Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày Trái đất bỗng quay nhanh hơn? Chỉ tóm gọn trong 2 chữ "thê thảm" thôi
Mọi thay đổi đến tình trạng hiện tại của Trái đất đều gây ra một hậu quả nào đó khó lường.
Ngay bây giờ đây, bạn đang ngồi thư thái đọc bài viết này, cơ thể cảm giác như được nghỉ ngơi mà không có bất kỳ một sự vận động nào.
Tuy nhiên ở một hệ quy chiếu khác thì chúng ta đang chuyển động không ngừng, cụ thể là do Trái đất luôn tự quay quanh trục của nó và quay quanh Mặt trời. Sự quay này tạo ra độ dài một ngày, gây ảnh hưởng đến thiên nhiên và sự sống trên cả hành tinh.
Nhưng nếu như tốc độ quay của Trái đất nhanh hơn thì sao? Câu chuyện xảy ra có gì khác nhau không?
Hệ lụy là rất lớn
Trên thực tế, tốc độ quay của Trái đất như thế nào còn phụ thuộc vào từng vị trí trên Trái đất. Trong đó, nhanh nhất là nằm ở xích đạo, và nó đúng với mọi hành tinh trong vũ trụ, vì khi Trái đất quay quanh trục thì chu vi lớn nhất của nó nằm ở xích đạo. Vậy nên với cùng một thời gian 24 giờ, một điểm trên xích đạo muốn quay cho hết một vòng để trở lại điểm ban đầu sẽ phải đi quãng đường dài hơn so với những điểm khác. Và theo trang Popular Science, thì xích đạo quay ở tốc độ dài là 1037 dặm/h (tương đương khoảng 1668 km/h), trong khi ở một điểm như thành phố Chicago chẳng hạn lại có một tốc độ "thong thả" hơn là xấp xỉ 750 dặm/h thôi.
Khi Trái đất quay nhanh hơn, thứ chịu ảnh hưởng đầu tiên là vấn đề của các vệ tinh địa tĩnh. Chúng vốn quay quanh Trái đất với cùng một tốc độ, nhờ đó có thể giữ nguyên ở cùng một vị trí tương đương với một điểm nhất định nào đó trên Trái đất. Chỉ cần hành tinh của chúng ta quay nhanh 1 dặm mỗi giờ thôi, những vệ tinh này sẽ không thể đứng được ở vị trí vốn có nữa.
Khi đó, việc liên lạc với các vệ tinh, phát truyền hình hay các hoạt động quân sự... đều bị gián đoạn. Trừ các vệ tinh mang nhiên liệu và có thể điều chỉnh vị trí cũng như tốc độ, thì các loại khác đều phải được thay thế và tất nhiên rất tốt kém.
Chưa hết đâu, mọi thứ khác sẽ trở nên thê thảm hơn.
Ngày ngắn lại
Một chu kỳ quay của Trái đất chính là thời gian của một ngày trên hành tinh của chúng ta. Vậy nên khi Trái đất quay càng nhanh thì ngày càng ngắn lại. Ước tính nếu Trái đất quay nhanh hơn 100 dặm/h thì một ngày chỉ còn dài 22 tiếng. Còn cơ thể chúng ta thì chưa kịp thích nghi, thay vì đặt đồng hồ nhanh hơn 1 giờ thì trường hợp này phải đặt nhanh thêm 2 giờ mỗi ngày.
Sự thay đổi này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của thực và động vật vốn đã gắn với chu kỳ 24 giờ.
Mọi thứ nhẹ đi
Có thể bây giờ bạn đang nặng khoảng 70kg khi đứng ở Vòng Bắc Cực, nhưng nếu ở vùng Xích Đạo bạn sẽ lập tức xuống cân 1 - 2kg mà không cần kiêng khem tập luyện gì hết. Nhưng không có nghĩa là bạn giảm được tý mỡ nào đâu nhé.
Như vậy tức là khi Trái đất quay nhanh hơn sẽ đồng nghĩa với việc trọng lượng của mọi vật sẽ giảm xuống.
Khi Trái đất quay sẽ có một lực sinh ra được gọi là lực li tâm - thứ khiến cho một chiếc đĩa trên bàn có thể bị văng ra ngoài nếu ta xoay quá nhanh. Lực li tâm được sinh ra sẽ càng lớn khi vật thể quay càng nhanh, và vì nó là lực đối của trọng lực, nên nếu nó càng lớn thì tác dụng của trọng lực lên các vật thể các càng yếu.
Hiện tại thì trọng lực đang có độ lớn cao hơn lực ly tâm, nên chúng ta có thể đứng trên mặt đất. Nhưng theo như ước tính của Sten Odenwald - chuyên gia NASA, thì nếu tốc độ quay tại xích đạo chạm đến khoảng xấp xỉ 28.000 km/h, lúc đó lực li tâm sẽ đủ lớn để thắng trọng lực và khiến bạn... lơ lửng trên không.
Thảm họa từ nước biển
Tốc độ quay tại Xích Đạo càng tăng cũng đồng nghĩa với việc nước biển sẽ bị tích tụ càng nhiều ở đó. Cứ nhanh hơn 1 dặm, thì nước quanh Xích Đạo sẽ dâng lên thêm vài centimet chỉ trong vài ngày.
