Hồi trung tuần tháng 4 năm ngoái, có một việc được lưu truyền trong giới công nghệ như một câu chuyện hài. Ai cũng biết Android là 1 nền tảng mở, và miễn phí. Các hãng sản xuất có thể sử dụng Android trên các smartphone cũng như tablet của mình mà không phải trả 1 xu bản quyền nào cho bên phát triển là Google.
Thế nhưng 1 trong những hãng sản xuất smartphone Android lớn nhất thế giới trong thời điểm hiện tại: HTC lại đang phải trả 5$ trên mỗi chiếc smartphone Android mình bán ra cho 1 hãng thứ 3 vì vấn đề bản quyền. Không phải trả tiền cho Google, mà là cho Microsoft.
Tóm tắt câu chuyện kể trên: Microsoft dọa HTC rằng sẽ kiện hãng này ra tòa vì các smartphone chạy Android của HTC đã vi phạm các bằng sáng chế mà Microsoft hiện đang nắm giữ. Trước khi Microsoft đẩy vụ việc đi xa hơn, HTC đã vội vàng "xuống nước" bằng cách kí 1 thỏa thuận trả cho Microsoft 1 khoản tiền trên mỗi chiếc smartphone Android mà mình bán ra để bù lại việc Steve Ballmer không đưa vụ việc ra tòa.
Và nhìn lại, người ta thấy 1 cái kết vô cùng trái khoáy: Android hoàn toàn miễn phí, nhưng sản xuất smartphone Android lại vẫn phải trả tiền bản quyền. Vào thời điểm vụ việc trên xảy ra, cả 2 bên dường như đều muốn giải quyết êm thấm và không cung cấp bất kì thông tin gì cho báo chí, từ chuyện Microsoft cáo buộc Android vi phạm những gì, cho tới việc HTC sẽ phải trả cho Microsoft bao nhiêu tiền.
Tháng 5 vừa qua, có 1 vài phân tích dựa trên các báo cáo tài chính được Microsoft đưa ra đã ước đoán rằng HTC phải trả cho hãng này khoảng 5$ mỗi chiếc smartphone Android mà mình bán ra. Với con số 30 triệu smartphone Android rời kệ hàng trong năm 2010 của HTC, người ta cho rằng Microsoft
kiếm được từ Android nhiều tiền hơn từ HĐH của chính mình: Windows Phone 7.
Chúng ta thừa hiểu rằng, Microsoft kiện được HTC thì cũng sẽ kiện được các hãng sản xuất smartphone Android khác. Và hôm qua, dự đoán ấy đã được khẳng định khi đại diện của Microsoft tuyên bố hãng này đang yêu cầu Samsung trả 15$ cho mỗi chiếc smartphone chạy Android mà hãng này bán được.
Liệu Samsung có chịu "xuống nước" vội vàng như HTC? Câu trả lời là: Có. Đã có những nguồn tin cho rằng Samsung đang tìm cách đàm phán để hạ mức phí này xuống khoảng 10$ trên mỗi sản phẩm nhằm giữ gìn quan hệ với Microsoft. Đại diện Samsung hiện chưa có bình luận chính thức về những tuyên bố này của Microsoft.
Và trong bài viết dưới đây, tôi sẽ cùng bạn đọc trả lời những câu hỏi xoay quanh sự kiện kể trên.
1. Kiện cáo những gì?
Nếu bạn là 1 người am hiểu về Linux và thường xuyên theo dõi thông tin xoay quanh HĐH này, có lẽ bạn sẽ không cảm thấy quá bất ngờ khi Microsoft tuyên bố Android vi phạm quyền sáng chế do hãng này sở hữu. Từ vài năm trở lại đây, Microsoft liên tục kiện cáo việc các distro của Linux vi phạm quyền sáng chế của các sản phẩm do hãng này sản xuất, đặc biệt là Windows. Android là 1 hệ điều hành dựa trên nền Linux, vì vậy không có gì là khó hiểu khi Microsoft cho rằng Android cũng vi phạm các sở hữu trí tuệ của mình.
Mặc dù trong các vụ việc gần đây, Microsoft luôn tìm cách "xử kín" với các bên sản xuất điện thoại Android vì vậy chúng ta khó lòng biết được thực sự thì Steve Ballmer đang cáo buộc Android vi phạm những điểm gì.
Nhưng rõ ràng với kinh nghiệm vài thập kỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất HĐH cho máy tính (Windows) cũng như thiết bị cầm tay (Windows Mobile, Windows Phone) chắc chắn Microsoft đã thu thập được vô số bằng phát minh, sáng chế liên quan đến những lĩnh vực như thế này.
Đối lập lại, những hãng như HTC, thậm chí là Google đều còn rất non trẻ trong mảng HĐH (Google mới chỉ tham gia mảng HĐH trong vài năm trở lại đây, HTC thì hầu như chỉ sản xuất phần cứng), nên khả năng Android lỡ chân bước vào lãnh địa độc quyền của Microsoft là điều hoàn toàn có thể. Trong khi các bên hỗ trợ cho Android như Google, HTC... lại có quá ít vũ khí để có thể "đập" lại được Microsoft.
2. Vì sao không kiện Google?
Chúng ta có thể thấy Microsoft không phải hãng đầu tiên "chỉ gà mắng chó" khi kiện các hãng sản xuất Android để "dằn mặt" Google. Trước đó, tháng 3 năm ngoái, vụ kiện giữa Apple với HTC trên các smartphone Android cũng được coi là 1 động thái thách thức Google.
Và việc HTC chịu trả tiền cho Microsoft đã gián tiếp thừa nhận rằng Android vi phạm bản quyền của gã khổng lồ phần mềm. Đến đây, câu hỏi lại đặt ra là: Nếu thực sự Android vi phạm bản quyền, vì sao không kiện hãng "mẹ đẻ" của Android là Google, mà lại lôi HTC ra tòa?
Có 2 câu trả lời cho câu hỏi trên. Một là kiện HTC, Samsung hoặc các hãng đem Android vào các sản phẩm thương mại sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Google không thu lợi nhuận trên đầu sản phẩm Android, vì vậy kiện Google sẽ khó "moi" tiền hơn.
Thứ 2, kiện các hãng sản xuất sẽ dễ nắm đằng chuôi hơn. Cụ thể nếu xác định được là các hãng như Samsung, HTC vi phạm bản quyền Apple hay Microsoft có thể yêu cầu Ủy ban Thương Mại Quốc Tế của Mỹ cấm nhập khẩu các sản phẩm nào qua biên giới Mỹ (giống như cách mà Apple đang làm với các sản phẩm của Samsung).
Trong khi nếu kiện Google, thì vì hãng này chẳng nhập khẩu linh kiện hay thiết bị gì liên quan đến Android từ quốc tế về Mỹ (trừ dòng smartphone Nexus) nên kiện Google thực sự là "nắm thằng trọc đầu". Dĩ nhiên Microsoft cũng như Apple đều muốn "nắm thằng có tóc". Và "thằng có tóc" ở đây chính là các hãng sản xuất thiết bị chứ không phải Google.
Vụ kiện của Microsoft hướng đến HTC chứng tỏ 1 điều rằng họ không muốn "chặn đường làm ăn" của các doanh nghiệp khác mà chỉ muốn "chấm mút" tí chút trong thị phần của các hãng này. Và với mục đích đó, Microsoft đã thành công mĩ mãn.
3. Từ vụ việc của HTC và gần đây là Samsung, nhìn thế nào về mối quan hệ tay ba Microsoft-Google-hãng sản xuất thiết bị?
Thậm chí còn chưa đợi Microsoft đưa vụ kiện này ra tòa, HTC đã dàn xếp với gã khổng lồ phần mềm bằng 1 khoản chi phí trên đầu sản phẩm. Người ta thấy dường như HTC đã quá vội vàng khi buông súng đầu hàng lúc chưa bắn 1 viên đạn nào. Kì thực đây lại là một bước đi thông minh của HTC. Chưa bàn đến việc Android có vi phạm bản quyền của Microsoft hay không, nhưng khi chịu trả 1 khoản phí cho Microsoft sẽ đem đến cho HTC ít nhất 2 cái lợi.
Thứ nhất là HTC có thể giữ được mối quan hệ với Microsoft vốn là đối tác truyền thống của HTC ở dòng sản phẩm WinMo trước đây và sau này sẽ là Windows Phone. HTC chẳng dại gì gây xích mích với Microsoft để cuối cùng đem lại hệ quả xấu cho dòng sản phẩm Windows Phone trong tương lai. Đồng ý rằng WinMo đã chết, nhưng Windows Phone thì chỉ mới bắt đầu và còn hứa hẹn rất nhiều thành công.
