Chuyên gia nói tham vọng bá chủ thế giới về sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc thực chất chỉ là viển vông

    Ngocmiz,  

    Theo báo cáo của Bain & Co., khả năng Trung Quốc dẫn đầu thị trường chip bán dẫn là rất khó xảy ra do khoảng cách công nghệ với các nhà sản xuất Mỹ và Hàn Quốc vẫn còn khá lớn.

    Một báo cáo gần đây của hãng tư vấn Bain & Co. cho thấy Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trên con đường trở thành quốc gia tiên phong về sản xuất chip máy tính mà chủ yếu là ở việc thiếu thốn nhân tài công nghệ.

    Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ các thiết bị sử dụng chip bán dẫn lớn nhất thế giới. Quốc gia này cũng đang lên kế hoạch đầu tư tới 100 tỷ USD để trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Hãng tư vấn Bain & Co. ước tính đến năm 2020, khoảng 55% các loại chip và bộ nhớ sản xuất trên thế giới sẽ được chuyển về thị trường tiêu dùng khổng lồ này. Thế nhưng hiện tại, hầu hết các chip đầu não trong các sản phẩm của Apple như iPhone lại đều do các công ty nước ngoài như Intel hay Samsung sản xuất.

    Năm 2014, chính phủ Trung Quốc đã nhóm họp quyết định đầu tư hơn 100 tỷ USD để đưa quốc gia này lên vị trí số 1 về sản xuất chip. Kế hoạch này cũng thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước nâng mức đầu tư lên tối đa, bao gồm cả thương vụ sáp nhập trị giá 2,8 tỷ USD giữa Tsinghua Unigroup Ltd. và Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp. tháng 7 vừa qua.

    Đây được cho là một phần nỗ lực vượt thoát của Trung Quốc khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Thế nhưng trong trường hợp này, tiền cũng không thể mua được vị trí số 1 trong ngành công nghiệp bán dẫn bởi nó trị giá tới 1.000 tỷ USD, theo số liệu báo cáo từ đối tác Kevin Meehan của Bain & Co.

    Trung Quốc hiện mới đang sản xuất được 15% lượng chất bán dẫn mà người dân nước này tiêu thụ. Đến năm 2020, các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc được dự đoán sẽ sản xuất khoảng hơn 7% lượng microchip toàn cầu, không gia tăng là mấy so với mức hiện nay.

    Meehan cho biết: “Trung Quốc hiện đang đi khá nhanh và khôn ngoan, nhưng tôi không nhận thấy dấu hiệu nào khả quan cho tham vọng thống trị công nghệ sản xuất vi xử lý của họ. Đây cũng chính là nền tảng thành công của doanh nghiệp như Intel hay Samsung.”

    Nỗ lực mua lại các hãng đối thủ có bằng sáng chế về công nghệ vi xử lý của các công ty Trung Quốc đang vấp phải các quy định khắp nơi trên thế giới. Kế hoạch đầu tư 3,8 tỷ USD vào công ty Western Digital Corp. của Mỹ đã bị đình chỉ để điều tra; các khoản đầu tư vào các hãng sản xuất chip tại Đài Loan cũng đang đối mặt với nhiều rào cản gây gia tăng căng thẳng chính trị.

    Meehan bình luận: “Cứ cho là họ đầu tư được hết số tiền đó đi thì rủi ro lớn nhất của họ vẫn là kết cục trở về với một đống công nghệ thứ cấp chỉ ở vị trí “theo đuôi”. Vẫn còn hy vọng họ có thể sản xuất vượt ngưỡng 10% nếu biết chọn đối tác tốt, nhưng tôi nghĩ cũng rất khó.”

    Tuy nhiên, Meehan cũng cho rằng các hãng sản xuất chip bán dẫn Trung Quốc cuối cùng sẽ học hỏi được công nghệ từ các đối tác toàn cầu để chiếm thị phần chip cao hơn. Cả Intel và Qualcomm đều đã đồng ý xây dựng các nhà máy sản xuất chip tại Trung Quốc để liên kết với các nhà cung ứng bản địa.

    “Nếu nhìn về tương lai xa hơn, không phải chỉ 5-10 năm mà hàng thập kỷ thì chắc chắn bạn sẽ phải công nhận sự hấp thu và chuyển giao công nghệ của Trung Quốc. Thế nhưng mọi người cũng nên dè chừng chuyện đặt những công nghệ tiên tiến nhất của mình tại quốc gia này.”, Meehan chia sẻ.

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