Nhiều bác sĩ còn không hề biết đến nó, họ nghĩ bệnh nhân bị trầm cảm.
Có bao giờ bạn không thể nhận ra một người thân chỉ vì họ mới thay đổi kiểu tóc? Hay bạn có thường gặp khó khăn trong việc nhớ mặt những người từng gặp? Giữa chừng một bộ phim, bạn bắt đầu lẫn lộn các diễn viên và nhân vật với nhau.
Tổng hợp lại tất cả những điều này, rất có thể bạn đang mắc một hội chứng kì lạ có tên là prosopagnosia. Cứ 100 người thì có 2 người bị ảnh hưởng bởi prosopagnosia ở mức độ nhất định, 1 người trong số đó là do di truyền, nghĩa là trong gia đình, bố hoặc mẹ của họ cũng mắc prosopagnosia.
Chứng bệnh kỳ lạ khiến bạn khó nhớ mặt người khác, thậm chí quên luôn khuôn mặt mình
Prosopagnosia là gì?
Heather Sellers, 52 tuổi, hiện đang là giáo viên tiếng Anh tại một trường trung học ở Michigan, Hoa Kỳ. 15 năm về trước, cô tình cờ phát hiện mình mắc prosopagnosia khi đọc về nó trong một cuốn sách tâm lý học.
Prosopagnosia có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, được ghép lại từ prosopon có nghĩa là "mặt" và agnosia có nghĩa là "không biết". Nói theo ngôn ngữ thông thường, chứng bệnh Sellers mắc phải được gọi là “mù mặt”. Nó khiến cô rất khó nhớ được khuôn mặt của mọi người, cho dù đó là những người quen hoặc thậm chí là chính bản thân mình.
“Tôi đã từng đứng trong một thang máy đông chật người với rất nhiều gương mặt xung quanh. [Nhìn vào hình ảnh phản chiếu trong thang máy], tôi thấy có một người phụ nữ đi ra cùng mình. Nhưng sau đó tôi chợt nhận ra một điều rằng: Ồ, người phụ nữ đó chính là tôi”, Sellers nói.
Nhưng đó chỉ là thời điểm Sellers định nghĩa được căn bệnh của mình. Thực sự, cô đã mắc prosopagnosia ngay từ khi còn nhỏ.
Trong một lần cùng mẹ đi mua sắm ở một cửa hàng tạp hóa gần nhà, Sellers đã vô tình bị lạc. Cô bé vừa khóc vừa đi tìm mẹ mình. Nhưng trớ trêu thay, cô không thể nhớ nổi khuôn mặt của bà. Nhìn thấy bất kể một người phụ nữ nào trên đường, Sellers cũng níu tay lại hỏi: “Mẹ có phải là mẹ của con không?”.
Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên và không thể đáp lại câu hỏi của cô bé Sellers khi đó mới lên 10 tuổi. Đến khi người quản lý của cửa hàng, cùng là một hàng xóm với gia đình Sellers tìm được mẹ cho cô. Sellers đứng trước người mẹ đang gọi mình nhưng không hề nhận ra. Cô hỏi với thái độ nghi ngờ: “Mẹ đúng là mẹ của con chứ?”. Sau đó, cả hai mẹ con ôm nhau khóc.
“Tôi không thể nhớ bất kỳ hình ảnh nào nếu nó hiện lên là một khuôn mặt. Chúng đơn giản chẳng có gì đặc biệt đối với tôi”, Sellers nói. “Tôi không xử lý những hình ảnh này như cách tôi nhận ra một chiếc xe hơi hoặc một con chó. Nó không phải vấn đề thị giác mà là một vấn đề liên quan đến nhận thức”.
Mọi khuôn mặt chẳng có gì đặc biệt đối với Sellers, cô nhìn chúng như những hạt cát trên bờ biển
Bạn có bị ảnh hưởng bởi hội chứng “mù mặt”?
Sellers là một trường hợp mắc hội chứng prosopagnosia nặng đến nỗi không thể nhớ được khuôn mặt của mình. Thế nhưng, nghiên cứu cho thấy “mù mặt” rất phổ biến nếu xét tới cả những triệu chứng nhẹ của nó.
Bạn có cảm thấy khó khăn để nhận ra khuôn mặt của một người khác? Hay khi xem phim bạn không thể nhớ và phân biệt được một số nhân vật với nhau? Rất có thể bạn đang nằm trong 2% dân số bị ảnh hưởng bởi prosopagnosia.
Khi gặp lại một người mới quen, những người mắc hội chứng mù mặt thường nhận ra họ vì quần áo, kiểu tóc hoặc giọng nói thay vì khuôn mặt. Một đặc điểm nữa để chẩn đoán prosopagnosia đó là những người mắc hội chứng này thường khó kết bạn và tránh các tương tác xã hội.
Một số người bị rối loạn lo âu và trải qua các giai đoạn như trầm cảm. “Tôi luôn biết cả điều gì đó sai sai với mình. Nó khiến tôi không tin tưởng bản thân trong cách nhận thức thế giới. Tôi được chẩn đoán là bị mắc chứng lo âu, còn bố mẹ nghĩ rằng tôi bị điên”. Sellers chia sẻ.