Thứ 2 là, trả tiền bản quyền cho Microsoft đồng nghĩa với việc HTC được quyền sử dụng chung các đầu mục bản quyền mà Microsoft đưa ra. Việc này vô hình chung lại là sự "vũ trang" cho HTC trong cuộc chiến bản quyền với hãng khác. Mà hãng khác ở đây thì ai-cũng-biết-là-ai-đấy. Không phải vô duyên vô cớ mà mỗi khi Apple có sự xích mích với các hãng sản xuất thiết bị, Microsoft lập tức nhảy vào hôi của (tháng 3 năm ngoái Apple kiện HTC đến tháng 4 Microsoft bắt tay với HTC. Tháng 5 năm nay Apple kiện Samsung, đến tháng 7 Microsoft lại nhảy vào "gợi ý" Samsung làm việc với mình).
Số lượng khí tài của Microsoft trong cuộc chiến bản quyền ở mảng HĐH có lẽ chỉ hơn chứ không kém Apple. Google thì hoàn toàn không có khả năng bảo vệ đồng minh của mình vì hãng này còn quá non trẻ trong mảng HĐH. Để đủ sức đối chọi với Apple, các hãng sản xuất thiết bị không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bắt tay với Microsoft. Có thể thấy đây là 1 bước đi cáo già của Microsoft khi vừa có thể ngăn chặn được sự phát triển của Apple lại có thể thu lợi, tìm kiếm đồng minh.
Riêng với Google, có lẽ hãng này cũng hiểu rằng mình không đủ khả năng che chở cho các đồng minh thân cận như HTC hay Samsung trước những đơn kiện "tối tăm mặt mũi" từ phía Apple. Vì vậy gã khổng lồ tìm kiếm thường "ngó lơ" và không đưa ra bình luận chính thức mỗi khi Microsoft "gạ gẫm" các bên sản xuất phần cứng như HTC, Samsung. Trong khi đó, vào tháng 3 năm ngoái, khi Apple đâm đơn kiện HTC, Google lập tức có phản ứng chính thức: "Chúng tôi không có liên quan gì tới đơn kiện này, tuy nhiên chúng tôi luôn đứng sau ủng hộ những ai giúp chúng tôi phát triển nền tảng của mình".
Những tuyên bố nửa chính thức nửa không chính thức từ cả 3 bên Google-Microsoft-hãng sản xuất đều mang chung 1 thông điệp: Chúng tôi bắt tay nhau chống lại Apple.
Và rõ ràng sự liên minh ngầm giữa 3 bên đã có hiệu quả: vụ kiện giữa HTC với Apple giờ đây đã gần đi tới hồi kết rất sáng sủa cho HTC. Tháng 4 vừa rồi đã có nguồn tin cho rằng tòa án sẽ phán quyết HTC không vi phạm bản quyền của Apple. Rõ ràng đây là 1 cái kết có hậu cho những nỗ lực từ phía hãng sản xuất Đài Loan.
4. Samsung có theo chân HTC?
Có thể thấy HTC nhờ vào quan hệ đồng mình thiết lập với Microsoft dựa trên sự nhượng bộ đã đẩy lùi được 1 đơn kiện của Apple. Samsung có vẻ đang yếu thế trong cuộc chiến pháp lý với Apple khi tòa án liên tiếp đưa ra các phán quyết bất lợi cho hãng này. Và bây giờ khi Microsoft chìa bàn tay đồng minh (và cũng là bàn tay thu tiền), liệu Samsung có cắn răng nắm lấy để có thêm sức lực trong cuộc chạy đua này?
Rõ ràng là Samsung muốn bắt tay Microsoft, nhất là khi hãng này đang nằm ở "chiếu dưới" so với Apple. Samsung không giống như HTC, ngoài sản xuất thiết bị, Samsung cũng tham gia phát triển phần mềm. HĐH Bada của Samsung là 1 sản phẩm hoàn toàn cây nhà lá vườn của hãng này. Thế nhưng rõ ràng là việc đơn độc đối đầu với Apple, nhất là khi hãng này đã nhận được
bản quyền sáng chế giao diện màn hình cảm ứng đa điểm là điều chẳng khôn ngoan chút nào. Cá nhân tôi tin tưởng rằng nếu HTC chịu trả tiền để bắt tay Microsoft, chẳng có lý gì Samsung không tiếp bước hãng sản xuất Đài Loan.
