Chuyên gia: Nội dung "chữa lành" trên mạng là chiếc lò ủ bệnh tâm thần khổng lồ

    Thanh Long,  

    Thống kê cho thấy 99% video "chữa lành" trên TikTok được sản xuất bởi người không có trình độ chuyên môn.

    "7 DẤU HIỆU các bạn có TỔN THƯƠNG TÂM LÝ", dòng chữ được nhấn mạnh bằng cách viết hoa, đóng khung màu vàng, trên nền một video đen trắng. "8 dấu hiệu bạn cần được chữa lành", với phông chữ nhẹ nhàng hơn, trên một hình nền "pastel" làm từ Canva. "Tại sao giới trẻ hiện nay lại cần chữa lành", lọt thỏm trong một video khung cảnh thiên nhiên đầy yên bình…

    Đó là những nội dung mà bạn dễ dàng tìm thấy trên TikTok, Facebook hoặc Threads ngày nay. Đứng phía sau đó là những "chuyên gia" tâm lý học tự phong, những người quá trẻ để mặc vest, nên phải cố tình trang điểm đậm hơn để trông sắc sảo, uy tín và chuyên nghiệp hơn - khi họ phải đưa ra những tuyên bố quá tầm hiểu biết của mình, vốn chỉ nên được phát biểu bởi các bác sĩ và chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tâm lý học.

    Những nội dung này chỉ là bề nổi của một trào lưu đang nở rộ trên mạng xã hội, có tên gọi là "chữa lành".

    Chuyên gia: Nội dung "chữa lành" trên mạng là chiếc lò ủ bệnh tâm thần khổng lồ- Ảnh 1.

    Ảnh minh họa.

    Lạm phát nội dung "chữa lành"

    Theo từ điển Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, chữa lành là quá trình điều trị nhằm giảm nhẹ các tình trạng có liên quan đến các rối loạn sức khỏe tinh thần hoặc tình trạng thể chất liên quan đến tinh thần để trở về trạng thái an yên, mãn nguyện, từ đó giúp chúng ta tiếp tục tìm được những niềm vui, sống lạc quan hơn.

    Thuật ngữ này lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1951, bởi nhà tâm thần học và phân tâm học Carl Jung, người đã sáng lập trường phái tâm lý học phân tích, sau đó xuất hiện nhiều trong các văn bản về phân tâm học và tham vấn, trị liệu tâm lý.

    Trào lưu chữa lành từng nở rộ ở Mỹ và các nước Phương Tây trong thập niên 1960-1970, cùng với phong trào New Age. Nhưng tại Việt Nam, "chữa lành" mới chỉ nở rộ trong vài năm trở lại đây với sự phổ biến của mạng xã hội và sự quan tâm đến sức khỏe tâm lý, đặc biệt là qua TikTok sau đại dịch COVID-19.

    Không khó để tìm thấy tới 99 triệu kết quả sau khi tìm kiếm cụm từ "chữa lành" trên Google chỉ trong vòng 0,24 giây. Trên các nền tảng mạng xã hội khác, đặc biệt là TikTok, từ khóa "chữa lành", "healing" luôn lọt "Top 100" từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Cùng với đó là sự bùng nổ của hàng trăm hội nhóm về "chữa lành" được lập ra trên Facebook và các video nói về "chữa lành" với hàng triệu lượt xem trên Youtube.

    Các nội dung chữa lành được đưa ra trên các nền tảng mạng xã hội này rất đa dạng. Chúng có thể là bài viết, video, video ngắn đưa ra các lời khuyên liên quan đến tâm lý học, tự chẩn đoán tình trạng bệnh tâm thần hoặc tự chữa trị bằng các hình thức như "podcast chữa lành", "âm nhạc chữa lành" cho đến "thiền chữa lành" và "du lịch chữa lành"…

    Chuyên gia: Nội dung "chữa lành" trên mạng là chiếc lò ủ bệnh tâm thần khổng lồ- Ảnh 2.

    Chủ đề "chữa lành" nhận được rất nhiều sự quan tâm, với các video thường có từ vài chục ngàn tới vài triệu lượt xem. Không khó để giải thích con số khổng lồ đó, bởi cứ 5 người trẻ ở Việt Nam thì có 1 người được chẩn đoán mắc ít nhất một vấn đề về tâm thần.

