến người ta, một cái vì là có thời gian, muốn rủ đi ăn mà thôi. Cùng là bữa ăn, nhưng mục đích và cảm nhận khác nhau. Người ta hoàn toàn có thể nhận ra đâu là chân thành, đâu là vì mục đích”, ông Tài nói.

    “Phần lớn người ta chỉ dạy cho nhau chiêu trò giữ nhân sự, nhưng tấm lòng thì không ai dạy ai được cả”, ông nói thêm.

    Chủ tịch của Thế giới Di động tự hào cho nhờ vào chính sách này mà công ty thu lại được giá trị rất lớn, tăng trưởng nhanh. Bởi lẽ bất cứ cá nhân nào gây ảnh hưởng đến công ty, cá nhân này sẽ bị số đông còn lại “không để yên”.

    “Hôm nay anh làm sai, anh không phải ảnh hưởng đến tài sản của ông chủ mà là ảnh hưởng của tất cả chúng tôi, những người đang tham gia vào những chia sẻ này. Đấy chính là sức mạnh của tổ chức”, ông Nguyễn Đức Tài nói.

    Tất nhiên, theo chia sẻ của ông chủ Thế giới Di động không phải lúc nào các nhà đầu tư cũng bằng lòng vì số tiền phải chi ra rất khủng khiếp, ví dụ như năm 2016, Thế giới di động phát hành cổ phiếu thưởng 5%, khoảng 50 triệu USD, tương đương cả ngàn tỷ đồng để chia sẻ cho nhân viên.

    Phản hồi nhà đầu tư, ông Tài cho rằng tiền của họ không hề thiệt đi mà chỉ tăng thêm chứng tỏ chính sách có hiệu quả, công ty ngày càng lớn mạnh.

    “Nếu bạn không sẵn lòng chia sẻ hoặc nói theo kiểu chủ tàu chỉ cho thuỷ thủ lấy đủ về nuôi vợ con, còn bao nhiêu của tôi hết thì sẽ không phát triển được”, ông nói.

    Ông Nguyễn Đức Tài cũng khẳng định, chừng nào ông còn ngồi ở vị trí CEO của công ty, ông sẽ còn tiếp tục chính sách này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