Chuyện Mỹ: Quan tòa biết thừa Google đã lấy công sức của Oracle, kiếm nhiều tỉ đô, nhưng không bắt đền bù

    PV,  

    Không phải lúc nào quyền sở hữu trí tuệ cũng được đặt lên hàng đầu. Với sự hiện diện của Fair-use, các nhà làm luật muốn đảm bảo sự tồn tại của một nước Mỹ sáng tạo, nơi mọi người luôn nghĩ ra những sản phẩm mới, nhưng vẫn tôn trọng tác quyền của nhau.

    Ngày 27/5, tòa án Northern District (California, Mỹ) đã đưa ra một phán quyết lạ. Đó là không bắt Google phải bồi thường khi sử dụng các dòng code có bản quyền của Oracle để xây dựng hệ điều hành Android.

    Trước đó, Oracle đã đâm đơn kiện Google với cáo buộc vi phạm bản quyền trong thời gian dài và đòi 9 tỉ USD tiền bồi thường.

    Tại sao một đất nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền chặt chẽ như ở Mỹ lại có thể “tha” cho Google, khi có đầy đủ bằng chứng cho thấy Google đã “lấy trộm” công sức của Oracle? Đặc biệt là khi, 11.500 dòng code của Oracle đã mang về cho Google cả núi tiền trị giá nhiều tỉ đô la thông qua hệ điều hành Android.

    Câu trả lời đó là Google đã đưa ra lời biện hộ xuất sắc trước quan tòa với “quyền sử dụng hợp lý” (fair-use).

    Vậy fair-use là gì? Đó là quyền cho phép bất kỳ người Mỹ nào cũng có thể sử dụng một cách giới hạn công trình của người khác mà không cần phải xin phép tác giả. Người sử dụng cũng sẽ không vi phạm các vấn đề liên quan đến bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ.

    Hiểu một cách đơn giản, bạn có thể thoái mái “copy” ý tưởng của người khác, tuy nhiên là trong một giới hạn nhất định. Nếu ý tưởng này thành công và biến bạn thành triệu phú, thậm chí tỉ phú (như trường hợp Google), bạn cũng không phải chia xu nào cho tác giả.

    Trên thực tế, fair-use dựa trên ý tưởng cho rằng công chúng nên được trao quyền tự do sử dụng một phần nguồn tài nguyên đã được đăng ký bản quyền với mục đích làm tư liệu hoặc bình luận.

    Không chỉ vậy, fair-use còn là cứu cánh để chống lại sự độc quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta đều quá quen thuộc với câu nói “đứng trên vai người khổng lồ”, hàm ý không có sáng tạo nào hoàn toàn mới, mà chỉ có sáng tạo dựa trên nền tảng và tri thức đã tồn tại cả vạn năm nay của nhân loại.

    Tuy nhiên, việc ngày nay bất kỳ sáng tạo nào cũng được đóng dấu bản quyền khiến việc tự do sáng tạo ngày càng khó khăn hơn, những vụ kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế cũng diễn ra thường xuyên hơn. Nếu làm việc gì cũng phải xin phép, cũng lo vi phạm, con người sẽ tự trói buộc sức sáng tạo của mình.

    Trên thực tế, sự tồn tại của fair-use trên thực tế đã có từ thế kỷ 18 tại Anh. Đến năm 1976, fair-use được đưa vào đạo luật bản quyền của Hoa Kỳ. Điều này cho thấy các quốc gia phát triển, bên cạnh việc đề cao bản quyền, cũng đã sớm nhận thức rõ tác hại của bản quyền.

    Với sự hiện diện của Fair-use, các nhà làm luật muốn đảm bảo sự tồn tại của một nước Mỹ sáng tạo, nơi mọi người luôn nghĩ ra những sản phẩm mới, nhưng vẫn tôn trọng tác quyền của nhau.

    Quay trở lại vụ kiện giữa Oracle và Google. Google đã chứng minh trước tòa án rằng việc mình sao chép 11.500 dòng code của Oracle đã tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới, hữu dụng cho mọi người, nên được bảo vệ dưới luật fair-use.

    Cũng cần chú ý thêm rằng, fair-use là một quy định hết sức đặc thù, vì vậy, việc áp dụng fair-use sẽ được xem xét kỹ càng trên từng trường hợp cụ thể, thay vì áp dụng đại trà. Bản thân phán quyết của tòa án, cũng phụ thuộc rất nhiều vào cảm tính của thẩm phán. Vì vậy, không lạ khi Oracle cho biết họ sẽ kháng án.

    Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày