Chuyện nhà khoa học Việt Nam khởi nghiệp sợ mất ý tưởng và hiện tượng tuyệt vọng tích tụ của 5 con khỉ nhốt chung một buồng
Ở Việt Nam, nếu một người tìm đến nhà khoa học, không cẩn thận anh ta sẽ ăn cắp ý tưởng. Nhà khoa học còn lo sợ: Nếu anh ta mua cổ phần của tôi, tức là tôi làm thuê cho anh ta à? Cứ có một rào cản, sự e ngại nào đó giữa những con người trong mắt xích hợp tác khiến một nhà khoa học khởi nghiệp ở Việt Nam khó thành công, TGĐ Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ VN chia sẻ.
4 năm trước, một nhóm doanh nhân tâm huyết với giới khởi nghiệp, trong đó có Phạm Duy Hiếu – cựu CEO ngân hàng trẻ nhất Việt Nam của ABBank, nay là Tổng Giám đốc Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ VN (SVF) – có chung thắc mắc tại sao khởi nghiệp nước ngoài làm thành công mà Việt Nam thì mãi khó. Họ đã thăm một số nước xem các câu chuyện khởi nghiệp của các nhà khoa học thực tế diễn ra thế nào.
Sau chuyến đi đó, ông Hiếu đúc rút: Công thức chung là hãy để nhà khoa học chỉ là nhà khoa học, nhưng hãy đem họ hợp lực cùng nhà kinh tế, doanh nhân, nhà đầu tư , từ đó ý tưởng của họ đi một chuỗi để đến giá trị cuối cùng, thành sản phẩm tới tay người sử dụng.
Ví như ở Thụy Sỹ, một nhà khoa học nữ khi có ý tưởng chế tạo một chiếc giường chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư vú, cô có thể mang ý tưởng này tới một campus hỗ trợ khởi nghiệp . Các kỹ sư tại đây sẽ lắng nghe và chế tạo sản phẩm mẫu theo ý tưởng nhà khoa học này phác ra trên giấy. Khi đã trao đổi cụ thể về kích cỡ, vị trí các chi tiết, các kỹ sư sẽ đưa ra cái hẹn 3 tháng để hoàn thiện sản phẩm.
Có sản phẩm mẫu ấy, nhà khoa học có thể mang đến các hội thảo, triển lãm để bệnh nhân dùng thử và kêu gọi đầu tư.
Trong khi câu chuyện khởi nghiệp của các nhà khoa học ở Thụy Sỹ rất suôn sẻ thì ở Việt Nam, câu chuyện trở nên bế tắc.
Ông Phạm Duy Hiếu - cựu CEO ABBank, Tổng Giám đốc SVF.
Chia sẻ câu chuyện khó khăn khi khởi nghiệp ở Việt Nam, ông Hiếu kể lại một thí nghiệm. Trong thí nghiệm này, 5 con khỉ sẽ bị nhốt chung một buồng, trên cao treo một nải chuối.
Cứ con khỉ nào trèo lên để lấy chuối thì cả 5 con khỉ này sẽ bị xịt nước lạnh. Khi câu chuyện lặp lại vài lần, các con khỉ bắt đầu có phản ứng: Cứ con khỉ nào trèo lên giật quả chuối, 4 con còn lại sẽ kéo con đó xuống đánh cho túi bụi. Chúng biết cứ trèo lên lấy chuối sẽ bị xịt nước lạnh.
Người ta thay con khỉ mới vào. Con khỉ mới vừa vào buồng nhìn thấy chuối đã reo thầm trong bụng: “A, chuối kìa!” Nó trèo lên toan lấy chuối. Lập tức, 4 con khỉ còn lại kéo nó xuống đánh cho túi bụi. Con khỉ mới sau một thời gian không còn muốn trèo lên hái chuối nữa.
Người ta lại thay 1 con khỉ cũ bằng 1 con khỉ mới khác. Con khỉ mới lại định trèo lên hái chuối, 4 con còn lại, gồm cả con chưa bao giờ bị xịt nước lạnh, lại túm nó xuống, đánh cho túi bụi.
Người ta lặp lại thử nghiệm này, cho đến khi cả 5 con khỉ trong buồng đều là khỉ mới.
Kết quả: Không con nào dám lên hái chuối, vì cứ trèo lên là bị đánh, dù cả con đánh lẫn con bị đánh đều không hiểu tại sao.
“Người ta gọi đây là tình trạng tuyệt vọng tích tụ. Khi chúng ta định làm gì đó thay đổi, sẽ bị những 'con khỉ' không thay đổi túm lại đánh túi bụi. Sau một thời gian, không còn ai muốn thay đổi nữa”, ông Hiếu nói.
Ở Việt Nam, nếu một người tìm đến nhà khoa học, không cẩn thận anh ta sẽ ăn cắp ý tưởng. Nhà khoa học còn lo sợ: 'Nếu anh ta mua cổ phần của tôi, tức là tôi làm thuê cho anh ta à?'
“Cứ có một rào cản, sự e ngại nào đó giữa những con người trong mắt xích hợp tác khiến một nhà khoa học khởi nghiệp ở Việt Nam khó thành công”.
“Khi thị trường phát triển mạnh mẽ, yếu tố cạnh tranh trở nên quyết liệt, lúc đó những doanh nghiệp mới hình thành như startup hoặc nhà khoa học mở công ty, lập tức họ bị coi là đối thủ của một doanh nghiệp đã thành công trước đó. Khi những gã khổng lồ đi trước coi những doanh nghiệp mới ra đời như đối thủ, họ sẽ giết chết những đối thủ đó trong trứng nước”, ông Hiếu đúc rút.
Ông bày tỏ mong muốn kêu gọi những doanh nghiệp lớn đã thành công quay trở về dìu dắt những doanh nghiệp nhỏ, coi doanh nghiệp nhỏ là cơ hội đầu tư.
“Họ có thể bỏ tiền, trở thành miếng ghép, mang kênh phân phối, mối quan hệ của họ vào. Doanh nghiệp nhỏ khi nhận được sự hợp lực này sẽ bùng nổ. Thay vì ăn thịt lẫn nhau, họ sẽ hợp lực với nhau”, ông Hiếu bày tỏ.
Với mục tiêu này, SVF và Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mới đây đã ký kết hỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, SVF sẽ là cầu nối giúp tạo cơ hội hợp tác hiệu quả hơn giữa các nhà đầu tư và các nhà khoa học.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Quý Quỳnh – Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Mỗi năm, trung bình Viện có khoảng 100 nhiệm vụ về nghiên cứu cơ bản. Từ số này, Viện sẽ chắt lọc những nghiên cứu có tính ứng dụng ngay, chiếm khoảng 10 – 15% số nghiên cứu cơ bản để đưa ra thị trường.
Năm 2016, Viện đã chuyển giao 3 sản phẩm thành công cho 3 doanh nghiệp. Trong đó, có một sản phẩm đã được CTCP Dược Hậu Giang kinh doanh với doanh thu 100 tỷ đồng với nhãn hàng Naturenz của Viện Công nghệ Sinh học.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín