"Màn hình của LG V30 không có độ sáng đồng đều, không thể hiển thị màu sắc đúng và có các vết bệt màu".
V30 là chiếc smartphone cao cấp đầu tiên của LG được trang bị màn hình OLED thay thế cho màn hình LCD truyền thống. Chính vì vậy mà V30 nhận được rất nhiều sự kỳ vọng từ các chuyên gia và người sử dụng, để đem lại chất lượng hiển thị hình ảnh ấn tượng hơn.
Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia Ron Amadeo, trên trang công nghệ Arstechnica, công nghệ màn hình OLED mới của LG V30 vẫn có rất nhiều vấn đề. Đặc biệt là khi đặt chiếc smartphone flagship của LG cạnh Samsung Galaxy S8, chúng ta có thể thấy rõ những khiếm khuyết của màn hình OLED trên V30.
Arstechnica đánh giá màn hình OLED của LG V30 có nhiều vấn đề.
LG V30 được trang bị màn hình OLED kích thước 6 inch, độ phân giải 2.880x1.440 pixel và tỷ lệ 18:9. Tấm nền màn hình OLED này được sản xuất bởi chính LG Display, công ty con chuyên sản xuất TV OLED của tập đoàn LG Hàn Quốc.
Tuy nhiên LG Display lại không có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất tấm nền OLED cho smartphone. Trên thực tế, LG Display đã tránh xa mảng sản xuất tấm nền OLED cho smartphone kể từ thời LG G Flex và G Flex 2, những chiếc smartphone bom xịt của LG những năm 2013 và 2015.
Theo đánh giá của chuyên gia Arstechnica, màn hình của chiếc LG V30 vừa mới ra mắt vẫn có những vấn đề tương tự như LG G Flex.
LG V30 đặt cạnh Samsung Galaxy S8, cùng hiển thị một màu xám trong điều kiện ánh sáng yếu.
Cụ thể: "Màn hình của LG V30 không có độ sáng đồng đều, các góc phía dưới bên trái và bên phải của máy luôn sáng hơn các khu vực còn lại. Khi đặt trong phòng với điều kiện ánh sáng tối, màn hình của LG V30 không thể hiển thị màu sắc đúng và có các vết bệt màu.
Khi so sánh với chiếc Galaxy S8 ở cùng điều kiện môi trường, hiển thị cùng một màu xám, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt. Màn hình của Galaxy S8 có thể hiển thị màu sắc một cách chân thực, mịn và đồng đều về độ sáng".
Không có quá nhiều khác biệt giữa công nghệ AMOLED của Samsung và công nghệ P-OLED của LG. Chữ P trong P-OLED của LG có nghĩa là Plastic, đây là chất liệu được sử dụng để tạo ra tấm nền (lớp cơ sở để đặt các điểm ảnh bên trên). Màn hình OLED của Samsung cũng sử dụng loại vật liệu tương tự như vậy để tạo lớp nền.
Công nghệ AMOLED của Samsung có nghĩa là “Active Matrix Organic Light Emitting Diode”, trong khi tất cả các smartphone hiện nay cũng đều sử dụng mô hình active matrix để sắp xếp các điểm ảnh.
Với nhiều năm kinh nghiệm, công nghệ được hoàn thiện hơn, Samsung vẫn là nhà tiên phong trong công nghệ màn hình OLED. Các công nghệ mới của Samsung còn giúp màn hình có độ sáng cao hơn, hiển thị gam màu rộng hơn và có góc nhìn tốt hơn.
LG sắp tới sẽ đảm nhiệm việc sản xuất phần cứng của Pixel XL 2, chiếc smartphone flagship tiếp theo của Google cũng sẽ sử dụng màn hình OLED của LG Display. Đây có thể là chi tiết khiến nhiều người dùng cảm thấy lo lắng.
Các bạn có thể đọc kỹ hơn bài đánh giá LG V30 của Arstechnica tại đây.
Tham khảo: Arstechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming