Chuyên gia cảnh báo "cú đêm": 1 đêm không ngủ tàn phá cơ thể nặng nề, thức 4 đêm cơ thể "cận kề cửa tử"

    Ngọc Mai,  

    Sau hai ngày không ngủ, cơ thể có thể rơi vào ảo giác, não không còn minh mẫn để làm việc hay xử lý những vấn đề hàng ngày.

    Chắc hẳn ai đã từng mất ngủ đều sẽ trải qua những cảm giác khốn khổ vào ngày hôm sau.‏

    ‏Thiếu ngủ khiến chúng ta đờ đẫn, dễ nổi cáu và không thể làm việc hiệu quả. Đôi khi, thiếu ngủ còn gây cảm giác nôn nao khó chịu, gây buồn nôn và đau đầu. Đây là hệ quả của hàng loạt tác hại đang tích tụ trong não và cơ thể khi chúng ta không thể chợp mắt.‏

    ‏Các nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc một loạt bệnh như béo phì, mất trí nhớ, tiểu đường, bệnh tim và giảm phản ứng miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng.‏

    ‏Nhưng giờ đây, các chuyên gia cũng tiết lộ rằng chỉ một đêm không ngủ thôi cũng đủ gây hại, vì giấc ngủ vốn dĩ rất quan trọng đối với hầu hết mọi chức năng của cơ thể, như điều hòa hormone, hồi phục các mô và duy trì cân nặng khỏe mạnh.‏

    Tăng nguy cơ cao huyết áp, đau tim và đột quỵ 

    ‏Theo các chuyên gia, tác động của việc không ngủ bắt đầu rõ rệt sau 18 giờ thức giấc liên tục. Điều này tương đương với việc ngủ dậy lúc 8 giờ sáng nhưng lại thức đến 2 giờ đêm hôm đó. ‏

    ‏18 tiếng không ngủ khiến huyết áp bắt đầu tăng, tim phải làm việc nhiều hơn và gây thêm căng thẳng cho các cơ quan.‏

    ‏Ở những người có bệnh tim tiềm ẩn, điều này có thể làm tăng khả năng bị đau tim hoặc đột quỵ. Thức quá 18 tiếng cũng khiến testosterone – hormone sinh dục nam suy giảm. Chỉ một tuần ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm - hoặc thức suốt 19 giờ - đã khiến lượng testosterone của một thanh niên giảm từ 10 đến 15%, so với tỷ lệ bình thường chỉ là 1 đến 2% mỗi năm.‏

    ‏Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa hormone và khi không được nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể sẽ không thể thực hiện các chức năng bình thường.‏

    photo-1701936740434

    ‏Cũng trong khoảng thời gian này, hệ thống miễn dịch sẽ bắt đầu hình thành các protein gây viêm liên quan đến bệnh tim và bệnh mãn tính, đồng thời các tế bào chuyên chiến đấu chống lại vi khuẩn và vi rút cũng trở nên kém hiệu quả hơn.‏

    Giảm khả năng tập trung, gây thèm ăn vặt và ngủ ngắn

    ‏Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Anh, 24 giờ không ngủ có tác động lên não tương tự như uống 4 ly rượu hoặc bia. ‏Điều đó có nghĩa là cơ thể có thể bị giảm thời gian phản ứng, nói ngọng và suy nghĩ bị chậm lại.‏

    ‏Các triệu chứng khác bao gồm khó chịu, căng thẳng, giảm khả năng tập trung và thèm ăn.‏

    ‏Tiến sĩ Carolyn Williams, một chuyên gia dinh dưỡng, cho rằng việc thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn thực phẩm lành mạnh của chúng ta.‏

    ‏Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy cứ mỗi giờ thanh thiếu niên mất ngủ, họ ăn thêm 210 calo vào ngày hôm sau, phần lớn là từ chất béo và carbohydrate. Thanh thiếu niên có thói quen ngủ không nhất quán cũng có xu hướng ăn vặt nhiều hơn.‏

    ‏Tiến sĩ Williams cho biết việc thiếu ngủ sẽ làm thay đổi chức năng não, ảnh hưởng đến các loại thực phẩm chúng ta thèm, cách cơ thể điều chỉnh hormone và cách cơ thể xử lý thực phẩm - khiến chúng ta thèm những món ăn mà bình thường không hề quan tâm.‏

    ‏Sau 36 giờ không ngủ, mọi triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn. Mọi người cũng có thể rơi vào những giấc ngủ ngắn, đây là những khoảng thời gian ngắn ngủ không chủ đích, kéo dài tới 30 giây.‏

    photo-1701936741476

    ‏Sau 36 giờ thức giấc, các bộ phận trong não gặp khó khăn trong việc giao tiếp với nhau. Việc ghi nhớ, học tập, ra quyết định và phản ứng đều trở nên khó khăn. Ngoài ra, huyết áp và nhịp tim sẽ tăng lên, quá trình trao đổi chất sẽ chậm lại và tim sẽ buộc phải làm việc nhiều hơn.‏

    Hai ngày không ngủ có thể dẫn tới ảo giác

    ‏Thêm 12 giờ không ngủ, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu ngủ trầm trọng.‏

    ‏Lúc này tần suất của những giấc ngủ ngắn sẽ tăng lên. Sau 48 giờ không chợp mắt, bạn có thể bị ảo giác và cảm thấy căng thẳng, lo lắng và khó chịu tăng cao.‏

    ‏Hạch hạnh nhân - giúp điều chỉnh tâm trạng và trí nhớ - và vỏ não trước trán - kiểm soát chức năng điều hành và kiểm soát xung lực - đều bị suy giảm nghiêm trọng.‏

    ‏Tiến sĩ Scott Lyons, một nhà tâm lý học, cho biết tác động lên hạch hạnh nhân khiến con người phản ứng mạnh hơn 60% trong các tình huống căng thẳng hoặc khó chịu.‏

    ‏Sau 72 giờ không ngủ, não phải chống chọi với tình trạng kiệt sức nặng nề, có thể dẫn đến ảo giác, hoang tưởng và rối loạn tư duy.‏

    photo-1701936741952

    Không ngủ trong 4 ngày có thể nguy hiểm đến tính mạng

    ‏Sau 96 giờ thiếu ngủ, nguy cơ rối loạn tâm thần tăng cao. Đây là lúc nhận thức về thực tế bị méo mó và chúng ta có thể mắc phải những ảo tưởng phức tạp cũng như tâm trạng thất thường nghiêm trọng.‏

    ‏Tình trạng thiếu ngủ trầm trọng lặp đi lặp lại có thể gây tử vong. Cùng với đó, mệt mỏi tột độ là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông cũng như những sai lầm chết người tại nơi làm việc.‏

    photo-1701936742464

    ‏Ngoài các vấn đề về thể chất có thể gây khó ngủ, sức khỏe tinh thần của một người cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ.‏

    ‏Tiến sĩ Lyons chia sẻ với DailyMail.com rằng các chứng rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như lưỡng cực, trầm cảm hoặc rối loạn lo âu tổng quát, đều có thể gây rối loạn thói quen ngủ của một người. Theo chiều ngược lại, ngủ kém cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần.‏

    ‏Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, các chuyên gia về giấc ngủ đều khuyên mọi người nên đi ngủ sớm hơn, tránh nạp caffeine vào buổi chiều, giảm nhiệt độ trong phòng ngủ và tránh sử dụng các thiết bị điện tử ngay trước khi đi ngủ.‏

    ‏‏

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