    Theo báo cáo năm 2022 của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Việt Nam, 50% các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong số đó sẽ bắt đầu xuất hiện khi bệnh nhân ở độ tuổi thiếu niên, cũng là độ tuổi sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.

    Năm 2023, một hội thảo về sức khỏe tâm thần do Trường đại học Y Hà Nội và Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia phối hợp tổ chức cho biết tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần phổ biến thường gặp nói chung trong dân số Việt Nam là 14,9%, nghĩa là có khoảng 15 triệu người.

    Trong đó, số người mắc trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao nhất, từ 5 đến 6% dân số. Còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia và các chất gây nghiện…

    99% video "chữa lành" trên TikTok được sản xuất bởi người không có trình độ chuyên môn

    Xét từ mặt tích cực, những nội dung chữa lành trên mạng xã hội đang giúp nhiều người tiếp cận được với kiến thức về tâm lý học, nâng cao hiểu biết về bệnh tâm thần và cảm thấy họ được chăm sóc. Tuy nhiên, những gì miễn phí thì ít khi là nào tốt, nhất là với số lượng lớn đến lạm phát.

    Các nghiên cứu cho thấy phần lớn nội dung chữa lành trên mạng xã hội không được cung cấp bởi chuyên gia, do đó, chúng có tỷ lệ sai sót và gây hiểu lầm rất cao. 

    Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2022 được trên Tạp chí Tâm thần học Canada phân tích 100 video phổ biến nhất về bệnh tâm thần trên nền tảng này cho thấy 52% trong số chúng được phân loại là gây hiểu lầm về mặt y khoa, 27% hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm cá nhân và chỉ 21% được coi là hữu ích khi so sánh với tiêu chuẩn chẩn đoán.

    Một nghiên cứu tương tự do PlushCare, một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trực tuyến cũng vẽ nên một bức tranh nản lòng không kém. Trong đó, 500 video TikTok có hashtag #mentalhealthtips (mẹo vặt cho sức khỏe tinh thần) và #mentalhealthadvice (lời khuyên cho sức khỏe tinh thần) đã được các chuyên gia y tế phân tích để đánh giá về độ chính xác và rủi ro tiềm ẩn.

    Chuyên gia: Nội dung "chữa lành" trên mạng là chiếc lò ủ bệnh tâm thần khổng lồ- Ảnh 3.

    Kết quả cho thấy 83,7% lời khuyên về sức khỏe tâm thần trên TikTok có thể gây hiểu lầm, trong khi 14,2% video bao gồm nội dung có khả năng gây hại. Chỉ có 9% những người đưa ra lời khuyên trên nền tảng này có trình độ chuyên môn phù hợp trong lĩnh vực tương ứng, nhưng 99% video không có tuyên bố từ chối trách nhiệm tiết lộ rằng người sáng tạo nội dung không đủ trình độ để đưa ra lời khuyên về sức khỏe tâm thần.

    "Giống như tất cả các phương tiện truyền thông xã hội, những người đăng và chia sẻ thông tin trên nền tảng này có thể có ý định tốt, nhưng nội dung có thể không chính xác, gây hiểu lầm hoặc có khả năng gây nguy hiểm trong một số trường hợp", Marie Chellingsworth, Giảng viên cao cấp về Tâm lý học tại Đại học Arden và là một nhà trị liệu hành vi nhận thức cho biết.

    "Ví dụ, một lượng lớn lời khuyên về sức khỏe tâm thần trên TikTok bao gồm các công cụ chung chung như thực hành "tự chăm sóc" hoặc đi bộ để cải thiện sức khỏe tâm thần. Mặc dù các hoạt động này là điều có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe tổng thể, nhưng những người mắc tình trạng sức khỏe tâm thần có thể cần các phương pháp điều trị riêng, phù hợp với các hướng dẫn lâm sàng".

    Những nội dung "chữa lành" có thể biến thành chiếc lò ủ bệnh tâm thần khổng lồ

    Một trong những hậu quả tiềm tàng, đáng báo động hơn cả sự lan truyền thông tin sai lệch về bệnh tâm thần trên mạng xã hội là sự gia tăng các ca bệnh tự chẩn đoán.

    Lucy Foulkes, một nhà tâm lý học người Anh đến từ Khoa Tâm lý học Thực nghiệm của Đại học Oxford cho biết sau khi xem các nội dung chữa lành trên mạng, nhiều người có thể tự chẩn đoán một cách không chính xác về tình trạng tâm thần mà mình gặp phải, nhất là khi họ có các vấn đề tương đối nhẹ hoặc tạm thời.

    Foulkes gọi đó là "giả thuyết lạm phát vì sự phổ biến" và "sự lan rộng về mặt khái niệm". Theo đó, sự lạm phát của các nội dung "chữa lành" trên mạng xã hội và việc chúng tiếp cận tới một số lượng lớn độc giả sẽ khiến nhiều người tự nghĩ rằng họ có vấn đề về mặt tâm thần.

    Một nghiên cứu tại Mỹ đã khảo sát 474 người trưởng thành để nhận thấy những người có "khái niệm rộng" về bệnh tâm thần, tiếp xúc nhiều hơn với nội dung về bệnh tâm thần, thường tự chẩn đoán họ bị mắc bệnh tâm thần cao hơn người có "khái niệm hẹp".

    Đặc biệt, những người này thường tự cho rằng họ có vấn đề tâm thần nặng và rất nặng cao hơn từ 20-30% so với người bình thường.

    Chuyên gia: Nội dung "chữa lành" trên mạng là chiếc lò ủ bệnh tâm thần khổng lồ- Ảnh 4.

    "Phát hiện của chúng tôi ủng hộ ý tưởng rằng các khái niệm mở rộng về bệnh tâm thần thúc đẩy việc tự chẩn đoán và do đó có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tâm thần một cách rõ ràng", Nick Haskam, giáo sư tâm lý học đến từ Đại học Melbourne, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

    Nhiều người không thực sự bị mắc bệnh tâm thần, hoặc chỉ gặp phải các rối loạn tâm thần nhẹ, tạm thời cũng có thể tự nghĩ rằng họ đang mắc bệnh nặng, vì xem được các video tự chẩn đoán trên mạng.

    "Việc tự chẩn đoán không có cơ sở có thể khiến những người đang trải qua mức độ đau khổ tương đối nhẹ tìm kiếm sự giúp đỡ không cần thiết, không phù hợp và không hiệu quả", giáo sư Haskam cho biết. "Nghiên cứu gần đây phát hiện các liệu pháp điều trị tâm lý dành cho người có mức độ đau khổ tương đối nhẹ có thể làm tình trạng của họ tồi tệ hơn là cải thiện".

    Do đó, những lời khuyên và nội dung chữa lành trên mạng xã hội, không được cung cấp bởi chuyên gia và bác sĩ có thể chính là chiếc lò ủ bệnh tâm thần khổng lồ, chứ không có tác dụng "chữa lành" như tưởng tượng.

    Giáo sư Haskam nghi ngờ việc tỷ lệ mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là trong giới trẻ hiện nay đang tăng cao, có một phần đóng góp từ chính các phương tiện truyền thông xã hội. "Mọi thứ đều có hai mặt của nó", ông nói.

    "Bằng cách bình thường hóa bệnh tâm thần, mạng xã hội có thể giúp xóa bỏ sự kỳ thị với những căn bệnh này. Tuy nhiên, cũng mạng xã hội lại đang bệnh lý hóa một số tâm trạng thường ngày, gây ra những hệ lụy không mong muốn".

    Chuyên gia: Nội dung "chữa lành" trên mạng là chiếc lò ủ bệnh tâm thần khổng lồ- Ảnh 5.

    "Các tác động này có thể đặc biệt gây ra vấn đề cho những người trẻ tuổi. Họ dễ có những khái niệm rộng về bệnh tâm thần, một phần là do sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, một phần khác do bản thân họ đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe tâm thần kém, ở mức tương đối cao và ngày càng tăng", giáo sư Haskam lưu ý.

    "Vì vậy, khi chúng ta còn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần, điều quan trọng là phải tìm cách nâng cao nhận thức về những căn bệnh này mà không vô tình làm trầm trọng thêm các tình trạng hiện có".

    Nguồn: Theconversation, Bustle, Pubmed
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