Và nếu thử tăng tốc độ quay lên gấp đôi thì đó thực sự là một thảm họa. Nước từ các vùng cực – nơi có lực li tâm yếu hơn bị kéo dồn về vùng Xích Đạo. "Chỉ trừ những ngọn núi cao nhất như Kilimanjaro hay những điểm cao nhất của dãy Andes thì tất cả mọi nơi thuộc vùng Xích Đạo sẽ ngập trong nước." - theo lời của Witold Fraczek, phân tích viên tại ESRI – một công ty sản xuất phần mềm GIS.
Độ lớn lực li tâm tăng thêm khiến cho nước ở xích đạo dễ dàng thắng trọng lực hơn. Lúc này, không khí ở đây sẽ nặng đầy hơi nước, bầu không khí sẽ bị bao phủ bởi sương dày đặc và mây mù, có thể là cả những trận mưa không ngừng nghỉ nữa.
Và giả dụ như Trái Đất cứ tăng tốc cho đến ngưỡng phi trọng lực, thì sẽ nhiều điều thú vị nhưng cực kỳ thảm họa xảy ra. Lúc này, chúng ta sẽ được chứng kiến hiện tượng mưa ngược - từng giọt nước nhỏ bay lên không khí thay vì nước mưa rơi từ trên xuống.
Nhưng theo Fraczek thì với tốc độ nhanh gấp 17 lần so với hiện tại, sẽ chẳng còn ai ở vùng xích đạo có thể sống sót được để kịp kinh ngạc trước hiện tượng "tuyệt đẹp" này đâu. "Nếu có người nào đó đáng thương còn sống sau khi mà gần như tất cả nước đều bay lên bầu khí quyển thì niềm khao khát lớn nhất của họ có lẽ là thoát ngày khỏi vùng Xích Đạo càng sớm càng tốt, tức là sẽ phải đến ở các vùng cực hay ít nhất là các vùng giữa của bán cầu nào đó."
Động đất kinh hoàng
Sau hàng nghìn năm khi tốc độ quay của Trái đất vào khoảng hơn 38.000 km/h (khoảng 38624.26 km/h) thì lớp vỏ Trái đất cũng sẽ có sự thay đổi: hai cực trở nên phẳng dẹt và phình ra ở quanh xích đạo.
"Đó là thời điểm xảy ra những trận động đất lớn và các mảng kiến tạo chuyển động cực kỳ nhanh - một viễn cảnh thảm khốc đe dọa sự sống trên hành tinh này," - Fraczek nói.
Liệu điều đó xảy ra?
Dù tin hay không thì thực tế tốc độ quay của Trái đất luôn dao động. Động đất, sóng thần hay hiện tượng băng tan xảy ra đều có những tác động đến tốc độ quay của Trái đất, ở mức độ vài mili giây. Chẳng hạn như một trận động đất nào đó vô tình nuốt một phần dù chỉ là rất nhỏ của mặt đất và làm giảm chu vi của Trái đất, điều đó cũng đủ để tăng tốc một chu kỳ quay.
Thực tế thì tốc độ quay của Trái đất đã thay đổi theo thời gian rồi. Khoảng 4.4 tỉ năm trước, lúc đó Mặt trăng mới được hình thành sau khi có một vật thể khổng lồ đâm vào Trái đất. Theo như tính toán của Odenwald thì ở thời điểm đó, hành tinh của chúng ta rất có thể có hình dạng như một quả bóng bị xẹp do quay rất rất nhanh và một ngày chỉ kéo dài đến 4 giờ.
Nhưng từ khi có sự hiện diện của Mặt Trăng, Trái đất dần dần quay chậm hơn, giảm khoảng 3,8 dặm/h sau 10 triệu năm. Điều đó xảy ra chủ yếu là nhờ lực hút từ Mặt trăng tác dụng lên hành tinh này. Vậy nên khả năng cao là Trái đất sẽ quay ngày một chậm thay vì nhanh hơn.
Thế giới hiện tại đã có quá nhiều thứ khiến chúng ta phải lo lắng từ chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu cho đến những thứ nhỏ nhặt hằng ngày như mình đã đánh răng đúng hay chưa. Vậy nên nghĩ đến việc sẽ ra sao nếu Trái Đất quay quanh trục của nó nhanh hơn là một điều không đáng. Bởi vì thực tế điều đó không có vẻ khả quan lắm trong tương lai gần và nếu nó có xảy ra thì khả năng cao là bạn sẽ không còn sống được để mà lo lắng đâu.
Tham khảo: PopSci
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nóng: CEO Jensen Huang trở lại Việt Nam sau 1 năm, Nvidia 'giữ lời hứa' mở trung tâm nghiên cứu và dữ liệu AI
Chính phủ Việt Nam và Nvidia ký kết mở Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và CEO Nvidia Jensen Huang.
Mở hộp MacBook Pro 16 inch M4 Pro chính hãng tại Việt Nam trị giá hơn 100 triệu đồng: Nhanh, mạnh, màn hình Nano-texture dùng rất thích