Chuyên gia cảnh báo: Nguy cơ sản sinh siêu biến chủng nguy hiểm hơn cả Delta tại "vườn ươm" Indonesia
Tuần trước, Indonesia đã vượt qua Ấn Độ và Brazil và trở thành quốc gia ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao nhất thế giới.
Ảnh: Reuters
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trên khắp thế giới cảnh báo: Tốc độ và quy mô của đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất tại Indonesia đã và đang tạo ra những điều kiện chín muồi, một "vườn ươm" lí tưởng cho một siêu biến chủng mới thậm chí còn dễ lây lan và nguy hiểm hơn nhiều so với biến thể Delta, theo Asean Post.
NGUY CƠ XUẤT HIỆN "SIÊU BIẾN CHỦNG" SARS-COV-2 TẠI TÂM DỊCH MỚI CỦA CHÂU Á
Tuần trước, Indonesia đã vượt qua Ấn Độ và Brazil và trở thành quốc gia ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao nhất thế giới. Hôm 22/7, Indonesia ghi nhận hơn 49.500 ca nhiễm mới và 1.449 ca tử vong do COVID-19.
Ông Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học người Indonesia nghiên cứu về các biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Đại học Griffith của Úc cho biết: "Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hoặc quốc gia không thể kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nếu hơn 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính, nghĩa là đợt bùng phát dịch đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Tại Indonesia, tỷ lệ này cao hơn 10% trong 16 khoảng tháng đầu đại dịch, và bây giờ con số này đã cao hơn 30%. Do đó, rất có khả năng một biến chủng mới hoặc siêu biến chủng sẽ xuất hiện ở Indonesia."
Ông Amin Soebandrio, Giám đốc của Viện Eijkman - một tổ chức chính phủ nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới, cho biết mặc dù chưa có biến thể mới nào xuất hiện ở Indonesia, nhưng nước này vẫn cần phải rất cảnh giác.
Ông nói: "Với số ca nhiễm và tử vong ngày càng tăng, chúng tôi không thể phủ nhận rằng điều đó có thể xảy ra và phải quan sát cẩn thận để xác định các biến thể mới ngay khi chúng vừa xuất hiện."
Ảnh: Reuters
NỖI LO VỀ CÁC BIẾN THỂ CỦA VIRUS SARS-COV-2
Virus liên tục biến đổi thông qua các đột biến trong chuỗi gen di truyền của chúng nhằm tạo ra các biến thể tiên tiến hơn. Tiến sĩ Stuart Ray từ Đại học Y khoa Johns Hopkins cho biết các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang được phát hiện trên khắp thế giới mỗi tuần nhưng đây là điều nằm trong bản chất tự nhiên của virus chứa gen di truyền RNA - "thay đổi và tiến hóa dần dần".
Tiến sĩ Ray nói rằng "hầu hết các biến thể đều đến và đi - một số tiếp tục tồn tại nhưng không trở nên phổ biến hơn, một số gia tăng số lượng trong khoảng một thời gian sau đó biến mất".
Chỉ khi một biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao đột biến, tăng nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở người bệnh, hoặc làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị và vaccine, thì lúc đó WHO mới xếp chúng vào nhóm "biến thể đáng lo ngại".
Trên toàn cầu, hiện có 4 biến thể đáng lo ngại gồm: biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tiên ở Anh; biến thể Beta được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ; và biến thể Gamma được phát hiện lần đầu tiên ở Brazil.
Ông Soebandrio cho biết trong 4 biến thể trên thì chỉ có biến thể Gamma chưa được phát hiện ở Indonesia.
Indonesia hiện đã có khả năng chẩn đoán để phát hiện các chủng mới trong khoảng thời gian ngắn. Kể từ đầu năm nay, nước này đã giải trình tự hơn 3.000 chuỗi gen của virus, gấp hơn 10 lần so với năm 2020. Kết quả cho thấy biến thể Alpha vẫn đang lan rộng nhưng Delta đang chiếm ưu thế.
Ông Shahid Jameel, nhà virus học hàng đầu của Ấn Độ, Chủ tịch nhóm cố vấn tại Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG), cho hay biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao gấp 4-5 lần chủng virus ban đầu.
Ông Jameel cũng nhận định rằng tình hình ở Indonesia hiện nay "rất giống" với làn sóng COVID-19 thứ hai của Ấn Độ do "tỷ lệ tiêm chủng thấp". Hiện tại, mới chỉ có 8% người dân Indonesia được tiêm chủng đầy đủ.
Ảnh: Reuters
INDONESIA NÊN RÚT RA ĐIỀU GÌ TỪ BÀI HỌC CỦA ẤN ĐỘ?
Đại diện của 2 trong số các nhóm nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 hàng đầu thế giới tại Mỹ cảnh báo rằng tình hình tại Indonesia đang tạo ra những điều kiện chín muồi cho sự xuất hiện một biến thể mới đáng lo ngại.
Giáo sư Ali Mokdad từ Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe ở Seattle, Mỹ cho biết: "Càng nhiều ca mắc trong cộng đồng thì nguy cơ xuất hiện biến thể mới càng cao."
Vị giáo sư này cũng đã bày tỏ quan ngại về lễ Eid al-Adha của Indonesia, diễn ra trong tuần này và các hoạt động liên quan.
Chính phủ Indonesia đã ban hành chỉ thị đặc biệt cho tuần lễ, yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài và tuân thủ các quy định phòng COVID-19, đồng thời gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 26/7.
Hàng nghìn nhân viên an ninh đã được triển khai trên khắp Indonesia để thực thi lệnh cấm đi lại - sau khi một lệnh tương tự vào dịp lễ Eid al-Fitr, cuối tháng ăn chay Ramadan, đã không ngăn được mọi người tụ tập và di chuyển.
Cuối tuần trước, cảnh sát và quân đội tại cảng Gilimanuk ở phía Tây Bali đã phát hiện hàng ngàn người lao động ở các tỉnh thành vẫn chen nhau trên những chuyến phà đông đúc để trở về quê nhà ở Java - tâm dịch của Indonesia.
Tiến sĩ Robert Bollinger, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Y Johns Hopkins cảnh báo: Virus SARS-CoV-2 "có khả năng đột biến thành một biến thể mới mỗi khi nó lây nhiễm cho một người mới. Vì vậy, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới là rất cao trong cộng đồng và các quốc gia có số ca mắc mới cao nhất, bao gồm cả Indonesia."
Nhưng việc dự đoán vị trí và thời điểm một biến thể mới đáng lo ngại hiện nằm ngoài khả năng của các nhà khoa học.
Nhà virus học người Ấn Độ Shahid Jameel cho biết: "Tất cả những gì tôi có thể nói vào lúc này là khi một loại virus RNA như thế này có cơ hội lây lan lung tung, thì nguy cơ xuất hiện một biến thể mới sẽ tăng lên.
Indonesia nên học hỏi kinh nghiệm của Ấn Độ, điều quan trọng nhất là khả năng cung ứng oxy y tế và công suất bệnh viện. Thật không may là điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn chưa xảy ra"./.
(Theo Asean Post/Al Jazeera)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín