Chuyên gia cho rằng Huawei sẽ tăng phí bản quyền công nghệ với các công ty Mỹ để trả đũa

    Chíp,  

    Sau Verizon, sẽ có thêm những công ty Mỹ khác phải chi thêm tiền nếu muốn tiếp tục dùng sáng chế và công nghệ của Huawei.

    Theo một số chuyên gia, Huawei có thể tăng phí bản quyền công nghệ, sáng chế đối với các công ty Mỹ để chống lại sức ép ngày càng gia tăng từ Washington. Đây là một bước chuyển biến lớn trong chiến lược của Huawei bởi từ trước tới nay hãng này không đặt nặng vấn đề kiếm tiền từ bản quyền công nghệ mặc dù nắm trong tay một số sáng chế quan trọng mang tính nền tảng của ngành viễn thông.

    Tuần trước, Reuters đã đưa tin rằng Huawei yêu cầu nhà mạng Verizon của Mỹ phải trả 1 tỷ USD tiền bản quyền cho hơn 230 sáng chế công nghệ. Theo The Wall Street, các sáng chế mà Verizon đang sử dụng của Huawei liên quan tới các thiết bị mạng cốt lõi và IoT. Đây không phải là một vấn đề pháp lý.

    Chuyên gia cho rằng Huawei sẽ tăng phí bản quyền công nghệ với các công ty Mỹ để trả đũa - Ảnh 1.

    Verizon có thể không phải là công ty duy nhất phải trả thêm tiền cho các sáng chế của Huawei. Nhậm Chính Phi, sáng lập kiêm CEO của Huawei, vừa chia sẻ rằng Huawei sẽ yêu cầu các hãng của Mỹ trả thêm tiền bản quyền.

    "Trong những năm qua, chúng tôi không tích cực lắm trong việc kiếm tiền bản quyền sở hữu trí tuệ từ các công ty sử dụng tài sản trí tuệ của chúng tôi, đó là bởi vì chúng tôi bận phát triển kinh doanh. Một khi có thời gian nghỉ ngơi, chúng tôi sẽ thử yêu cầu nhiều tiền hơn từ các công ty sử dụng tài sản trí tuệ của chúng tôi", ông Nhậm nói. Ông chia sẻ thêm rằng không nên sử dụng các bằng sáng chế làm vũ khí chống lại sự phát triển của xã hội loài người.

    Các công ty Mỹ sử dụng bằng sáng chế của Huawei như thế nào?

    Huawei đã bị cấm bán thiết bị viễn thông tại Mỹ nhưng công nghệ của họ vẫn đang được các công ty Mỹ sử dụng thông qua các bên thứ ba đã được cấp quyền sử dụng các sáng chế của Huawei.

    Khi các mạng di động thế hệ mới được tạo ra, chẳng hạn như 4G và 5G, cần phải thống nhất các tiêu chuẩn trên toàn cầu. Đây thực chất là các giao thức cho những công nghệ này có thể hoạt động trên toàn cầu nên cần sự kết hợp có hệ thống để smartphone giao tiếp dễ dàng với các mạng lưới viễn thông. Các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn sẽ phải làm nhiệm vụ này.

    Thông qua các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn, những công ty như Huawei và đối thủ của họ như Ericsson và Nokia sẽ góp phần xây dựng kiến trúc của các mạng di động.

    Bằng cách này, các công ty sẽ nghĩ ra những công nghệ để xin cấp bản quyền. Các bằng sáng chế, rất quan trọng trong việc định nghĩa thế nào là 4G và 5G, sẽ được coi là một bằng sáng chế thiết yếu (SEP).

    Chuyên gia cho rằng Huawei sẽ tăng phí bản quyền công nghệ với các công ty Mỹ để trả đũa - Ảnh 2.

    Sáng lập kiêm CEO Huawei, Nhậm Chính Phi

    Theo thống kê, Huawei đã được cấp hơn 69.000 bằng sáng chế trên toàn cầu liên quan tới mọi thứ từ truyền dẽ liệu đến quản lý lưu lượng mạng. Họ cũng có 49.379 sáng chế khác đã được đệ trình, chờ phê duyệt. Trong số những bằng sáng chế của Huawei, 58% được cấp tại Trung Quốc, 18% ở Mỹ.

    Mặc dù số lượng SEP cho mạng 4G thua kém so với các công ty khác nhưng Huawei lại dẫn đầu về mạng 5G. Hiện tại, Huawei là hãng có nhiều sáng chế nhất trong lĩnh vực 5G, khoảng 1.554 SEP, vượt qua Nokia, Samsung, LG...

    Vì thế, ngay cả khi các nhà mạng Mỹ không sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei, họ vẫn phải sử dụng công nghệ của Huawei nếu mua sản phẩm từ các bên thứ ba có sử dụng công nghệ, sáng chế của Huawei. Vì Huawei sở hữu rất nhiều bằng sáng chế nên hầu như toàn bộ các nhà mạng Mỹ đều sử dụng công nghệ của họ.

    Tại sao Huawei lại hành động vào thời điểm này

    Tranh chấp bản quyền không phải là hiếm trong thế giới công nghệ và viễn thông. Mới đây nhất Apple và Qualcomm đã có những vụ kiện tụng lẫn nhau trên quy mô toàn cầu.Năm 2016, Nokia cũng đã bị cuốn vào một cuộc tranh chấp với Apple.

    Huawei không mấy tích cực trong việc đưa ra các vụ kiện tụng liên quan tới sở hữu trí tuệ nhắm vào những công ty khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu sức ép từ chính phủ Mỹ, Huawei có thể thay đổi suy nghĩ của mình và vụ yêu cầu Verizon trả 1 tỷ USD tiền bản quyền sẽ là phát súng đầu tiên.

    "Huawei đang cân nhắc vai trò của các sở hữu trí tuệ và ý nghĩa của chúng với Mỹ và với chính Huawei", một nguồn tin nội bộ chia sẻ với CNBC. "Trong tương lai gần, Huawei sẽ công khai với truyền thông và các bên liên quan về những nỗ lực kiếm tiền từ sở hữu trí tuệ 5G", nguồn tin trên chia sẻ thêm và yêu cầu được giấu tên để đảm bảo an toàn.

    Huawei từ chối bình luận về vấn đề này.

    "Chúng tôi không có bình luận nào về vấn đề này bởi nó có thể là một vấn đề pháp lý", Richard Young, người phát ngôn của Verizon tuyên bố trong email gửi cho CNBC. "Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ liên quan tới Verizon. Với bối cảnh địa chính trị rộng lớn, bất kỳ vấn đề nào liên quan tới Huawei đều có thể ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghiệp và gây ra mối lo ngại về an ninh quốc gia và quốc tế".

    Chính quyền ông Trump đã liên tiếp gây sức ép lên Huawei. Gần đây, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã bị thêm vào danh sách các công ty bị cấm mua công nghệ và linh kiện từ các công ty Mỹ.

    Các chuyên gia cho rằng lệnh cấm này sẽ đe dọa mảng kinh doanh smartphone của Huawei. Huawei cũng buộc phải hủy bỏ kế hoạch ra mắt laptop mới vào tháng 6 này. Nhiều thiết bị của Huawei dùng linh kiện và công nghệ của Mỹ.

    Huawei cũng đã cắt giảm dự báo doanh thu của họ trong 2 năm tới. Theo ông Nhậm, lệnh cấm của Mỹ có thể khiến doanh thu của Huawei trong năm nay giảm 30 tỷ USD.

    Tim Pohlmann, CEO của hãng phân tích IPylics, cho rằng Huawei muốn tăng phí bản quyền để bù đắp lại các thiệt hại của các mảng khác. Nokia đã làm điều tương tự vào năm 2010 sau khi bán đi hết mảng kinh doanh smartphone.

    Người Mỹ có thể làm gì?

    Thượng nghị sĩ Senatro Marco Rubio có vẻ như đã nhận ra rằng Huawei sẽ dùng bằng sáng chế để chống lại các công ty Mỹ. Thứ 2 vừa rồi, ông Rubio đệ trình một dự luật ngăn chặn Huawei kiện cáo về bằng sáng chế tại tòa án Mỹ. Nhưng dự luật ấy khó có thể được phê duyệt.

    Trên Twitter, ông Rubio cáo buộc Huawei là một kẻ "patent troll" (lợi dụng các bằng sáng chế mà mình đang sở hữu để tiến hành cạnh tranh không lành mạnh).

    Hôm thứ 4, CEO Huawei chia sẻ với CNBC rằng nếu dự luật của Thượng nghị sĩ Rubio được thông qua, hình ảnh một đất nước thượng tôn pháp luật của Mỹ sẽ bị phá nát.

    "Nếu đề xuất của ông ấy được Quốc hội thông qua, hình ảnh một nước Mỹ được điều hành theo pháp luật sẽ bị phá nát", ông Nhậm nói.

    Hiện tại, Huawei có thể kiện bất kỳ hãng nào lên tòa án Mỹ nếu bị xâm phạm sở hữu trí tuệ.

    Theo CNBC

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