Chụp thử P40 Pro: Vẫn là chiếc điện thoại có camera ấn tượng, nhưng xin Huawei đừng làm giao diện chụp ảnh phức tạp thêm nữa!
Huawei đã có những cố gắng nhất định trong việc đưa sản phẩm của mình dẫn đầu cuộc chơi nhiếp ảnh, tuy nhiên điểm số cao có phải là thứ người dùng mong muốn thật sự?
- Huawei P40 và P40 Pro chính thức bán ra tại Việt Nam: giá từ 17,9 triệu đồng, 9/5 lên kệ
- Trên tay nhanh Huawei P40 Pro: Màn hình uốn cong 4 cạnh đẹp mắt, độ hoàn thiện rất cao, giao diện chụp ảnh mượt mà nhưng còn nhiều rối rắm
- Đọ khả năng zoom giữa Galaxy S20 vs. P40 Pro vs. Find X2 Pro: sản phẩm nào cho ra chất lượng zoom tốt nhất
P series luôn là dòng đi tiên phong về nhiếp ảnh của Huawei, vì thế qua bao đời, hãng này luôn đem đến nhiều cải tiến hơn bên cạnh đó kết hợp cùng Leica danh tiếng với mong muốn vượt xa mọi đối thủ cạnh tranh. Vậy ở chiếc P40 Pro mới nhất này, Huawei đã làm được những gì để trải nghiệm nhiếp ảnh được "nâng tầm"? Dưới đây là những cảm nhận của tôi sau vài ngày dùng thử.
Ảnh chụp rất đẹp, độ chi tiết cao, zoom từ 10x trở xuống ấn tượng
Như các bạn đã biết thì Huawei trong thời gian gần đây gặp rất nhiều sóng gió liên quan đến việc không được cấp phép dịch vụ Google Play Services, chính vì thế hãng này đã cố "tất tay" đầu tư nghiên cứu hoàn toàn vào khả năng chụp ảnh của thiết bị - vốn cũng là đặc sản từ những sản phẩm đi trước và được đánh giá rất tốt.
Năm nay, Huawei P40 Pro tiếp tục sử dụng cảm biến "khác người" RYYB nhằm mang đến lợi thế về mặt thu nhận ánh sáng vào tốt hơn, bên cạnh đó nâng độ phân giải camera chính lên 50 MP cho thấy họ không hề chịu thua về mặt chạy đua con số megapixel này. Hơn nữa, cảm biến lần này cũng có kích thước lớn nhất thị trường với 1/1.28 inch, hứa hẹn mang lại chất lượng nhiếp ảnh vượt trội.
P30 Pro từng được chễm chệ ngôi vị đầu bảng DxOMark vào đầu năm 2019 và năm nay, Huawei lại tiếp tục "nở mày nở mặt" khi dù một loạt các sản phẩm flagship ra mắt nhưng vẫn đứng dưới cửa của chiếc P40 Pro.
Qua trải nghiệm nhanh, điều mà tôi ấn tượng nhất chính là hệ thống tự động bắt nét đã nhanh hơn hẳn so với trước đây. Còn nhớ, tôi từng than phiền rằng hệ thống lấy nét của P30 Pro rất chậm, đôi khi bị lỡ những tình huống nhanh trên phố thì nay có vẻ như Huawei đã khắc phục triệt để vấn đề này.
Bên cạnh đó, tính năng tuy nhỏ nhưng tôi lại rất để tâm đến và dùng nhiều nhất chính là khởi động nhanh camera bằng phím cứng trên P40 Pro cũng phản hồi tốt hơn, không còn tình trạng "đơ" như ở bản tiền nhiệm nữa.
Có thể một số người cho rằng vuốt icon camera trên màn hình khóa là cũng có thể mở nhanh được, nhưng với tôi, nhấn hai lần phím Giảm Âm Lượng ngay từ khi rút điện thoại trong túi ra là đã có thể giảm bớt thời gian khởi động camera, bắt ngay khoảnh khắc nhanh trên phố rồi.
Hiện tại có rất nhiều nhà sản xuất điện thoại khoe khả năng chụp ảnh trên sản phẩm của họ rất tốt, nhưng ít có hãng nào chịu tích hợp tính năng này vào, trừ Samsung và Huawei.
