Từ Facebook, ông biết mọi ngóc ngách của TP đang diễn ra như thế nào để chỉ đạo xử lý. Ông bấm like cả những ý kiến nghịch nhĩ nhất.
Thời gian qua, người dân Tây Ninh rất quan tâm đến việc TP đăng tải công khai lấy ý kiến người dân để quyết định số phận hơn 100 cây xà cừ lâu năm trên con đường đẹp nhất nơi đây. Facebook của ông Trần Hữu Hậu, Chủ tịch UBND TP, là một trong những địa chỉ nóng để người dân bày tỏ ý kiến vụ “trảm” xà cừ này. Đó chỉ là một trong số rất nhiều những vấn đề được người dân bày tỏ trên Facebook của ông chủ tịch.
“Chúng tôi chuẩn bị tới năm phương án, trong đó có phương án để lại hàng cây xà cừ. Chúng tôi hỏi ý dân nên sẽ tôn trọng ý dân. Dân đồng ý thì TP làm, không đồng ý thì chúng tôi sẽ chọn giải pháp khác” - ông Trần Hữu Hậu nói.
Tôi like cả những ý kiến nghịch nhĩ nhất
. Phóng viên: Theo dõi Facebook của ông, tôi thấy có nhiều người vào comment với các ý kiến gay gắt, trái chiều, ông cảm thấy thế nào?
Ông Trần Hữu Hậu: Mục đích của tôi khi lập Facebook là để được nghe tất cả. Tôi mong nhận được ý kiến đa chiều, càng đa chiều càng tốt, như vậy TP sẽ có quyết định chính xác.
Những ý kiến nghịch nhĩ nhất họ cũng nói vì sự phát triển chung của TP. Vì vậy tôi cảm thấy rất vui và bấm like tất cả.
. Có ai giúp ông quản trị Facebook không? Tôi thấy nhiều khi người dân phản ánh trên Facebook của ông về những vụ việc lúc 7, 8 giờ tối vẫn nhận được phản hồi ngay.
Không ai cả. Vợ con tôi ở ngoài Hà Nội nên khi rảnh thì tôi vào máy tính, rảnh lúc nào tôi trả lời người dân lúc đó. Có lúc tôi trả lời người dân lúc 2, 3 giờ sáng.
Ban ngày tôi rất bận. Còn buổi tối khi làm việc, máy tính lúc nào cũng mở ba, bốn cửa sổ.
Nhận được phản ánh của bà con tôi rất vui. Bà con tin tưởng mới nói. Làm chủ tịch mà biết thông tin tới từng chi tiết tại cơ sở là quá vui. Qua Facebook, tôi biết có những cái yếu kém mình làm chưa tốt, chấn chỉnh ngay được. Nếu có những điều bức xúc mà người dân không được nói và chúng tôi không kịp xử lý thì chuyện lâu ngày sẽ tích tụ thành ra phức tạp và khó xử lý, niềm tin của người dân sẽ mất đi. Thật ra không có chuyện gì khó giải quyết, chỉ tại chúng ta không biết nên để lâu ngày thành phức tạp. Xử lý ngay từ đầu thì sẽ gỡ được hàng loạt những vướng mắc về sau.
Nếu không lắng nghe thì bộ máy chúng tôi dễ trở thành quan liêu. Vì vậy khi tiếp nhận thông tin trên Facebook, có cái tôi xử lý được ngay, có cái tôi chuyển cho bộ phận chuyên trách, họ cũng phải giật mình.
Những đứa trẻ thất học quẩn quanh bên lò gạch đã được đến trường và những ý kiến người dân bày tỏ trên Facebook của ông Trần Hữu Hậu về việc giữ hay bỏ hàng cây xà cừ. Ảnh: HM
Facebook giúp dân tin yêu TP hơn
. Ông có bao giờ gặp phiền phức nào khác từ Facebook và mạng xã hội chưa?
Từ những việc tôi làm và công khai trên Facebook, tôi nhận lại được niềm vui rất lớn khi người dân bày tỏ sự tin tưởng đối với TP. Qua những bước xử lý của mình, tôi thấy bà con hưởng ứng nhiệt tình quá. Tôi cho rằng tác động của Facebook là rất tích cực và rất lớn.
Qua Facebook, tôi nắm được tâm tư, tình cảm của bà con. Vì vậy chúng tôi điều chỉnh được cách nói và cách làm để bà con hiểu. Quay lại việc lấy ý kiến dân để chặt cây, trước đây trong phiếu lấy ý kiến chưa có phần giải thích và chia sẻ tâm tư, tình cảm với bà con. Khi nhận được phản hồi, chúng tôi đã điều chỉnh cho phù hợp.
