Chỉ có 2 sợi quang (thường cần 4 sợi) nhưng quyết tâm xây dựng một đường trục riêng cho quân đội với công nghệ thu phát trên cùng một sợi, Viettel đã tạo ra một thực tại mới cho viễn thông Việt Nam từ khi còn chưa được cung cấp dịch vụ viễn thông.
Lê Đức Hoàng, nguyên Giám đốc công ty Viettel IDC, đã có gần 20 năm công tác liên tục tại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội. Từ người lính Bộ Tư lệnh Thông tin sang ngang theo một lệnh điều động đặc biệt vào năm ấy, Hoàng nói mình may mắn bởi được tham gia các dự án của Viettel từ những ngày đầu, nổi trội là các dự án cuối của giai đoạn chuyển từ lắp đặt sang triển khai công nghệ mới, và sau đó là lắp đặt thiết bị và kinh doanh.
Một trong số những dự án đó, vẫn còn được nhắc đến ngày hôm nay như một kỳ tích khó tin của Viettel: đường trục cáp quang 1A.
Dự án có xuất phát điểm "hơi kỳ lạ"
Một ngày đặc biệt năm 1998, khi đó, Lê Đức Hoàng đang là kỹ sư trưởng của tổng đài Bộ Tư lệnh Thông tin nhận được lệnh điều động đặc biệt sang hỗ trợ Viettel thực hiện dự án xây dựng trục cáp quang Bắc – Nam dành riêng cho Bộ Tư lệnh Thông tin. Khi đó, cáp quang là công nghệ mới, và quân đội nung nấu hoàn thành dự án đường trục đã từ lâu.
Trong mắt những người làm chuyên môn, đường trục cáp quang 1A là một dự án có xuất phát điểm "hơi kỳ lạ". Đây là đường trục cáp quang không có đường dây riêng, bởi trên đường 500KV có 10 sợi quang, phía quân đội xin được Chính phủ 2 sợi cáp chưa dùng (sử dụng để dự phòng cho VNPT và EVN), để xây dựng mạng cáp quang cho riêng mình.
Lúc đó, Viettel còn rất nhỏ, tổng tài sản của công ty chỉ trị giá hơn 2 tỷ đồng nhưng lại có nhiều nhân sự kỹ thuật giỏi mà sau này đều trở thành các lãnh đạo cao cấp. Thời đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông) và ông Lê Đăng Dũng (hiện là Quyền Chủ tịch Viettel) là những người thiết kế nên đường trục 1A.
Họ đều nhận thấy rằng nếu theo công nghệ thông thường thì cần phải có 1 sợi thu, một sợi phát và để có dự phòng, đảm bảo thông tin luôn thông suốt thì cần có tổng cộng 4 sợi cáp trong khi Viettel chỉ thi công với 2 sợi. Do vậy chỉ cần mất 1 đường thu hoặc 1 đường phát là mất thông tin, trong khi đường trục phục vụ quân đội phải bảo đảm có dự phòng.
Sau khi tìm hiểu, hai lãnh đạo Viettel phát hiện ra tại Mỹ và Anh có triển khai thử nghiệm công nghệ thu phát trên cùng một sợi. Vì đây là dự án đường trục phục vụ quân đội nên phải đảm bảo tuyệt mật và không thể thuê chuyên gia nước ngoài, tất cả đều do đội ngũ kỹ thuật người Việt Nam nghiên cứu thực hiện.
Cuối cùng, Viettel vẫn quyết định làm và mua một số thiết bị, cùng lúc được bổ sung đội quân 30 người từ Bộ Tư lệnh thông tin điều sang.
Khi bắt tay vào những công đoạn đầu tiên, nhóm kỹ sư trực thuộc Viettel gặp khá nhiều khó khăn do thiết bị mới, lại đắt đỏ. Mỗi chiếc máy hàn cáp quang có giá tới 1 tỷ đồng, con số mà Lê Đức Hoàng nhận xét là "lớn khủng khiếp vào những năm 1998, vì vốn của cả Viettel chỉ mua được tầm 2 bộ thiết bị đó".
"Quan điểm của Viettel từ ngày đấy đến bây giờ là ‘dò đá qua sông’, vừa làm vừa học, dắt tay chỉ việc trực tiếp đào tạo. Sau một thời gian học, chúng tôi bắt tay vào lắp thử một trạm ở Hoà Bình, một trạm ở Thanh Hoá, rồi mở rộng ra các tỉnh khác". Cáp được tiếp nhận ngay trên đường trục 500KV, có những đoạn nằm dọc trên dãy Trường Sơn, trong khi trạm phải được xây cách cột trên 500m, xa nhà dân, không có điện.
"Trạm được thiết kế có pin mặt trời, máy nổ đi kèm. Mỗi trạm cần khoảng 48 bình ắc quy, mỗi bình nặng khoảng 70kg, cộng thêm vài trăm tấm pin mặt trời, mỗi tấm to bằng nửa cánh cửa, vận chuyển lên bằng đường núi. Cả Viettel lúc đó chỉ có 2-3 cái ô tô, lại toàn ô tô từ thời năm 80. Có những chỗ ô tô không vào được, phải đưa các tấm pin lên điểm đặt trạm bằng xe bò…", Lê Đức Hoàng nhớ lại.
Nằm mơ cũng thấy… cáp quang
Hoàn thành việc thiết kế, lắp đặt 21 trạm suốt dọc chiều dài Bắc-Nam, Viettel tiếp tục hỗ trợ Bộ Tư lệnh Thông tin trong thời gian đầu đưa đường trục vào khai thác vận hành. Khi đó, rất nhiều người lính Viettel đã thay phiên nhau trực 24/7 để đảm bảo thông tin được thông suốt.
Không bao giờ tắt điện thoại, đến nằm ngủ cũng mơ về cáp quang, mỗi tuần trực tại trạm 4 ngày… là những kỷ niệm khó quên của người lính Viettel bên 2.000km cáp quang của đường trục 1A. Cho đến nay, bước đi đầu tiên đầy khó khăn nhưng chứa đựng ý chí sắt đá, quyết tâm đó vẫn là dấu son trong lịch sử Viettel.
Nếu như trước đó, những kỹ sư Viettel chỉ nói với nhau về giấc mơ mà mình mong muốn đạt được thì đường trục cáp quang 1A là một giấc mơ lớn đầu tiên đã trở thành thành hiện. Đường trục 1A cũng là thử thách lớn đầu tiên giúp những người lính Viettel củng cố được niềm tin về khả năng sáng tạo, tự chủ về kỹ thuật của mình, vượt qua điều tưởng như không thể… và tự tin đón nhận những nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều sau này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"