Các camera trên Huawei P40 Pro mang lại cảm giác rất đồng đều về chất lượng, dù là siêu rộng hay là zoom và xóa phông. Cũng lưu ý thêm camera tele của chiếc điện thoại này có zoom quang học 5x và cho tối đa 50x, nhưng theo ý kiến cá nhân, nên chỉ dừng ở mức 10x là đẹp và từ 20x trở đi sẽ khá nhiễu, thiếu chi tiết.
Một vài ảnh zoom từ P40 Pro:
Hoa mắt để chọn chế độ chụp và filter màu
Có một thứ mãi mà đến giờ Huawei vẫn chưa rút kinh nghiệm, đó là giao diện chụp ảnh quá rối. Bản thân tôi một người thường xuyên chụp ảnh bằng điện thoại nhưng khi nhìn vào menu của P40 Pro, thú thật tôi không biết bắt đầu từ đâu, khi máy có đến 6 chế độ chụp bên ngoài và 1 tá thứ khác bên trong mục More.
Bên cạnh đó, kiểm soát màu sắc trên chiếc điện thoại này cũng không hẳn là dễ. Có đôi khi ở một tình huống bạn để màu sắc gốc sẽ ổn, nhưng lại có lắm lúc nó lại trông nhợt nhạt và buộc phải tìm filter màu khác trên máy để phù hợp hơn. Và lúc đấy, khi mở danh sách bộ lọc màu ra, bạn sẽ phải tá hỏa khi không biết chọn gì giữa danh sách dài hơn một chục ấy.
Có thể ví Huawei P40 Pro như một cô nàng đỏng đảnh khó chiều, nhưng nếu bạn "nắm thóp" được, mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn và sẽ có lúc bạn biết được tone màu nào sẽ phù hợp cho hoàn cảnh nào.
Theo kinh nghiệm cá nhân, nếu khung cảnh đó màu sắc đã sặc sỡ sẵn, hãy chọn Leica Normal để dễ bề hậu kỳ sau này, còn màu sắc khung cảnh khi đó quá nhợt nhạt, hãy chọn Leica Vivid. Ngoài ra, tôi còn nhận ra thêm một điều, khi bình minh hoặc hoàng hôn, hãy thử Nostalgia hoặc Leica Smooth, kết quả sẽ khiến bạn bất ngờ đấy.
Hoàng hôn thì có thể chọn Nostalgia.
Hoặc Leica Smooth.
Sau 2 ngày trải nghiệm camera trên chiếc điện thoại này, filter mà tôi ấn tượng nhất có lẽ là Impact. Với bộ lọc này, bạn sẽ có những bức ảnh trắng đen, tuy nhiên màu đen sẽ đặc hơn, độ tương phản cao hơn và tăng sự kịch tính cho bức ảnh.
Những điểm cần cải thiện
Huawei P40 Pro mang đến những cảm hứng rất riêng mỗi khi cầm lên chụp, nhất là các filter màu thú vị (nếu bạn biết cách lựa chọn hợp lý). Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn còn tồn đọng một số thứ để giúp trải nghiệm nhiếp ảnh đi đến mức hoàn hảo và chắc chắn sẽ khó tiếp cận với đại đa số người dùng.
Bên cạnh các điểm mà tôi nhắc đến ở phần trên, Huawei P40 Pro còn gặp phải vấn đề nóng máy khi cầm đi chụp trong khoảng tầm 30 phút trở lên. Đây không phải là chuyện nghiêm trọng với người dùng phổ thông khi không phải kích hoạt camera nhiều trong ngày, nhưng P series sinh ra là dành cho người thích nhiếp ảnh cho di động và Huawei nên làm gì đó để cải thiện phần này hiệu quả hơn.
Ngoài ra, khi bấm phím chụp nhiều lần để bắt khoảnh khắc liên tục, máy đôi khi có tình trạng bị "đơ" phím và phải 2-3 giây sau thì mới nhận lệnh tiếp. Đây có thể chỉ là vấn đề phần mềm và hy vọng Huawei sẽ khắc phục trong bản update tiếp theo.
Điều mong mỏi cuối cùng, vẫn là Huawei hãy làm giao diện chụp ảnh được đơn giản hơn, đừng rườm rà và quá nhiều chế độ thừa thãi nữa, bởi tính năng chụp auto kết hợp Master AI đã quá tốt rồi!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4