Nguyên nhân của chứng mù mặt
Chỉ 10 năm trở lại đây, khoa học mới coi hội chứng prosopagnosia là một vấn đề đáng nói trong y học. “Trước đó, nhiều bác sĩ không hề biết đến nó”, tiến sĩ Thomas Grüter, đến từ Viện nghiên cứu Gen người ở Đức cho biết. “Thuật ngữ prosopagnosia chưa từng được dạy cho các sinh viên trường y. Ai cũng nghĩ chấn thương sọ não là thủ phạm duy nhất gây ra hội chứng, còn người mắc nó chỉ bị gọi là đãng trí, bất cẩn, vô tâm”.
Số lượng các trường hợp mù mặt được phát hiện gia tăng là yếu tố thu hút các nhà khoa học nghiên cứu về nguyên nhân của nó. Bản thân tiến sĩ Grüter cũng là một người mắc hội chứng mù mặt. Năm 2006, ông xuất bản một bài báo khoa học trên tạp chí The American Journal of Medical Genetics. Bài báo chỉ ra hội chứng prosopagnosia là kết quả của một khiếm khuyết di truyền, trong một gen trội đơn lẻ.
Điều đó có nghĩa là nếu một gia đình có bố hoặc mẹ mắc chứng mù mặt, con cái của họ sẽ có 50% nguy cơ bẩm sinh mắc hội chứng tương tự. Nghiên cứu cho thấy khoảng 2% dân số có dấu hiệu của hội chứng prosopagnosia. Trong số đó, 50% các trường hợp là do di truyền.
Chỉ 10 năm trở lại đây, khoa học mới coi hội chứng prosopagnosia là một vấn đề đáng nói trong y học
Theo Brad Duchaine, giáo sư thần kinh học tại Đai học London, ngay từ khi chào đời một đứa trẻ đã có khả năng nhận biết khuôn mặt. Thậm chí, một nghiên cứu mới đây còn chỉ ra ngay từ khi còn trong bụng mẹ, những thai nhi đã có thể nhận diện được các hình dạng tương tự như mặt người.
Đó là năng lực được hình thành trong quá trình tiến hóa. Nó cho phép tổ tiên của chúng ta phân biệt đâu là bạn bè và đâu là kẻ thù. Thế nhưng, chức năng này có thể bị rối loạn nếu gen khuyết tật xuất hiện trong phôi thai, khiến chức năng não bộ liên quan đến khả năng phân biệt gương mặt bị ảnh hưởng.
Thông thường, khi nhìn gương mặt ai đó, có một số xung thần kinh chạy đến khu vực phân tích hình ảnh trong não bộ. Tại đó diễn ra quá trình “tự vẽ lại” khuôn mặt bạn nhìn thấy, đồng thời so sánh nó với ký ức của bạn trước đó.
Quá trình so sánh sẽ quyết định xem liệu chúng ta đã nhìn thấy gương mặt đó trước đây hay chưa. Nhưng ở những người mắc hội chứng mù mặt, các tín hiệu này đều bị rối loạn khiến các gương mặt nhìn đều giống như nhau, chẳng khác gì chúng ta nhìn những hạt cát trên bờ biển.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra chấn thương não bộ cũng có thể gây ra chứng mù mặt. Một số người sau khi hồi phục từ cơn đột quỵ đã thể hiện triệu chứng của prosopagnosia.
Điều trị hội chứng prosopagnosia như thế nào?
Sellers luôn phải nhận biết học sinh của mình thông qua quần áo, kiểu tóc và phù hiệu mà họ đeo
Thật không may, cho tới thời điểm hiện tại vẫn không có bất kể một loại thuốc, hoặc phương pháp điều trị nào cho những người mắc hội chứng prosopagnosia. Người mù mặt chỉ có thể tự rèn luyện một kỹ thuật nào đó, giúp họ đối phó với việc không thể nhận ra người khác.
Với Sellers, cô luôn phải nhận biết học sinh của mình thông qua quần áo, kiểu tóc và phù hiệu mà họ đeo. Nhiều người bị mù mặt tập nhớ giọng nói của người khác, dáng đi và tránh những nơi họ phải gặp nhiều người quen.
Một số người luôn mang theo mình một cuốn số ghi chép lại những đặc điểm của người mà họ đã gặp. Đối với những người thân, người mắc hội chứng prosopagnosia có thể thống nhất với họ một mật hiệu.
Tuy nhiên, tất cả những kỹ thuật này không phải lúc nào cũng hiệu quả và đáng tin cậy. Những người mắc hội chứng mù mặt vẫn phải tập sống với nó hàng ngày. “Tôi không thể thấy những gì bạn thấy khi nhìn vào một khuôn mặt. Điều đó thật đáng sợ”, Sellers chia sẻ. “Mỗi lần tôi nhìn thấy một khuôn mặt của một ai, đó đều là lần đầu tiên tôi thấy họ”.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4