Thỏa thuận đạt được giữa Samsung và Microsoft sẽ làm đổi chiều vụ kiện từ phía Apple như thế nào, chúng ta chưa biết, nhưng có thêm "kho vũ khí" từ Microsoft trong trận chiến bản quyền, rất có thể Samsung sẽ tìm được cách lật ngược 1 bàn thua trông thấy. Có thể họ sẽ mất 1 phần lợi nhuận, nhưng ít nhất Microsoft không tìm cách triệt đường làm ăn của Samsung, không giống như Apple muốn "cấm cửa" sản phẩm của Samsung khỏi thị trường Mỹ, Microsoft sẽ đồng ý chung sống hòa bình với 1 "mức giá phải chăng".
Đồng thời nếu bắt tay với Microsoft, Samsung sẽ gây dựng thêm được quan hệ đồng minh với người khổng lồ phần mềm mà vốn trước đây Samsung chưa có nhiều giao tình. Nhất là trong tình cảnh vụ kiện Apple-Samsung đã phá hoại nghiêm trọng quan hệ hợp tác nồng ấm trước đó giữa 2 hãng này. Samsung cần tìm 1 đồng minh thân cận thế chỗ cho Apple. Và Microsoft có vẻ như là 1 ứng viên sáng giá, dù rất "mê tiền".
5. Vụ việc này ảnh hưởng thế nào đến người sử dụng?
Thẳng thắn mà nói, nếu Samsung chịu bỏ tiền cho Microsoft, rõ ràng bên đầu tiên phải chịu thiệt hại sẽ là người dùng cuối. Sẽ là rất ngây thơ nếu cho rằng Samsung hay HTC sẽ 1 mình "gánh" chi phí bản quyền sản phẩm phải trả cho Microsoft và chịu lợi nhuận ít đi. Số tiền 5$ hay 10$ ấy kì thực là "nện" vào lưng người dùng cuối. Hệ quả trực tiếp nhất là giá sản phẩm sẽ bị đội lên cao.
Thật ra đối với người sử dụng, bỏ thêm số tiền 5$ hay 10$ cho mỗi sản phẩm trị giá hàng trăm USD cũng không phải điều gì quá to tát, thậm chí có lẽ chúng ta sẽ khó lòng nhận ra sự khác biệt này, nhất là nếu HTC hay Samsung chịu cung cấp thêm 1 vài dịch vụ gia tăng để bù đắp cho việc tăng giá.
Nếu thực sự mục đích lớn của Microsoft bên cạnh việc "kiếm chác" từ phía các nhà sản xuất là tìm cách bắt tay với Google, HTC, Samsung và các hãng khác để chống lại sự bành trướng của Apple, thì có thể nói người sử dụng như tôi, như bạn nên... hoan nghênh động thái này.
Để cho Apple tự tung tự tác thì sớm hay muộn Táo Khuyết cũng sẽ tìm được cách gây khó dễ, cản trở các đối thủ của mình phát triển để lại thị trường cho Apple độc chiếm. Nếu có 1 ngày như thế, thì người chịu thiệt sẽ là người dùng cuối khi quyền tự do lựa chọn đã bị giới hạn.
Kể cả trường hợp đó không xảy ra thì riêng việc kiện cáo loanh quanh giữa các hãng công nghệ cũng đã gây ra các thiệt hại cho các hãng còn lớn hơn rất nhiều lần so một vài thỏa thuận mà Microsoft đạt được với HTC hay Samsung. Và dĩ nhiên, các thiệt hại do hoạt động pháp lý ấy sẽ được các hãng "chất" lên lưng người sử dụng. Khi đó có lẽ chúng ta lại mơ rằng giá mà HTC, Samsung chịu... trả tiền cho Microsoft ngay từ đầu...
Kết
Dù sao, những gì tôi viết trên đây cũng chỉ là những phỏng đoán của cá nhân, hoặc đúng, hoặc sai. Như tôi vẫn nói, bất kì giả thuyết hay phỏng đoán nào đều sẽ chỉ được kiểm chứng qua thời gian. Và chúng ta hãy cùng chờ các diễn biến mới để xem vụ việc này rút cục sẽ đi tới đâu. Chúng tôi sẽ tích cực thông tin thêm cho bạn đọc về các sự việc này trong thời gian tới.