Chuyên gia nhận định sai lầm trong chiến lược kinh doanh của Steve Jobs, đã đến lúc CEO Tim Cook phải sửa sai
"Đến một lúc nào đó bạn sẽ không còn chỗ để phát triển nữa".
Trong giai đoạn phát triển bùng nổ của kỷ nguyên iPhone, Apple vẫn luôn áp dụng chiến lược kinh doanh của nhà đồng sáng lập và cố CEO Steve Jobs. Đó là luôn giữ giá bán phần cứng cao, nhưng giữ giá phần mềm và dịch vụ càng thấp càng tốt.
Chiến lược đó đã giúp thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của Apple đạt kỷ lục. Tuy nhiên hiện tại thị trường thiết bị phần cứng đã bão hòa, khiến cho doanh số iPhone dậm chân tại chỗ và làm doanh thu của Apple sụt giảm.
“Chiến lược kinh doanh thần thánh của Steve Jobs có một lỗ hổng. Đến một lúc nào đó bạn sẽ không còn chỗ để phát triển nữa. Vì vậy đã đến lúc CEO Tim Cook cần sửa sai và tìm ra một mô hình kinh doanh mới cho Apple”, theo nhận định của Ewan Spence - chuyên gia về công nghệ và thị trường smartphone của Forbes.
Ewan Spence cho rằng chiến lược kinh doanh của Steve Jobs không thể áp dụng ở thời điểm hiện tại. Bằng chứng là việc Apple không còn sự thống nhất trong việc luôn giữ giá bán các sản phẩm của mình ở mức rất cao.
Apple đã phải giảm giá bán iPhone XR tại Trung Quốc (không chỉ một lần), nhằm thu hút người tiêu dùng. Trong khi đó, Apple lại tăng giá bán trung bình của iPhone tại Ấn Độ, bằng cách loại bỏ những chiếc iPhone có giá bán rẻ khỏi thị trường này.
Tại Mỹ và Châu Âu, Apple cũng cắt giảm giá bán của những chiếc iPhone 2018, thông qua việc tăng giá trị cho những thiết bị cũ trong chương trình “thu cũ đổi mới” và cũng kéo dài thời hạn của chương trình này.
Giữ giá bán thiết bị cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường là một chiến lược ngày càng khó thành công. Bởi sẽ đến lúc thị trường không còn chỗ trống cho bạn tăng trưởng nữa, và việc duy trì giá bán cao dường như càng làm thu hẹp cơ hội của bạn để bán được nhiều thiết bị hơn.
Đã đến lúc Apple cần thay đổi, không tuân theo chiến lược kinh doanh của Steve Jobs nữa. Và năm ngoái, CEO Tim Cook đã khẳng định rằng tương lai của Apple sẽ là một công ty dịch vụ. Mục tiêu mà ông đặt ra là mảng kinh doanh dịch vụ sẽ tăng trưởng gấp đôi, từ 41 tỷ USD trong năm 2016 lên 82 tỷ USD trong năm 2020.
Nhưng vấn đề của kinh doanh phần mềm và dịch vụ, đó chính là bạn phải có một nền tảng người dùng với số lượng đông đảo. Đó là lý do vì sao Google cho không hệ điều hành Android tốt như vậy, để có một nền tảng người dùng smartphone Android rất lớn nhằm phát triển các dịch vụ như Gmail hay Google Maps.
“Apple muốn mảng kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh và mang lại lợi nhuận. Apple cũng muốn giữ giá bán cao đối với thiết bị phần cứng. Tôi không tin rằng Apple có thể làm được cả hai điều đó ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, hãy chỉ chọn một trong hai”, Ewan Spence nhận định.
Tham khảo: Forbes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"