Chuyên gia nhận định các hãng công nghệ đang sa thải hàng loạt sẽ hối hận vì phải nhận ‘thiệt hại lâu dài'
Việc cắt giảm nhân sự hàng loạt không chỉ làm tổn hại đến danh tiếng của các công ty với tư cách là người sử dụng lao động mà còn làm sứt mẻ tinh thần làm việc và khả năng đổi mới trong tương lai.
Các công ty công nghệ lớn bao gồm Amazon, Salesforce , Spotify và Meta đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên trong những tuần gần đây, với lý do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế đang có dấu hiệu đi xuống. Google cũng mạnh tay cắt giảm 12.000 nhân viên và Microsoft cũng không ngại loại bỏ 10.000 việc làm, chiếm 5% lực lượng lao động của hãng.
Và theo các nhà điều hành chiến lược cũng như nhiều chuyên gia công nghệ, đây là một "sai lầm lớn". Bởi vì các ứng viên xin việc trong tương lai sẽ nhớ tới cách các tổ chức đó đã hành xử và quản lý nhân sự ra sao trong bối cảnh kinh tế không ổn định, so với thời điểm công ty tăng trưởng mạnh.
Phần nhiều trong số các công ty kể trên đã hoạt động bùng nổ trong thời kỳ tăng trưởng những năm vừa qua, khi huy động được một lượng tiền mặt khổng lồ bằng cách phát hành cổ phiếu ra công chúng, đồng thời tuyển dụng ồ ạt. Đối với những người tìm việc trong lĩnh vực công nghệ khi đó, những cái tên như Meta, Google hay Amazon là những nhà tuyển dụng được thèm muốn nhất.
Tuy nhiên, việc sa thải hàng loạt và cách các nhân sự đang được đối xử hiện nay sẽ làm mất đi đáng kể những vầng hào quang trong quá khứ đó. Các chuyên gia nhận định việc sa thải không chỉ làm tổn hại đến danh tiếng thương hiệu của các công ty đối với việc tuyển dụng trong tương lai, mà còn làm giảm tinh thần của những người lao động còn sót lại, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sự đổi mới công nghệ.
“Mỗi lần tôi thấy một công ty công nghệ nào đó đã cắt giảm X% lực lượng lao động của họ, tôi sẽ không thể quên điều đó”, Danny Allan, giám đốc công nghệ của công ty phần mềm Veeam cho biết. "Vì vậy, họ đang gửi đi một thông điệp có khả năng tác động đến thương hiệu, loại thông điệp mà không ai muốn liên kết nhất”.
"Các nhân viên sẽ nhớ và những người đang tìm việc cũng sẽ nhớ cách các tổ chức đã hành động trong thời kỳ suy thoái kinh tế", ông nói thêm.
Sa thải không đơn giản chỉ là tước đi sinh kế của mọi người
Nghiên cứu được công bố trên Harvard Business Review cho thấy các khoản tiết kiệm chi phí ngắn hạn của việc sa thải nhân sự đối với một công ty sẽ nhanh chóng bị che khuất bởi thông tin báo chí tiêu cực, các mất mát về kiến thức thể chế của công ty, giảm sự tương tác, tăng lượng nhân viên nghỉ việc tự nguyện, và làm chậm sự đổi mới. Và tất cả chúng đều sẽ ảnh hưởng ngược đến lợi nhuận của công ty .
Theo Richard Mabey, CEO của nền tảng tự động hóa hợp đồng Juro, một lời giải thích khả dĩ cho tình trạng sa thải hàng loạt gần đây là do việc tuyển dụng vô trách nhiệm, khi các công ty mở rộng quy mô quá mức trong thời kỳ tăng trưởng bùng nổ.
“Việc sa thải nhân viên hiện đang diễn ra dường như là để điều chỉnh hành vi tuyển dụng thái quá đã xảy ra trong vài năm qua, lúc tiền rẻ và dễ kiếm”, ông nói.
Mabey nói rằng việc cắt giảm một số đội ngũ theo cách mù quáng sẽ dẫn đến việc tăng trưởng chậm trong các lĩnh vực đó. Và chúng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của công ty trong tương lai vì đó là "tiết kiệm tiền mặt ngắn hạn, nhận về tổn thất trung hạn."
Ngay cả khi việc sa thải là hợp lý về mặt tài chính, chúng vẫn có thể làm tổn hại đến danh tiếng và sự phát triển dài hạn của công ty.
“Đầu tiên và đơn giản nhất là mất khả năng đổi mới, khi cắt giảm các nguồn lực. Bởi bạn đang cắt giảm khoản đầu tư của mình vào công nghệ trong tương lai”, Allan nói. “Thứ hai, khi bạn cắt giảm 10% lực lượng lao động, bạn đang gửi thông điệp tới nhân viên của mình rằng chúng tôi quan tâm đến tiền hơn là quan tâm đến họ. Và các nhân viên có một trí nhớ lâu dài và cảm giác không chắc chắn đó sẽ rất khó chịu."