Tôi liên lạc với vợ con hằng ngày, chỉ cho con trai học bài cũng qua Facebook và mạng xã hội. Tôi thấy Facebook rất hay, tôi chưa gặp điều gì quá phiền phức từ Facebook.
. Có rất nhiều người dân đang theo dõi Facebook của ông. Ông có ngại sẽ có những đối tượng xấu vào Facebook của ông và tung thông tin thất thiệt. Không phải lúc nào ông cũng có đủ thời gian để kiểm soát thông tin trên Facebook?
Đã có nhiều người lo lắng điều này cho tôi và khuyên tôi không nên chơi Facebook, kể cả cấp trên của tôi. Nhưng tôi không ngại vì tôi cho rằng số lượng đó không lớn. Tại sao phải quay lưng với số đông người dân vì một thiểu số nào đó? Muốn hack Facebook tôi thì cũng phải vượt qua hai, ba vòng bảo mật. Nếu chiếm được rồi thì tôi cũng có cách xử lý và tôi tin rằng bà con biết ngay giọng điệu của hacker ấy chẳng phải là tôi. Còn nếu họ không hack mà chỉ vào comment công khai thì chuyện đó bình thường. Họ không nói trên Facebook của tôi thì họ cũng đi nói chỗ khác thôi.
Cũng có một vài trường hợp vào Facebook tôi để chửi bới lãnh đạo, chửi bới chế độ hoặc chửi tục tĩu. Tôi nghĩ rằng không ai trách tôi vì vài cá nhân như vậy. Tôi thẳng tay gỡ hết những comment kiểu này. Còn những ý kiến trái chiều, dù nghịch nhĩ tới đâu nhưng với ý thức xây dựng cho TP tôi vẫn tôn trọng, lắng nghe và bấm like.
. Xin cám ơn ông.
- Cuối tháng 8-2015, một người dân ngụ phường 1, TP Tây Ninh vào Facebook của ông Trần Hữu Hậu than thở rằng gần nhà chị có những đứa trẻ quanh quẩn ở lò gạch cũ không được đi học. Nhận phản ánh, ông chỉ đạo địa phương và phòng giáo dục đi kiểm tra. Sau đó ông lên Facebook phản hồi với người dân: Các em này theo cha mẹ từ địa phương khác chuyển tới, không có hộ khẩu, không có giấy tờ, không đăng ký tạm trú nên đã bị “bỏ lọt” trước thềm năm học mới. Địa phương sẽ khắc phục ngay sự cố này. Các em sau đó đã được đưa đến học tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu và miễn học phí vì nhà nghèo.
- Ngày 10-8, anh Thanh Tâm (phường 3, TP Tây Ninh) báo cho Chủ tịch Hậu trên Facebook buổi sáng về trường hợp một bệnh nhân suy thận nghèo khổ, vợ vừa bỏ đi không ai chăm sóc hai đứa con nheo nhóc. Buổi chiều nhận được, ông Hậu phản hồi liền: “Tôi đã trao đổi và chủ tịch phường 3 đã kiểm tra. Gia đình anh A. đã được xét hộ nghèo và đang hưởng chế độ dành cho hộ nghèo. Phường đã biết về hoàn cảnh và đang tìm nguồn hỗ trợ”.
- Lễ Quốc khánh 2-9, anh Đại Kiết (TP Tây Ninh) viết: Trong khi cả nước hân hoan đón Quốc khánh thì đài phun nước trung tâm TP không hoạt động, quá im lìm, còn ngày thường không phun nước. Ông Trần Hữu Hậu phản hồi ngay: “Cám ơn Đại Kiết, phó chủ tịch UBND TP Tây Ninh đã trao đổi với Sở Văn hóa. Theo họ cho biết: Đài phun nước này được lập trình để hoạt động ba lần/ngày, mỗi lần hai giờ. Hôm nay cũng thế, bạn ạ!”.
_______________________________________
Tôi chơi Facebook từ rất sớm, từ năm 2008, lúc đó Facebook chưa phổ biến như bây giờ. Lúc đó em tôi đi Israel về và giới thiệu về Facebook nên tôi lập tài khoản Facebook để lưu hình ảnh, dữ liệu chứ chưa có ý định kết nối mọi người. Trước khi dùng Facebook thì tôi dùng email để gửi thông báo cho mọi người. Nhưng khi dùng Facebook thì tôi thấy nó giúp liên lạc hiệu quả hơn nhiều. Rồi sau đó thì người dân kết nối với tôi ngày càng nhiều.
Nhờ Facebook tôi lắng nghe được nhiều hơn, biết được các sự việc cụ thể từ mọi ngóc ngách của TP. Và khi tôi phản hồi lại trên Facebook, nhận được sự quan tâm của người dân, tính hiệu quả cho công việc rất lớn.
TheoPhapluattp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming