Chung tay giữa đại dịch corona, hàng loạt CEO danh tiếng tự nguyện cắt giảm lương thưởng của mình
Cho dù chúng chưa đủ để giúp công ty họ vượt qua giai đoạn khó khăn này, nó cũng mang thông điệp củng cố sự đoàn kết giữa công ty và người lao động giữa virus corona đang bùng phát.
- Đối xử với nhân viên 'chất' như Sony: Cho làm việc ở nhà 1 tháng nhưng vẫn trả đủ lương, phụ cấp thêm 23 triệu đồng để đi mua sắm
- CEO công ty tỷ USD nhắn nhủ với nhân viên thời Covid-19: ‘Đừng căng thẳng về công việc’
- Gửi nhân viên sang bán hàng siêu thị, hãng hàng không Úc giải quyết được việc làm cho 5.000 người thất nghiệp vì ngừng bay
Virus corona đã giáng một đòn đánh nhanh và mạnh vào hàng loạt công ty trong vài tuần qua – kéo theo đó là những gói giải cứu ngành công nghiệp và các biện pháp cắt giảm chi phí tàn khốc. Một trong những bước đi đang được nhiều tập đoàn lớn thực hiện để giảm nhẹ hậu quả của đại dịch này là cắt giảm lương của các CEO và các giám đốc điều hành cấp cao.
Trên thực tế, cắt giảm lương của đội ngũ lãnh đạo khó có khả năng tác động đến lợi nhuận hoặc tăng lương cho các nhân viên cấp thấp. Nhưng đây được xem như một thông điệp quan trọng gửi đến mọi người trong sơ đồ tổ chức của công ty.
"Rất nhiều trong số các hành động đó có ý nghĩa tượng trưng." Itay Goldstein, giáo sư tài chính Đại học Pennsylvania cho biết. "Khi chúng ta bước vào một cuộc khủng hoảng như chúng ta đang có hiện nay – khi nền kinh tế rơi vào thời kỳ khó khân, rất nhiều người lao động đang mất việc, mọi người sẽ không biết trông đợi vào điều gì – tôi nghĩ đó là lúc các CEO nên bước ra và nói. "Chúng tôi sẽ từ bỏ tiền lương của mình." Đó là một tín hiệu cho thấy họ đang chia sẻ nỗi đau."
Một tín hiệu sẻ chia
Các hãng hàng không và các công ty du lịch, những ngành đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất ngay từ ban đầu khi virus mới bùng phát, đã trở thành những người đầu tiên thực hiện bước đi này. CEO của các hãng bay như Delta Air Lines, Alaska (ALK), Unites Airlines (UAL) và nhiều hãng hàng không khác, đều thông báo việc cắt giảm lương CEO cũng như các giám đốc điều hành khác.
Đây là điều rất đáng chú ý so với cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008. Cho dù bị quy là thủ phạm dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong những năm đó, CEO và các giám đốc điều hành cấp cao của nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính không hề cắt giảm thu nhập mà nhiều người còn có thêm tiền thưởng. Thậm chí ngay cả CEO của Lehman Brothers, ngân hàng nổi tiếng sụp đổ trong thời kỳ này, cũng được thưởng gần 200 triệu USD cuối năm đó.
Hiện tại chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới, Marriott cho biết CEO của họ, Arne Sorenson sẽ không nhận bất kỳ khoản lương nào từ giờ đến hết năm nay, và phần còn lại của đội ngũ điều hành sẽ giảm 50% lương. Thông báo này được đưa ra cùng lúc với việc công ty cho biết họ sẽ bắt đầu cho nghỉ phép hàng chục nghìn nhân viên khách sạn, từ các quản gia cho đến các tổng giám đốc.
Ông Arne Sorenson, CEO của chuỗi khách sạn Marriott.
Vào thứ Hai, công ty du lịch trực tuyến Booking Holdings cho biết CEO Glen Fogel của họ, cũng như các CEO trong 3 bộ phận thương hiệu con của công ty, sẽ từ bỏ lương của mình. Hội đồng giám đốc của Booking cũng tình nguyện từ bỏ số tiền mặt ứng trước của mình.
Vào thứ Tư tuần trước, hãng Dick’s Sporting Goods thông báo CEO của họ, Ed Stack và chủ tịch công ty, Lauren Hobart sẽ từ bỏ lương của mình, ngoại trừ khoản trợ cấp bảo hiểm được công ty cung cấp. Các giám đốc điều hành khác của công ty cũng sẽ giảm 50% lương cơ bản.
Không chỉ trong ngành hàng không và du lịch, mới đây các hãng như Ford, General Electric, và Lyft cũng thực hiện các động thái tương tự.
"Mỗi một USD, Euro, bhat, … đều được tính vào nỗ lực này để đảm bảo chúng ta có thể tiếp tục là người đi đầu trong ngành du lịch trực tuyến sau khi kết thúc khủng hoảng." CEO Fogel của Booking cho biết trong bức thư gửi tới nhân viên vào thứ Hai vừa qua. "Mọi nhân viên đều có trách nhiệm đóng góp cho nỗ lực cắt giảm chi phí của chúng ta và gia tăng hiệu quả nhiều nhất có thể."
Glenn Fogel, CEO của Booking Holdings.
Hiệu quả đến đâu
Tất nhiên đối với những công ty quy mô toàn cầu như trên, cho dù các CEO và những giám đốc điều hành của họ có thu nhập đến hàng triệu USD mỗi năm, các khoản lương này thường không đáng kể so với tổng doanh thu của công ty – và chắc chắn khoản cắt giảm này không đủ để cải thiện tình hình tài chính của công ty.
Hơn nữa, với nhiều CEO, lương cơ bản chỉ chiếm một phần trong tổng thu nhập của họ. Ví dụ lương của CEO United Airlines, Oscar Munoz chỉ là 1,25 triệu USD mỗi năm, chiếm 9% tổng thu nhập đến hơn 10,5 triệu USD mà ông kiếm được năm ngoái. Do vậy, tùy từng mức cắt giảm thu nhập khác nhau cũng sẽ tạo ra các hiệu quả khác nhau từ những động thái này.
Nhưng ngay cả khi việc từ bỏ thu nhập cũng không giúp công ty tiết kiệm đủ chi phí để tránh phải sa thải hàng loạt nhân viên giữa thời khủng hoảng, các động thái này cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết với nhân viên. Nó cũng sẽ chứng minh tầm quan trọng của các giám đốc điều hành khi những công ty này phục hồi trở lại.
Ông Eric Talley, giáo sư luật và là giám đốc khoa của Trung tâm Millstein tại Đại học Columbia, cho biết: "Tôi nghĩ đây là thông điệp mà nhiều nhân viên muốn nghe. Một vài trong số những nhân viên này là những người đáng tin cậy, có tài năng và là những nhân viên tốt, vì vậy các công ty này đang dự đoán với tư duy rằng "Chúng tôi muốn ở vị trí đón nhận những nhân viên này quay lại, và chúng tôi muốn thuê lại họ, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi."
Tham khảo CNN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI