Chuyên gia giải thích: Tại sao uống rượu methanol gây chết người và cách để phòng tránh

    zknight,  

    Cũng là một chất lỏng giống hệt rượu nhưng methanol có thể giết chết bạn trong 1 ngày.

    Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc rượu đáng tiếc liên quan đến methanol. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu: Tại sao cũng là một chất lỏng trong suốt, giống rượu đến nỗi không thể phân biệt như methanol, lại có thể gây chết người dù chỉ uống một chén 30ml?

    Bên cạnh đó, trao đổi với Bác sĩ Nghiêm Nguyệt Thu, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng quốc gia, bạn cũng sẽ biết được cách để phòng tránh ngộ độc rượu methanol trong đời sống:

    1. Methanol là gì?

     Methanol và ethanol trong nhóm rượu cồn

    Methanol và ethanol trong nhóm rượu cồn

    Methanol (CH3OH) là một chất hữu cơ thuộc nhóm rượu cồn (alcohol, trong đó còn bao gồm ethanol, isopropanol, ethylene glycol…). Vì chia sẻ một công thức hóa học tương tự rượu thường (ethanol-C2H5OH), chỉ ít hơn một phân tử carbon (C) và hai phân tử Hydro (H), methanol cũng tồn tại ở dạng chất lỏng, trong suốt và có hương vị như ethanol (rượu) nhưng có vị hơi ngọt.

    Tuy nhiên, khác với rượu thường, methanol lại là một chất gây gộc mạnh và không thể uống được. Nó chỉ được sử dụng trong ngành công nghiệp, như một dung môi để hòa tan các nguyên liệu sản xuất. Trên thị trường, methanol thường có mặt trong các sản phẩm như dung dịch sản xuất sơn, dung dịch tẩy rửa, nước lau kính ô tô, dung môi làm sạch gỗ, chất chống đông…

    2. Tại sao có rất nhiều người ngộ độc methanol?

     Các trường hợp vô tình uống phải methanol đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển

    Các trường hợp vô tình uống phải methanol đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển

    Các trường hợp ngộ độc methanol rất phổ biến trên thế giới. Lý do vì nhiều người đã vô tình hoặc cố ý sử dụng nó như một đồ uống thay thế rượu.

    Methanol thường được chưng cất từ gỗ lên men, chính vì vậy, nó còn có một cái tên gọi rất lành tính là “rượu gỗ”. Tuy nhiên, như đã nói, methanol gây ra độc tính mạnh và chỉ cần uống một chén trên 30ml methanol là đã có thể gây chết người.

    Cố tình sử dụng methanol được ghi nhận trong các trường hợp tự tử. Nạn nhân có thể uống cồn methanol công nghiệp, nước rửa kính hay các dung dịch chứa methanol khác.

    Các trường hợp vô tình uống phải methanol đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển. Lý do vì sự thiếu hiểu biết của người dân. Methanol thường có giá rẻ hơn rượu. Bởi là một sản phẩm công nghiệp, nó không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở nhiều quốc gia như mặt hàng đồ uống có cồn.

    Các nhà sản xuất nhiều khi cũng cố tình thêm methanol vào sản phẩm cồn ethanol công nghiệp để chủ động tăng độc tính. Tuy nhiên họ làm vậy là có mục đích, nhằm loại trừ khả năng người dân sẽ sử dụng cồn công nghiệp như một loại đồ uống.

    Ngược lại, có trường hợp cơ sở sản xuất rượu cố ý sử dụng cồn có hàm lượng methanol cao để pha loãng thành rượu uống. Một số khác vô tình sử dụng nguyên liệu lẫn bã gỗ, không tuân thủ đúng quy trình chưng cất rượu cũng có thể sản xuất ra các loại đồ uống độc hại.

     Methanol thường có giá rẻ hơn rượu bởi không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

    Methanol thường có giá rẻ hơn rượu bởi không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

    Theo Bác sĩ Nghiêm Nguyệt Thu: "Trong quá trình sản xuất rượu (bằng cách lên men truyền thống hay bằng quy trình sản xuất công nghiệp), vẫn có một lượng nhỏ methanol được tạo thành. Do vậy, FDA (Hiệp hội thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ) đã khuyến cáo lượng methanol cho phép trong rượu tối đa là 0,1% thể tích rượu. Còn ở Việt Nam, nồng độ tối đa cho phép là 0,3%"

    Tất cả các loại rượu kém chất lượng với nồng độ methanol lớn hơn đều có thể gây ngộ độc. Sự thật, đó chính là nhiều trường hợp mà khách du lịch tới các quốc gia như Thái Lan, Indonesia đã gặp phải.

    Không có cách nào có thể phân biệt được rượu thường và rượu methanol tại nhà bởi nhìn bằng mắt và các tính chất thông thường của chúng giống hệt nhau.

    Trong các phòng thí nghiệm, để tránh nhầm lẫn giữa rượu ethanol và methanol, các nhà khoa học thường pha thêm vào nó một chất chỉ thị màu xanh. Bởi vậy, methanol còn được gọi là cồn xanh. Phân tích hai mẫu chất lỏng không có chất chỉ thị sẽ cần tới các thiết bị và phương pháp phức tạp và không thể phổ biến trong cộng đồng.

    3. Methanol có thể giết chết bạn theo cách nào?

    Methanol bản thân không có độc tính mạnh. Nó chỉ gây gộc sau khi được uống vào cơ thể và chuyển hóa thành axit formic. Toàn bộ quá trình diễn ra như sau:

    Khi được uống vào dạ dày, methanol hấp thụ nhanh qua đường tiêu hóa. Sau đó, nó được chuyển hóa ở gan. Trong bước đầu tiên, methanol được chuyển thành formaldehyde. Formaldehyde là một hợp chất có thể gây ung thư khi tiếp xúc trong thời gian dài, nhưng nó vẫn thường được ứng dụng để làm chất ướp xác, chế tạo da, chống ăn mòn…Song song với quá trình này là sự tạo thành rất nhiều gốc tự do.

    Quá trình chuyển đổi methanol thành formaldehyde mất rất nhiều thời gian. Điều này giải thích tại sao người ngộ độc methanol thường phải 12-24 giờ sau mới bắt đầu có triệu chứng.

    Tuy nhiên, ngay sau khi triệu chứng xuất hiện, tình trạng ngộ độc sẽ tiến triền cực kỳ nhanh. Bởi formandehyde không tồn tại được lâu trong cơ thể, nó được chuyển hóa thành axit formic, thời gian chỉ trong vòng 1-2 phút.

    Axit formic cực kỳ độc hại, nó phá vỡ chức năng tế bào, làm ngưng hoạt động của ty thể, thứ được coi là những “nhà máy hạt nhân” tạo ra năng lượng hoạt động trong cơ thể. Các tế bào một mặt thiếu năng lượng, mặt khác bị tích lũy quá nhiều nhiên liệu cho quá trình chạy của “nhà máy hạt nhân”, khiến nó nổ tung.

    Các tế bào dây thần kinh thị giác rất nhạy cảm với axit formic, do đó, người nhiễm độc methanol thường mất thị giác trước tiên.

    Kế đó, axit formic tiếp tục bị oxy hóa trong cơ thể để tạo carbon dioxide và nước trong sự hiện diện của tetrahydrofolate. Tuy nhiên, sự chuyển hóa của axit formic rất rất chậm, do đó nó thường tích tụ lại để gây nhiễm toan dẫn đến tử vong.

    Theo Bác sĩ Nghiêm Nguyệt Thu: "Đồng hành với acid formic, các gốc tự do gây phá hủy các protein và lipid của tế bào ở mức phân tử, làm rối loạn chức năng của các enzym và phá hủy cấu trúc của màng tế bào, do vậy làm tế bào rối loạn hoạt động hoặc bị phá hủy.

    Sự chuyển hóa này sẽ trầm trọng hơn nếu tế bào trong tình trạng thiếu folate. Vì vậy ngộ độc methanol dễ gặp hơn ở những người thường xuyên uống rượu và thiếu folate".

    4. Phân biệt say rượu, ngộ độc methanol và xử trí

     Ngộ độc methanol có nhiều biểu hiện gây nhầm lẫn với say rượu

    Ngộ độc methanol có nhiều biểu hiện gây nhầm lẫn với say rượu

    Như đã nói, trong khoảng thời gian từ 12-24 giờ, nạn nhân nhiễm độc methanol chưa có triệu chứng. Các biểu hiện có thể giống như một người say rượu thông thường, nên rất khó để nhận biết và thường bị bỏ qua như chóng mặt, buồn nôn, mờ mắt…

    Sau đó, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái bất tỉnh, dãn đồng tử, ứ đọng hầu họng, thở nhanh, thở sâu và thậm chí co giật. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.

    Để phân biệt một người say hoặc ngộ độc rượu với ngộ độc methanol, bạn phải theo dõi sát tình trạng của nạn nhân. Nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp, bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết.

    Nếu bệnh nhân không tỉnh, thở nhanh và sâu, thậm chí có co giật... thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... thì cần phải đưa tới bệnh viện khám.

    5. Phòng ngừa ngộ độc methanol

     Hạn chế uống rượu và chọn sản phẩm có chất lượng

    Hạn chế uống rượu và chọn sản phẩm có chất lượng

    Theo Bác sĩ Nghiêm Nguyệt Thu, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng quốc gia để phòng ngừa ngộ độc methanol và các tai biến khác do rượu gây nên, cần:

    - Hạn chế uống rượu/bia: chỉ nên uống < 3 đơn vị rượu (với nam) và < 2 đơn vị rượu (với nữ) (1 đơn vị rượu = (số ml rượu x nồng độ % cồn)/1000)

    - Với rượu sản xuất công nghiệp: chọn những hãng rượu uy tín đã được cấp giấy kiểm định chất lượng

    - Với rượu chưng cất thủ công (rượu làm theo cách truyền thống): rất thận trọng lựa chọn sản phẩm vì có thể không được kiểm tra chất lượng đầy đủ. Hơn nữa nguyên liệu làm rượu lẫn tạp chất hoặc sử dụng cồn khô trong quá trình sản xuất đều có thể gây ra hàm lượng chất độc cao, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

    - Không uống khi cơ thể ở trạng thái mệt, sau ốm kéo dài, tình trạng suy dinh dưỡng… Một số bệnh đòi hỏi không được uống rượu bia như suy gan, suy thận.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