Clare DeNicola, quản lý tại the10company, một công ty tư vấn chiến lược về truyền thông, cũng nói rằng đợt sa thải các nhân viên công nghệ gần đây có khả năng gây tổn hại nhiều đến thương hiệu của các công ty này trong lĩnh vực tuyển dụng. Bởi đó xuất phát từ cách họ quản lý sai, và thứ này sẽ gây ra nhiều dư luận xấu.
Một giám đốc kỹ thuật tại Google, người đã làm việc cho công ty hơn 16 năm rưỡi đã viết trên nền tảng LinkedIn rằng ông phát hiện ra mình đã bị sa thải thông qua việc hủy kích hoạt tài khoản tự động vào lúc 3 giờ sáng. Một cựu nhân viên Google khác thì cho biết anh cảm thấy rất sốc khi phát hiện ra mình bị công ty cho nghỉ việc qua email chỉ vài ngày sau khi vợ anh sinh đứa con đầu lòng. Còn Anneka Patel, một cựu giám đốc truyền thông của Meta (công ty mẹ Facebook) thì cho biết cô đã bị sa thải khi đang trong giai đoạn nghỉ thai sản.
“Đây dường như là những đợt sa thải đặc biệt lạnh lùng”, DeNicola nói. "Tôi thấy ngạc nhiên khi những người chủ ở các công ty này nghĩ rằng làm như vậy là ổn."
Bà cho rằng có những bước mà các công ty có thể thực hiện để làm cho việc sa thải trở nên nhân đạo hơn.
Một thương hiệu yếu kém và tinh thần làm việc thấp hơn
Các nghiên cứu cho thấy việc sa thải có xu hướng làm tăng mức độ căng thẳng và lo lắng của những nhân viên còn ở lại, đồng thời làm giảm tinh thần và cảm giác hài lòng trong công việc của họ. Một nghiên cứu mới cũng cho thấy việc sa thải nhân viên cũng có thể đẩy những người còn lại rời khỏi công ty. Được thực hiện bởi Visier, một công ty phân tích nguồn nhân lực, nghiên cứu nhận thấy rằng khi nhân viên bị sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng, khả năng đồng nghiệp trực tiếp của họ nghỉ việc cao hơn 7,7% so với khi những nhân viên đó vẫn ở lại.
Các chuyên gia khác thì nói rằng thay vì áp dụng cách tiếp cận cắt giảm và tiết kiệm chi phí theo đường lối cứng rắn, các công ty công nghệ nên tập trung vào việc giữ chân những nhân viên trung thành và đào tạo nhân tài.
“Sức mạnh của các công ty nằm ở các nhân sự tài năng mà họ có, vì đó là một thế giới dựa trên con người”, Danny Allan nói. "Mặc dù đúng là chúng ta xây dựng công nghệ, nhưng công nghệ được viết ra bởi con người. Vì vậy, sự bền vững lâu dài của bất kỳ công ty nào chính là sức mạnh của những con người mà họ nắm giữ."
"Tạo cho nhân viên sự tự tin và rõ ràng về tương lai có lẽ là điều tốt nhất mà các công ty có thể làm trong bất kỳ loại thử thách kinh tế nào", ông nói thêm.
CEO Mabey cũng đồng ý với quan điểm này và nói rằng trung thực một cách “triệt để" chính là cách tiếp cận tốt nhất. Ông đưa ra ví dụ về việc Juno đã chia sẻ số dư tiền mặt của công ty với các nhân viên để cho thấy họ đang chi tiêu vào việc gì. Ông nói rằng nó đã giúp"cung cấp cho mọi người bối cảnh thực tế về những điều khó khăn đang diễn ra."
Và nếu việc sa thải là không thể tránh khỏi, thì sự đồng cảm là rất quan trọng, cả hai chuyên gia đều cho biết.
"Hãy bắt đầu bằng việc hiểu được điều đó là cực kỳ đau đớn đối với một nhân viên. Nó chỉ hơi đau một chút đối với công ty, và một chút xíu đau đối với một CEO", Mabey nói.
"Tôi luôn nói rằng nhân viên không phải là tài nguyên để quản lý, họ là những cá nhân cần được đánh giá cao. Vì vậy, nếu bạn cần sa thải nhân viên, đôi khi bạn làm như vậy và đó là phần khó nhất trong công việc của tôi, thì bạn sẽ muốn giúp họ hạ cánh ở một nơi tốt cho họ”, Allan nói thêm. "Trước hết, hãy nhận ra rằng họ có một gia đình và một cuộc sống. Họ phụ thuộc vào bạn để kiếm tiền, vì vậy hãy giúp đỡ họ ở mức tối đa có thể."
Tham khảo BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI